Báo động tình trạng trẻ béo phì tại các thành phố

(Dân trí) - “Trong 10 năm, tỉ lệ trẻ béo phì tăng lên gấp 9 lần. Đặc biệt, tại các khu vực trung tâm thành phố, tỉ lệ trẻ béo phì đã vượt ngưỡng 12%. Đây là một con số rất đáng báo động”, PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
53% phụ huynh không biết con mình béo phì
 
Tròn 3 tuổi, nhưng cô bé Nguyễn Thị Thu Mai (Hà Tĩnh) đẵ nặng tới 25kg, cao 95cm, mặc cỡ quần áo của trẻ 5 tuổi. Phân tích về chỉ số cân nặng, chiều cao, bé Mai thừa đến gần 10kg trong khi chiều cao chỉ hơn chuẩn 1 - 2cm.Vậy nhưng mẹ bé Mai chưa bao giờ có ý định kiểm soát ăn uống, vẫn cho con ăn theo sở thích với nhiều tinh bột, lười uống sữa vì cho rằng “Cân nặng thế, sau này đi nhà trẻ mẫu giáo là vừa”, chị Thu mẹ bé Mai nói.

PGS.TS Lê Bạch Mai chia sẻ, tại Viện Dinh dưỡng, nhiều ông bố bà mẹ đưa con đi kiểm tra dinh dưỡng, nhiều người bày tỏ muốn con bụ bẫm, lên cân, chỉ số phát triển cho thấy trẻ đạt cân nặng, chiều cao nhưng vẫn bày tỏ mong muốn bác sĩ kê cho con ít thuốc bổ, kích thích ăn uống để tăng cân hơn. Thậm chí, có những trẻ đã béo phì, thừa cân nhưng bố mẹ vẫn không í thức được điều đó.

Điều tra trên những trẻ thừa cân béo phì ở Hà Nội có tới 53% ông bố bà mẹ có con đã bị thừa cân béo phì nhưng không hề biết con béo phì. Khát vọng của ông bố, bà mẹ là muốn trông con mình bụ bẫm, đáng yêu mà không lường được, sự “bụ bẫm” này có thể mang đến nguy hại về sức khỏe của trẻ cũng như lâu dài sau này.

“Một nghiên cứu được chúng tôi thực hiện ở một trường tiểu học quận Hai Bà Trưng thì có tới 60% các trẻ thừa cân béo phì bắt đầu có rối loạn mỡ máu. Đây là điều rất nguy hiểm, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nếu tình trạng thừa cân, béo phì không được khống chế. Những đứa trẻ béo phì sau này dễ trở thành một người trưởng thành béo phì, với hàng loạt các nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa”, PGS Mai nói.

Béo phì trẻ em thành phố tăng 9 lần trong 10 năm

BS Trịnh Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng cho biết, tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em đang tăng nhanh. Nếu như năm 2000, tỉ lệ béo phì, thừa cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 0,62% đã tăng lên 5,6% vào năm 2010. Như vậy, trong 10 năm, tỉ lệ béo phì, thừa cân ở trẻ dưới 5 tuổi đã tăng đến 9 lần. Tình trạng trẻ thừa cân béo phì của chúng ta chưa phải là cao, nhưng tốc độ gia tăng rất nhanh.

Đặc biệt ở trẻ em thành phố, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi béo phì đang tăng mạnh mẽ. Như tại TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ trẻ béo phì đã vượt cao hơn với mức trung bình toàn cầu.

Tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) tỉ lệ này béo phì, thừa cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 6%, với tổng số 86.000 trẻ. Đặc biệt, thừa cân béo phì ở một số thành phố đã cao hơn mức trung bình của Châu Á và các nước đang phát triển. “Như tại TPHCM, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi béo phì đã lên tới 9,6% (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%). Đặc biệt, tại các khu vực trung tâm thành phố, tỉ lệ trẻ béo phì đã vượt ngưỡng 12%. Đây là một con số rất đáng báo động”, PGS Mai cho biết.

Theo PGS Mai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ béo phì trẻ em gia tăng, trong đó phụ thuộc nhiều vào yếu tố dinh dưỡng và vận động. Bữa ăn mỗi hộ gia đình, ở các vùng miền nhìn chung được cải thiện rõ ràng. Tuy năng lượng trong khẩu phần hầu như không thay đổi, nhưng chất lượng khẩu phần đã thay đổi, giá trị sinh học của khẩu phần được tốt hơn cho nên sử dụng hiệu quả hơn những nguồn dinh dưỡng khẩu phần cung cấp.

Theo PGS TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết, cơ cấu khẩu phần ăn cho trẻ ở các đô thị thay đổi rõ rệt về lượng và chất, có xu hướng giảm chất bột tăng chất đạm và đặc biệt là chất béo, chất đường (do sử dụng thực phẩm chế biến sẵn), đặc biệt là trẻ em ở đô thị. Với nhóm trẻ em này, khẩu phần ăn có hàm lượng chất béo đã lên tới sấp xỉ 30% năng lượng trong khẩu phần. Tăng chất béo, nhưng các vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, D, sắt…rất quan trọng cho sự phát triển thể chất, chiều cao của trẻ… thì ngay cả trong khẩu phần ăn của trẻ em thành phố cũng chưa đáp ứng được.

Tình trạng trẻ suy dinh dưỡng điều tra mới nhất năm 2012 cho thấy, trong 7,68 triệu trẻ dưới 5 tuổi thì số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hiện có hơn 1,2 triệu trẻ và suy dinh dưỡng thấp còi vào khoảng trên 2 triệu trẻ. Trong khi đó tình trạng trẻ thừa cân béo phì tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt tronng 10 năm (từ 2000- 2010) tỉ lệ trẻ béo phì tăng 9 lần. Trong khi đó, chiều cao người Việt chậm cải thiện, trung bình 10 năm mới tăng thêm được 1cm. Hiện nay, chiều cao trung bình người Việt trưởng thành (20 - 24 tuổi) là 164,4 cm với nam, 153 với nữ.

Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” do Bộ Y tế phát động sẽ được diễn từ ngày 16-23/với thông điệp “Đảm bảo an ninh dinh dưỡng và an toàn thực phẩm để mọi người khỏe mạnh”.

Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển năm nay tập trung vào các hoạt động: khuyến khích người dân biết lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng; vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với điều kiện kinh tế; tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào tại gia đình và địa phương trên cơ sở giữ gìn vệ sinh môi trường; biết cách chế biến và thực hành vệ sinh đúng để đảm bảo thức ăn không trở thành nguồn lây bệnh, không bị hao hụt chất dinh dưỡng... Trong thời gian này, Sở Y tế các địa phương sẽ phối hợp với các viện dinh dưỡng, vệ sinh dịch tễ, ngành nông nghiệp để đưa kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kiến thức về dinh dưỡng hợp lý tới mọi gia đình.

 
Hồng Hải