TPHCM:

Báo động ô nhiễm trong môi trường lao động

(Dân trí) - Môi trường làm việc đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Kết quả khảo sát của Sở Y tế cho thấy chỉ số an toàn ở hầu hết các doanh nghiệp đều vượt chuẩn cho phép. Đây là nguyên nhân khiến người lao động mắc nhiều bệnh nghề nghiệp.

Hiện nay, môi trường lao động ở đa số khu công nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ cũng như các làng nghề trên địa bàn thành phố đang bị ô nhiễm với nhiều mức độ khác nhau. Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết: “Bình quân hàng năm Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động & Môi trường đo môi trường lao động cho khoảng 1.200 đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn”.

Môi trường làm việc ô nhiễm tác động tiêu cực đến sức khỏe người lao động
Môi trường làm việc ô nhiễm tác động tiêu cực đến sức khỏe người lao động

Thực tế cho thấy đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một phần do thời tiết khí hậu, một phần do điều kiện nhà xưởng chật hẹp khiến môi trường làm việc của người lao động bị ảnh hưởng rất xấu. Mẫu đo của các yếu tố: Nhiệt độ, tiếng ồn, ánh sáng, tốc độ gió đều vượt tiêu chuẩn cho phép ở mức cao. Đồng thời, việc sử dụng nguyên, nhiên liệu sản xuất trong ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, chế biến thực phẩm… hiện nay cũng không đảm bảo an toàn, có nguy cơ gây độc hại.

Trên thực tế, nhà xưởng của đa số các doanh nghiệp được lợp mái tôn, hệ thống thông gió, chống nóng không được trang bị đầy đủ, hợp lý nên công nhân làm ở những nơi này luôn phải chịu nhiệt độ cao với mức chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời khoảng từ 3 đến 5 độ C. Sự kết hợp giữa các yếu tố không an toàn khiến sức khỏe của người lao động đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong tổng số 47.615 người lao động được kiểm tra sức khỏe thì có tới 7,25% phải theo dõi các bệnh nghề nghiệp, 672 người bị kết luận mắc các bệnh nghề nghiệp như: Tai mũi họng, mắt, thần kinh, tim mạch, da liễu… Trong đó, điếc do tác động của tiếng ồn trong công xưởng là bệnh phổ biến nhất hiện nay, kế tiếp là bệnh bụi phổi silic.

Không chỉ giới công nhân lạo động tại các phân xưởng chịu tác động của môi trường làm việc bởi bệnh nghề nghiệp trong ngành y tế như viêm gan vi rút, lao nghề nghiệp cũng đang là một vấn đề nóng khi các phương tiên bảo hộ lao động chưa được đảm bảo.

Để cải thiện môi trường làm việc, ngành Y tế kêu gọi các doanh nghiệp cải tạo nâng cấp hạ tầng nhà xưởng đảm bảo môi trường thông thoáng hạn chế tiếng ồn, cân trang bị dụng cụ bảo hộ đạt tiêu chuẩn cho người lao động khi phải tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, hóa chất… Người lao động cần chú ý bảo vệ bản thân bằng các phương tiện bảo hộ lao động để tránh những hệ lụy cho sức khỏe của chính mình.

Vân Sơn