Đắk Lắk:
Báo động tình trạng bệnh SXH lan tràn trong cộng đồng
(Dân trí) - Ngày 16/9, bác sỹ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận hơn 3.600 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê của ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, một số địa phương có số ca SXH tăng đột biến như: TP Buôn Ma Thuột hơn 1.000 ca, huyện Ea Kar hơn 800 ca, huyện Buôn Đôn hơn 500 ca… Điều đáng báo động là trong những tuần cuối tháng 8 và 2 tuần đầu tháng 9 năm 2013, bình quân mỗi tuần toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận khoảng 250 ca SXH/tuần.
Mặc dù SXH trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tăng đột biến nhưng cho đến thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Lý giải việc này, bác sỹ Phạm Văn Lào cho biết, là do bệnh nhân bị SXH được phát hiện và điều trị sớm, hệ thống điều trị các tuyến được tập huấn công tác phòng chống SXH kỹ càng, cùng với đó là sự chỉ đạo tuyến sát sao của Khoa lây - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Nói về nguyên nhân số ca SXH tăng cao trên địa bàn tỉnh Đắk lắk, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh này cho biết, là do thời điểm này tỉnh Đắk Lắk đang bước vào cao điểm của mùa mưa năm 2013, đây chính là điều kiện thuận lợi bọ gậy nảy nở, tiền đề cho bệnh SXH bùng phát trong cộng đồng dân cư.
Ngoài ta, bác sỹ Phạm Văn Lào cũng thẳng thắn khẳng định, SXH tại Đắk Lắk tăng cao bất thường một phần cũng do công tác truyền thông phòng chống SXH còn hạn chế, người dân còn chủ quan trong công tác phòng chống và chưa quan tâm xử lý các ổ bọ gậy ở địa phương cư trú. Mặt khác, hiện nay SXH tại Đắk Lắk đang lan tràn trong cộng đồng dân cư, phạm vi rất rộng đã gây không ít khó khăn cho ngành y tế trong công tác xử lý, phòng chống.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân làm tăng số ca SXH tại Đắk Lắk cũng không loại trừ khả năng lây lan qua lại từ con đường du lịch, buôn bán, giao thương… của người dân tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh giáp ranh như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
Bác sỹ Phạm Văn Lào cũng dự báo trong thời gian tới bệnh SXH tại Đắk Lắk tiếp tục diễn biến phức tạp, do vậy người dân cần nâng cao ý thức phòng chống SXH, tăng cường diệt ổ bọ gậy ở nơi địa phương sinh sống.
Mặt khác ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đang tiến hành giám sát kỹ các điểm xung quanh các huyện có số ca SXH nhiều như: Ma Đ’rắk, Krông Pắk… Đồng thời với đó là tiến hành phun thuốc chủ động cho những điểm có nguy cơ tăng cao số ca SXH như: TP Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Ana, huyện Krông Pắk. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh này cũng tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân trong việc phòng chống SXH.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk, hiện UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp 300 triệu đồng cho ngành y tế tỉnh này để phục vụ cho việc mua hóa chất, vật tư, trang thiết bị nhằm phục vụ cho việc phòng chống bệnh SXH đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Viết Hảo