1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bắt bệnh qua tiếng ho của bé

(Dân trí) - Đa số các trường hợp ho ở trẻ em là do cảm lạnh thông thường và không đáng ngại. Tuy nhiên, cha mẹ đừng nên mất cảnh giác với những kiểu ho dưới đây của bé.

Ho khàn tiếng

Bé đi ngủ trong tình trạng ngạt mũi nhưng vẫn ngủ yên suốt vài giờ. Đột nhiên bạn nghe thấy những âm thanh khàn đục vang lên rõ, bạn bật dậy và thấy bé đang cố sức hít thở.

Nguyên nhân có thể là: Viêm thanh khí phế quản cấp, còn gọi là bệnh croup, một bệnh do vi rút gây viêm thanh quản và khí quản. Bệnh hay gặp nhất từ tháng 10 đến tháng 3, và thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng tới 3 tuổi. Triệu chứng ho sẽ cải thiện vào ban ngày nhưng tái diễn thêm khoảng hai đêm nữa. Bạn cũng có thể nghe thấy tiếng rít khi bé hít vào. Một số bé có xu hướng bị tình trạng này mỗi khi bị cảm lạnh.

Làm thế nào: Khi bé thức dậy vì ho, hãy bế bé ra ngoài - không khí mát thường giúp đường thở thư giãn. Hoặc vặn vòi nước nóng và ngồi cùng bé trong phòng tắm đầy hơi nước trong 15 - 20 phút, vì không khí ấm và ẩm cũng giúp bé thở dễ hơn. Hãy gọi cấp cứu nếu bé thực sự bị khó thở hoặc tiếng rít ngày một nặng với từng nhịp thở hay kéo dài quá 5 phút. Giữa những cơn ho, hãy sử dụng máy phun sương mát trong phòng, và đảm bảo cho bé uống nhiều nước. 

Mặc dù bệnh croup thường tự khỏi, nhưng luôn cho bé đi khám bác sĩ mỗi khi nghi ngờ bệnh. Nghiên cứu gần đây thấy rằng một liều corticoid uống - mà bác sĩ thường chỉ kê đơn cho những trường hợp ho croup nặng - cũng có thể giúp ích cho những ca bệnh nhẹ hơn.

Ho
có đờm

Ho có đờm

Tiếng ho của bé nghe như có đờm, và bé cũng bị sổ mũi, viêm họng, mắt kèm nhèm và chán ăn.

Nguyên nhân có thể là: Cảm lạnh thông thường, có thể kéo dài 1- 2 tuần, tuy nhiên bệnh sẽ nặng nhất (và dễ lây nhất) trong một vài ngày đầu. Trung bình trẻ thường bị từ 6 đến 10 đợt cảm lạnh mỗi năm.

Làm thế nào: Vì cảm lạnh là do vi rút gây ra, nên kháng sinh sẽ không giúp ích gì – thậm chí bạn đừng yêu cầu bác sĩ kê đơn kháng sinh. (Tuy nhiên, hãy gọi bác sĩ nếu bé chảy nước mũi xanh dai dẳng và sốt, vì có thể là bé đã bị viêm xoang do vi khuẩn). 

Nếu bé còn quá nhỏ chưa biết xì mũi, hãy nhỏ mũi cho bé bằng nước muối sinh lý và dùng dụng cụ hút mũi để làm sạch chất nhầy và giúp bé ít ho hơn. Sử dụng máy phun sương mát và tắm nước ấm cũng giúp ích. Bạn cũng có thể cho bé hít hơi dầu cao nóng bôi trên một chiếc khăn, nhưng đừng bôi trực tiếp lên da bé trừ khi bác sĩ khuyên làm như vậy. Cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé bất kì loại thuốc không kê đơn nào, và hỏi xem khi nào thì bé đủ lớn để uống si rô ho.

Ho khan ban đêm

Bé bị ho khan rất khó chịu hầu như suốt mùa đông. Ho có vẻ nhiều hơn vào ban đêm và mỗi khi bé vận động nhiều.

Nguyên nhân có thể là: Hen phế quản, một bệnh mạn tính khiến các đường ống dẫn khí trong phổi (phế quản) bị viêm và co thắt, và tiết ra nhiều chất nhày. Mặc dù các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng thở khò khè là dấu hiệu chủ yếu của hen, song ho khan - nhất là về đêm - có thể là triệu chứng duy nhất của bé. Nguyên nhân là chất nhày trong phổi gây kích thích khiến bé ho. Những dấu hiệu báo động khác: Ho xảy ra khi gắng sức, dị ứng, cảm lạnh hoặc không khí lạnh. Nếu bé còn nhỏ hoặc gầy, bạn có thể thấy lồng ngực bé rút lõm xuống khi thở.

Làm thế nào: Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn nghi ngờ bé bị hen. Những bé đủ lớn (thông thường là 5 hoặc 6 tuổi) sẽ được thổi vào một chiếc ống đặc biệt để kiểm tra chức năng phổi. Để đưa ra chẩn đoán ở trẻ nhỏ hơn, các bác sĩ thường căn cứ vào kết quả khám cùng với lời kể của cha mẹ về triệu chứng của bé cũng như tiền sử hen hoặc dị ứng của gia đình. Những trường hợp nhẹ có thể được dùng thuốc giãn phế quản dạng hít khi có cơn hen, trong khi những bé bị hen vừa hoặc nặng cần dùng thuốc dự phòng hằng ngày. Hãy gọi cấp cứu nếu bé bị khó thở nhiều hoặc không thể nói, ăn hay uống được.

Ho mệt lả

Lần đầu tiên trong đời, bé mệt đến mức không buồn chơi. Bé bị ho khàn tiếng, kèm theo sốt cao, đau cơ và sổ mũi.

