“Bác sĩ Việt Nam ghép gan, thận không thua gì thế giới”

(Dân trí) - “Với kỹ thuật ghép thận, ghép gan, các bác sĩ của Việt Nam không thua bất cứ một nước nào trên thế giới. Thực tế, ca phẫu thuật ghép gan từ người cho chết não được thực hiện tại bệnh viện Việt Đức tháng 5/2010 là 100% bác sĩ Việt Nam thực hiện…”

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức - bệnh viện hàng đầu về ngoại khoa tại Việt Nam chia sẻ về thành tựu ghép tạng tại bệnh viện.

“Bác sĩ Việt Nam ghép gan, thận không thua gì thế giới” - 1
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức. (Ảnh: H.Hải)

Kỹ thuật cao, chi phí rẻ

PGS.TS Quyết khẳng định, tại bệnh viện Việt Đức cũng như ở nhiều bệnh viện khác của Việt Nam nói chung, kỹ thuật ghép tạng không hề thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. “Ghép thận giờ đã trở thành thường quy tại bệnh viện, hầu như tuần nào cũng có ghép. Hay như với ghép gan - một kỹ thuật ghép khó nhất hiện nay thì các bác sĩ của Việt Đức cũng đã hoàn toàn làm chủ. Đặc biệt, với cùng kỹ thuật đó, người bệnh ở Việt Nam được hưởng lợi hơn rất nhiều bởi chi phí rẻ. Hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Ví như chi phí ghép thận, ở các nước cùng khu vực bệnh nhân sẽ mất khoảng 35.000 USD, còn tại bệnh viện Việt Đức người bệnh chỉ nộp từ 200 - 230 triệu. Còn ca ghép gan đầu tiên từ người chết não tại viện, chi phí chỉ hết 500 triệu, trong khi chi phí này ở các nước trên thế giới là từ 1 - 1,5 tỷ đồng”, TS Quyết nói.
 
“Bác sĩ Việt Nam ghép gan, thận không thua gì thế giới” - 2
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thăm bệnh nhân được ghép gan
từ người cho chết não đầu tiên ở BV Việt Đức. Ca ghép do các bác sĩ của BV
thực hiện, không cần sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. (Ảnh: H.Hải)
 
Thành công của kỹ thuật ghép tạng tại bệnh viện Việt Đức được ghi nhận từ năm 2007, khi lần đầu tiên bệnh viện ghép gan thành công cho bệnh nhân người lớn lấy từ nguồn cho gan sống. Tuy nhiên, đến tháng 5/2010 vừa rồi, những ca ghép thận, ghép gan dồn dập từ nguồn cho tạng là người chết não được thực hiện tại bệnh viện này càng khẳng định tay nghề, trình độ của các bác sĩ Việt Nam với kỹ thuật ghép tạng. Có thể nói, các bác sĩ, các kíp ghép tạng mà bệnh viện Việt Đức liên tục cử đi đào tạo ở nhiều nước trên thế giới hoàn toàn vững vàng với tay nghề, hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép tạng phức tạp mà không cần sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài.

“Ca ghép gan thành công từ người cho tạng chết não hôm 20/5 vừa rồi vừa mở ra một triển vọng lớn với người suy gan, ung thư gan ở Việt Nam, vừa khẳng định vị thế của các bác sĩ Việt Nam với bạn bề quốc tế. Ca phẫu thuật lấy tạng được thực hiện từ lúc 0h40 ngày 20/5/2010 và ngay trong đêm tiến hành ghép gan cho một bệnh nhân 46 tuổi, tiếp đó ghép thận cho hai trường hợp, ghép van tim cho hai trường hợp kết quả rất tốt. Và đến 6h toàn bộ các kíp phẫu thuật đều hoàn thành. Đặc biệt phải nói đến thành công của ca ghép gan này. Trước đây Việt Nam có ghép gan, nhưng luôn nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài, còn đây là ca đầu tiên ghép gan lấy từ người cho chết não và chỉ có bác sĩ Việt Nam thực hiện. Ca ghép thực hiện trong vòng 5h20 phút, nhanh hơn nhiều so với thời gian dự kiến và chỉ sau 16 ngày nằm viện, bệnh nhân đã được xuất viện, sống, lao động hoạt động như bình thường”, TS Quyết chia sẻ.

Khan hiếm nguồn cho tạng

Theo TS Quyết, không riêng gì Việt Nam mà trên thế giới, số bệnh nhân cần tạng để ghép rất nhiều. Tuy nhiên, trên thế giới, nguồn tạng cho đến 90% là được lấy từ người cho chết não, chỉ khoảng 10% là lấy từ người cho sống. Ngược lại ở Việt Nam, các ca ghép thận, gan vẫn chủ yếu là từ người cho sống.

“Tại Việt Nam luôn có hàng chục nghìn người bệnh chờ ghép thận, gan, tim nhưng nguồn cho thì cực kỳ khan hiếm. Trong khi đó, chỉ riêng tại bệnh viện Việt Đức mỗi năm có gần 1.000 người tử vong do mất não nhưng người nhà không đồng ý cho tạng. 3 ca hiến tạng vừa rồi là cực kỳ hiếm hoi, sau khi vận động tới hàng nghìn ca mới có 3 người gia đình đồng ý hiến tạng. Nhờ đó mà đã có 6 bệnh nhân được ghép thận, một bệnh nhân được ghép gan, 2 trường hợp ghép van tim và trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường. Từ những người suy thận, suy gan không thể rời khỏi bệnh viện, nay được thay tạng mới, cuộc sống của họ mới trở về đúng nghĩa là cuộc sống, rời xa giường bệnh, máy móc, mệt mỏi, thất vọng. Một người không may từ giã cõi đời đã mang lại cuộc sống ý nghĩa cho những người bệnh trọng, hàng giờ, hàng phút luôn phải chiến đấu với bệnh tật để dành lại sự sống”, TS Quyết nói.

Về thành tựu ghép tạng tại Việt Nam, GS Phạm Gia Khánh cho rằng, dù ghép tạng ở Việt Nam chậm hơn thế giới khoảng nửa thế kỷ, sau các nước trong khu vực Đông Nam Á khoảng 20 năm, nhưng với những thành công về ghép gan, ghép tim trên người lấy từ nguồn hiến chết não, do các chuyên gia Việt Nam đảm nhiệm đã cho thấy bước đột phát trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam. Kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở vật chất đều đủ, cái khó khăn nhất hiện nay mà Việt Nam đang phải đối mặt chính là sự khan hiến nguồn tạng hiến do tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng.

Để phần nào khắc phục tình trạng khan hiến nguồn tạng hiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, sắp tới, Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm điều phối ghép tạng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cởi mở hơn với việc hiến tạng, hiến tạng cho y học để cứu giúp những người bệnh đang phải ngày ngày chiến đấu với bệnh tật.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm