Bất ngờ chuyện béo - gầy qua chỉ số BMI
(Dân trí) - Để đánh giá một người có bị thừa cân hoặc béo phì hay không, các bác sĩ thường dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI) nhưng một nghiên cứu mới đây tại Mỹ cho thấy điều này có thể không chính xác.
Trong hàng thế kỷ đây đã trở thành tiêu chuẩn để đánh giá sức khỏe của chúng ta nhưng một nghiên cứu đồ họa mới đây của Công ty Body Labs, New York, Mỹ cho thấy thân hình của những người có BMI như nhau có thể rất khác nhau.
6 người tình nguyện này đều cao 1,75m và nặng 78kg. Tất cả đều có BMI = 25,4, nghĩa là về mặt “kỹ thuật” mà nói họ đều bị xem là thừa cân (Theo hướng dẫn của cơ quan y tế, những người có BMI> 25 bị xem là thừa cân và BMI > 30 bị xem là béo phì).
Kết quả cho thấy những người có BMI như nhau có thể nhìn rất khác nhau do cơ và xương “chắc” hơn mỡ. Ví dụ, một số người trong hình nặng ở chân hơn. Vì BMI chỉ tính đến chiều cao và cân nặng, nên những yếu tố này thường bị bỏ qua.
Bạn sẽ không thể bị béo phì khi thực sự thiếu cân, nhưng với những người đang ở sát giới hạn thì việc nhầm lẫn rất dễ xảy ra. Ví dụ, bạn có cơ bắp đủ “6 múi” với dáng chuẩn nhưng lại bị xem là thừa cân và béo phì, hoặc bạn có BMI trung bình nhưng lại mang một khối mỡ lớn ở bụng - điều mà các nghiên cứu đã cho thấy là yếu tốt nguy cơ của bệnh tim mạch và tiêu đường.
BMI của các vận động viên và cầu thủ hàng đầu, có cùng cân nặng và chiều cao như những người không tập luyện. Ví dụ, thậm chí khi ở đỉnh cao, ngôi sao bóng bầu dục Jonny Wilkinson vẫn bị xếp là thừa cân theo BMI.
Hiện nay nhiều chuyên gia dinh dưỡng lập luận rằng % mỡ và kết cấu cơ thể là những dấu hiệu đáng tin cậy của sức khỏe hơn là con số trên cân.
Sử dụng một cái thước dây để xem bạn có cân đối không có lẽ là cách tốt hơn so với sử dụng BMI trong việc đánh giá bạn có béo hay không.
Hồi tháng 5, một nghiên cứu đã gợi ý rằng mọi người nên kiểm tra sức khỏe bằng cách sử dụng một chiếc thước dây có chiều dài bằng với chiều cao.
Các nhà khoa học tại trường Đại học Oxford Brookes cho biết bằng cách gấp đôi chiếc thước dây lại và xem liệu bạn có thể dễ dàng quấn nó quanh eo được hay không có thể là cách tốt hơn BMI để xem liệu bạn có hình dáng “chuẩn” hay không.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nguy cơ bị bệnh tim sẽ thấp hơn nếu người đó có số đo vòng hai nhỏ hơn 1/2 chiều cao.
Ý nghĩa của chỉ số khối cơ thể (BMI) Chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét) BMI từ 18,5 - 25 được xem là cân nặng bình thường. Từ 25 - 30 là thừa cân, và >30 là béo phì. BMI dưới 18 bị xem là thiếu cân. |
Cẩm Tú
Theo Daily Mail