Bác sĩ Vân Kiều quyết tâm theo ngành y sau biến cố mất em trai vì ruột thừa

Tiến Thành

(Dân trí) - Bà con bị bệnh tật, chữa bằng tâm linh càng nặng thêm, em trai cũng mất vì đau ruột thừa mà không được đi bệnh viện đã thúc giục Hồ Puôn theo học ngành y, quyết tâm đưa y học hiện đại về với dân bản.

Quyết tâm thành bác sĩ sau biến cố mất em trai

Về xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, hỏi về Bác sĩ Hồ Puôn (SN 1977) không ai là không biết. Người bác sĩ đa khoa này vốn là con em đồng bào Vân Kiều, hiện đang là Trạm trưởng trạm y tế xã, được người dân địa phương vô cùng yêu quý.

Chia sẻ với Dân trí, bác sĩ Hồ Puôn cho biết, bản thân anh sinh ra trong gia đình nghèo tại bản Đá Chát, xã Trường Sơn, cuộc sống khó khăn nhưng được bố, mẹ động viên nên anh luôn cố gắng để tới trường học chữ.

Bác sĩ Vân Kiều quyết tâm theo ngành y sau biến cố mất em trai vì ruột thừa - 1

Bác sĩ Hồ Puôn thăm khám cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Ước mơ trở thành bác sĩ ấp ủ trong Hồ Puôn ngay từ những ngày theo bố, mẹ đi làm rẫy. Ngày đó, bà con trong bản mỗi khi bị ốm đau chỉ biết mời thầy mo về cúng. Hơn nữa, tận mắt chứng kiến em trai mình bị đau bụng dữ dội, cha mẹ mời thầy mo về cúng, tốn 2 con bò, 2 con lợn nhưng em trai vẫn không qua khỏi (sau này mới biết là em trai mình bị đau ruột thừa, bục ruột mà mất), Hồ Puôn đã quyết tâm theo học nghề y.

Năm 1992, học xong lớp 5, cả xã Trường Sơn chỉ một mình Hồ Puôn khăn gói xuống Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình để học cấp 2 và cấp 3. Năm 1999, tốt nghiệp cấp 3, Hồ Puôn được đi học cử tuyển ngành lâm nghiệp. Nhưng chỉ học được một năm, Hồ Puôn bỏ ngang, khăn gói về quê ôn luyện để tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ.

Bác sĩ Vân Kiều quyết tâm theo ngành y sau biến cố mất em trai vì ruột thừa - 2

Nhờ sự nỗ lực của bản thân, tư duy tiến bộ, Hồ Puôn là người đồng bào Vân Kiều đầu tiên của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trở thành bác sĩ đa khoa.

"Cái thời mình đi học thì nghèo đói lắm, nhà khó khăn, mỗi ngày đi bộ cả chục km đường rừng để tới trường. Ba mình có bài thuốc từ tổ tiên để trị bệnh, dân bản ốm thường tìm đến nhờ ba giúp đỡ, mình cũng muốn được như ba, giúp đỡ dân bản, nhưng nhờ đi học, mình hiểu được y học hiện đại quan trọng như thế nào nên quyết tâm đưa nó về với bản", bác sĩ Hồ Puôn nhớ lại.

Với những nỗ lực của bản thân, chàng trai Vân Kiều Hồ Puôn đã thi đậu vào Trường Đại học y Thái Nguyên. Sau 7 năm đèn sách, đến 2008, ước mơ trở thành bác sĩ đa khoa của anh đã thành hiện thực và được cử về công tác tại Phòng Y tế huyện Quảng Ninh.

Bác sĩ Vân Kiều quyết tâm theo ngành y sau biến cố mất em trai vì ruột thừa - 3

Bác sĩ Hồ Puôn và các đồng nghiệp của mình tại Trạm Y tế xã Trường Sơn.

Cũng là công việc cứu giúp người bệnh nhưng anh Hồ Puôn luôn đau đáu lời hứa với bản làng. Năm 2015, nguyện vọng về công tác tại xã Trường Sơn của Hồ Puôn đã được cấp trên xét duyệt. Từ đó, đồng bào nơi đây đã quen thuộc với hình ảnh bác sĩ người Bru - Vân Kiều tận tình với người bệnh.

Y học hiện đại xóa dần hủ tục

Về với quê hương, với bản làng, anh Hồ Puôn đến từng nhà, hỏi thăm bà con và động viên dân bản mỗi khi đau ốm nên đến trạm y tế để khám bệnh chứ không nên tin vào việc cúng bái của thầy mo.

"Về công tác ở huyện thì cũng là cứu giúp bệnh nhân cả. Nhưng tôi xin "ích kỷ" để về với bản làng, nơi mà tôi muốn cống hiến từ những ngày bắt đầu đi học. Từ ngày về đây công tác cùng các đồng nghiệp, nhìn thấy sự đổi thay trong đời sống và suy nghĩ của người dân tôi cũng mừng lắm. Giờ văn minh rồi, bà con đau ốm đều tìm đến trạm xá để khám và xin thuốc", bác sĩ Hồ Puôn chia sẻ thêm.