Nguyên nhân có thể là: Cúm, một bệnh do vi rút tấn công vào hệ hô hấp. Cúm có thời gian ủ bệnh dài ở trẻ, vì thế bé bị nhiễm vi rút có thể vẫn chơi bình thường trong vài ngày trước khi đổ bệnh, khiến vi rút lây sang bạn bè và gia đình. Bệnh lây qua những giọt dịch tiết nhỏ, vì thế khi bạn cùng lớp hắt hơi dù chỉ một cái, vi rút cúm sẽ bay khắp phòng.

Làm thế nào: Cho bé uống nhiều nước, uống acetaminophen hoặc, nếu bé trên 6 tháng tuổi, uống ibuprofen cùng với thức ăn hoặc sữa để hạ sốt và giảm đau. Sang năm, bạn nhớ cho bé tiêm vắc xin cúm.

Ho có tiếng khò khè, tiếng rít

Bé đang bị cảm lạnh được vài ngày, và giờ đây cơn ho có tiếng khò khè và tiếng rít. Bé có vẻ thở nhanh và rất bứt rứt.

Nguyên nhân có thể là: Viêm tiểu phế quản, một bệnh nhiễm trùng ở các tiểu phế quản – những đường ống dẫn khí nhỏ nhất ở phổi. Khi những đường ống này bị sưng và chứa đầy dịch nhày, bé sẽ bị khó thở. Nguyên nhân hay gặp nhất là vi rút hợp bào hô hấp (RSV). Viêm tiểu phế quản thường tấn công trẻ nhỏ trong những tháng mùa đông.

Làm thế nào: Đến ngay bác sĩ nhi khoa nếu bé có vẻ khó thở hoặc khó uống. Theo hướng dẫn mới của Hội Nhi khoa Mỹ, trẻ em thường không cần chụp X quang phổi hoặc xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm tiểu phế quản qua thăm khám và khai thác bệnh sử thật tỉ mỉ. Khuyến khích bé nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Cũng theo hướng dẫn mới, phần lớn các bé sẽ không cần dùng thuốc (thuốc giãn phế quản, kháng sinh hoặc corticoid). Trong những trường hợp nặng, bé có thể cần nhập viện để được thở ô xi, truyền dịch, hoặc dùng thuốc.

Ho gà

Bé đã bị cảm lạnh hơn một tuần và hiện bị ho thành từng cơn – đôi khi bé sẽ ho hơn 20 lần trong một nhịp thở. Giữa những cơn ho, bé bị khó thở và phát ra riếng rít kì lạ khi hít vào.

Nguyên nhân có thể là: Ho gà, một căn bệnh mới xuất hiện trở lại gần đây. Vi khuẩn ho gà tấn công lớp niêm mạc đường hô hấp, gây viêm nặng và khiến đường thở bị hẹp lại - thậm chí tắc hoàn toàn. Trẻ không được tiêm chủng đầy đủ dễ bị mắc ho gà nhất (5 liều vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván thường được tiêm lúc 2, 4, và 6 tháng tuổi, từ 15 đến 18 tháng tuổi, và từ 4 - 6 tuổi). Tuy nhiên, trẻ nhỏ có nguy cơ cao nhất. Các bé dưới 6 tháng tuổi thường phổi chưa đủ trưởng thành để tạo ra tiếng ho rít đặc trưng, vì thế cha mẹ khó phát hiện. Thay vào đó, ho có thể thành cơn liên tục và kết thúc bằng việc bé bị ọe hoặc nôn, bé có thể bị ngừng thở trong chốc lát, và môi tím lại do không nhận được đủ ô xi.

Làm thế nào: Hãy đến bác sĩ ngay nếu bạn nghi bé bị ho gà. Trẻ dưới 6 tuổi sẽ cần nhập viện. Bệnh được điều trị bằng kháng sinh, và người lớn cũng như trẻ em trong nhà có thể cần dùng kháng sinh dự phòng và tiêm chủng nhắc lại để tránh bị bệnh. (Ho gà rất dễ lây, và khả năng miễn dịch bị yếu đi sau 5 năm tiêm chủng.) Kháng sinh sẽ làm hết nhiễm trùng sau khoảng 5 ngày nếu được bắt đầu đủ sớm, nhưng triệu chứng ho của bé có thể kéo dài vài tháng và cũng tái phát nếu sau đó bé bị nhiễm trùng đường hô hấp.

Ho dữ dội

Bé đã bị cảm lạnh một tuần và giờ bệnh nặng hơn. Tiếng ho của bé có vẻ ướt và nhiều đờm, và bé thở nhanh hơn bình thường.

Nguyên nhân có thể là: Viêm phổi, do vi rút hoặc vi khuẩn xâm nhập vào phổi, khiến phổi bị ứ đầy dịch. Do bé phải cố gắng tống lượng dịch ứ đọng này ra khỏi phổi, nên ho do viêm phổi thường khá đáng sợ.

Làm thế nào: Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm phổi qua thăm khám nhưng có thể cần cho bé đi chụp X quang phổi. Bé có thể cần làm test đo độ bão hòa ô xi của máu (bằng một chiếc máy kẹp vào đầu ngón tay) để kiểm tra xem lượng ô xi trong máu có bị thấp hay không. Nếu các kết quả xét nghiệm cho thấy viêm phổi là do vi khuẩn, bé sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh; với viêm phổi do vi rút thì đành để bệnh tự diễn biến. Thường thì viêm phổi có thể điều trị ngoại trú, nhưng nếu nặng, bé có thể phải nằm viện vài ngày.

Các biện pháp đơn giản làm dịu ho

- Uống nhiều nước

- Hút mũi

- Canh thịt gà

- Máy phun sương mát


Cẩm Tú

Theo Parents

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm