Bạch biến da, nỗi ám ảnh trên cơ thể người bệnh

(Dân trí) - Không đe dọa tính mạng, nhưng bạch biến da ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ, ám ảnh người bệnh. Bệnh cạnh việc chăm sóc vùng da bạch biến, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần được hỗ trợ tâm lý.

Ước tính khoảng 2% dân số thế giới bị bệnh bạch biến da. Bệnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi màu da. Bạch biến không đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhất là ở những trẻ em đang trong độ tuổi phát triển làm cho trẻ mặc cảm, tự ti, hạn chế giao tiếp xã hội. 

Phân tích chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Thị Phương Thảo, Bệnh viện Da Liễu TP HCM cho thấy: “Đây là một tình trạng xảy ra do sự phá hủy hay giảm các tế bào hắc tố (tế bào sản xuất sắc tố trên da của mỗi người) dẫn đến hậu quả là xuất hiện những mảng trắng trên da. Nguyên nhân chính xác của bạch biến đến nay vẫn chưa được làm rõ, nhưng hầu hết các trường hợp là do tự miễn”. 

Bạch biến da, nỗi ám ảnh trên cơ thể người bệnh - 1
Bệnh bạch biến hiện vẫn chưa rõ cơ chế nhưng có liên quan đến tự miễn và di truyền

Những bệnh nhân bị bạch biến thường là do hệ thống miễn dịch của người bệnh tấn công chính các tế bào hắc tố bình thường và làm giảm hoặc mất sắc tố trên da. Vì là một bệnh lý tự miễn, bạch biến có thể liên quan đến các tình trạng tự miễn khác, trong đó thường gặp nhất là bệnh lý tuyến giáp. Bạch biến một phần có liên quan đến yếu tố di truyền, nếu cha mẹ mắc bệnh thì khả năng di truyền cho con cái khoảng 6%. 

Bệnh có thể hiện diện ở tất cả các vùng cơ thể, nhất là những vùng da cọ xát thường xuyên (như khuỷu tay, tay, hông, đầu gối, và đầu ngón chân), ngoài ra có thể bị ở quanh mắt, mũi và miệng, bộ phận sinh dục… Trong hầu hết các trường hợp, những mảng trắng của da diễn tiến chậm, thậm chí không tiến triển. Một số ít có thể diễn tiến xấu đi nhanh chóng và có 10-20% tự tái sắc tố lại như bình thường, vùng da tái sắc tố có thể sậm màu hơn. Khoảng 1/3 trẻ em mắc thể bạch biến theo phân đoạn, những mảng trắng giới hạn thành từng dải, và thường ít khi lan rộng. 

Được xem là một dạng bệnh lý nhưng bạch biến không gây ra triệu chứng đáng kể, thỉnh thoảng có thể hơi ngứa, không đe dọa tính mạng và không lây. Tuy nhiên, bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trẻ em bị bạch biến dễ bị kỳ thị hơn so với trẻ khác, làm cho trẻ mặc cảm, căng thẳng, buồn bã và ảnh hưởng đến việc giao tiếp xã hội. Trong những trường hợp này, cần phải can thiệp điều trị tâm lý kịp thời để tránh những sang chấn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả cuộc đời của người bệnh. 

Bạch biến da, nỗi ám ảnh trên cơ thể người bệnh - 2
Bên cạnh giải pháp điều trị, trẻ bị bạch biến cần được hỗ trợ về mặt tâm lý

Để tránh bệnh bạch biến diễn tiến ngày càng xấu, bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhân cần được bảo vệ da dưới tác động của ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng hàng ngày, mặc quần áo dài tay bảo vệ da. 

BS Phương Thảo khuyến cáo, với những bé gái hoặc bệnh nhân nữ, việc trang điểm che khuyết điểm (vùng da trắng mất sắc tố) có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Khi trang điểm, nên lựa chọn sản phẩm kháng nước, không trôi trong suốt 1 ngày, không sinh nhân mụn, không gây dị ứng. Có thể sử dụng sản phẩm nhuộm da kháng nước có chứa dihydroxyacetone cho hiệu quả lâu dài hơn so với kem che khuyết điểm thông thường.

Để phục hồi sắc tố da, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc thoa trên da có chứa corticosteroid hay ức chế calcineurin. Tuy nhiên, các loại thuốc trên có thể làm mỏng làn da, rạn da nên việc sử dụng thuốc phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là khi dùng thuốc trên những vùng da nhạy cảm hoặc vùng da quanh mắt. Ngoài ra, tùy tình trạng của bệnh nhân, việc điều trị có thể sử dụng liệu pháp ánh sáng hoặc chỉ định ghép da lành để thay thế cho vùng da bị bạch biến. 

Vân Sơn