Bác sĩ Vân Kiều quyết tâm theo ngành y sau biến cố mất em trai vì ruột thừa - 4

Nhờ sự nỗ lực tiếp cận của đội ngũ y, bác sĩ, bà con dân bản đã dần tin tưởng vào y học hiện đại, đau ốm đều tìm đến trạm y tế để khám và xin thuốc.

Nói về những ngày tháng gắn bó với công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào Vân kiều nơi biên giới Quảng Bình, bác sĩ Hồ Puôn cho hay, khó khăn nhất của anh và các cán bộ của trạm là địa hình ở xã Trường Sơn cách trở. Để khám định kỳ cho bà con, bác sĩ Hồ Puôn và đồng nghiệp phải vượt hàng chục km đường bộ, đặc biệt là hành trình vào bản Dốc Mây. Bản làng này tách biệt với bên ngoài, chưa có đường giao thông. Muốn vào bản phải đi bộ lội suối, luồn hơn 20km đường rừng vô cùng hiểm trở.

"Mình từ nhỏ đã đi rừng nên chẳng quản ngại gì, nhưng thương mấy chị em đồng nghiệp, vất vả lắm. Với trách nhiệm của người làm công tác y tế, chúng tôi sẽ luôn cố gắng. Khi khám bệnh, người dân họ hiểu và cảm ơn, đó là động lực để mọi người nỗ lực. Làm y tế ở Trường Sơn thì nửa đêm lần từng bước vào bản hay những lần cấp cứu, đỡ đẻ giữa rừng không phải hiếm gặp, đó là những kỷ niệm khó quên đối với chúng tôi", bác sĩ Puôn tâm sự.

Bác sĩ Vân Kiều quyết tâm theo ngành y sau biến cố mất em trai vì ruột thừa - 5

Đội ngũ y tế của Trạm Y tế xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh vào tận bản để chăm sóc sức khỏe và cấp thuốc cho bà con.

Với bà con Vân Kiều ở xã Trường Sơn, trước đây, vì dân trí còn thấp nên người dân cho rằng nguyên nhân của bệnh tật là do ma thuốc độc, ma rừng... và dùng các cách chữa trị dân gian như cúng, thổi... nên chẳng những không khỏi mà có thể trở nặng. Cùng với đó, điều kiện kinh tế và giao thông khó khăn, hiểm trở nên bà con còn ngại tới các cơ sở y tế khám, chữa bệnh.

Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền, bộ đội biên phòng cùng lực lượng trạm y tế trong việc chủ động tiếp cận người dân để chăm sóc, khám chữa bệnh nên người dân ngày càng tin tưởng vào cách chữa bệnh hiện đại, dần xóa bỏ những hủ tục. Nhờ vậy mà sức khỏe của bà con dân bản được nâng lên, bệnh tật được phát hiện, điều trị kịp thời để không còn xảy ra những chuyện đáng tiếc nữa.

Bác sĩ Vân Kiều quyết tâm theo ngành y sau biến cố mất em trai vì ruột thừa - 6

Điều băn khoăn lớn nhất của Bác sĩ Hồ Puôn hiện nay là chiếc máy siêu âm của Trạm Y tế xã Trường Sơn đã hư hỏng, do đó công tác khám bệnh cho bà con cũng vì thế mà khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, bác sĩ Hồ Puôn là con em đồng bào Vân Kiều đầu tiên của huyện Quảng Ninh đạt trình độ bác sĩ và là người có tư tưởng tiến bộ. Chính quyền xã Trường Sơn hết sức ghi nhận những đóng góp, tâm huyết của bác sĩ Hồ Puôn trong thời gian qua, anh luôn tận tình, cần mẫn với công việc, hết lòng vì bà con.

Bác sĩ Vân Kiều quyết tâm theo ngành y sau biến cố mất em trai vì ruột thừa - 7

Trạm Y tế xã Trường Sơn và chính quyền địa phương này rất mong nhận được sự quan tâm của cấp trên để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc được tốt hơn nữa.

Theo ông Nhì, với một xã vùng sâu, vùng xa như Trường Sơn thì trạm y tế không khác nào một phòng khám khu vực, rất nhiều bệnh nhân lưu trú điều trị. Do đó một bác sĩ có năng lực, trình độ như bác sĩ Hồ Puôn là rất cần thiết, anh không chỉ hiểu sâu về chuyên môn mà còn sử dụng máy móc hiện đại thuần thục.

"Trước đây ở trạm nhờ có máy siêu âm cũng như trình độ của bác sĩ Puôn, người dân đã được hỗ trợ kịp thời trong chẩn đoán sinh sản, đau ruột thừa… Tuy nhiên hiện nay chiếc máy này đã hỏng, cơ sở hạ tầng xuống cấp nên trạm cũng gặp không ít khó khăn. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của cấp trên để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc được tốt hơn nữa", ông Nhì bày tỏ.