1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ "bác sĩ Khiêm" giả danh có phải là duy nhất?

Q.Huy

(Dân trí) - Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 nhận định, Nguyễn Quốc Khiêm đã có hành vi sai phạm, cơ quan chức năng sẽ căn cứ động cơ, mục đích, tính chất, tác hại để xử lý theo đúng quy định.

Chiều 24/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức buổi họp báo định kỳ nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tại buổi họp báo, phóng viên Dân trí gửi câu hỏi về việc, vụ việc giả danh sinh viên trường y để vào khu cách ly, điều trị Covid-19 có phải vụ việc duy nhất hay có thể còn các vụ việc khác tương tự?

Trả lời câu hỏi trên, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo, cho biết, nhiều ngày qua, một số cơ quan báo chí đã thông tin vụ việc Nguyễn Quốc Khiêm giả danh sinh viên, bác sĩ để tham gia phòng, chống Covid-19. Đồng thời, báo chí cũng thông tin rõ các chỉ đạo, thanh tra, điều tra của cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc.

"Nguyễn Quốc Khiêm đã có hành vi sai phạm, cơ quan chức năng sẽ căn cứ động cơ, mục đích, tính chất, tác hại để xử lý theo đúng quy định. Vụ việc đã xảy ra khá lâu, trong bối cảnh cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 của TPHCM. Trong bối cảnh khối lượng công việc lớn và phức tạp, chắc chắn thành phố có nhiều sai sót", ông Phạm Đức Hải nhìn nhận.

Vụ bác sĩ Khiêm giả danh có phải là duy nhất? - 1

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM, chủ trì buổi họp báo (Ảnh: Quang Huy).

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu - Công an TPHCM - chia sẻ thêm, các đơn vị chuyên môn đang làm rõ hành vi, mục đích, động cơ, hiệu quả nếu có để xử lý theo quy định. Dưới góc độ cơ quan công an, vụ việc không quá lớn, đã xảy ra trong cao điểm dịch và đã được phát hiện, giải quyết từ tháng 9/2021.

"Sau thời điểm đó, Khiêm không còn tham gia phòng, chống dịch và đến nay, TPHCM chưa phát hiện thêm hành vi vi phạm nào tương tự vụ việc trên", ông Lê Mạnh Hà khẳng định.

Liên quan đến sự việc Nguyễn Quốc Khiêm (SN 1996) giả danh sinh viên trường y để vào được khu cách ly điều trị Covid-19 ở TPHCM, sau đó "hô biến" mình thành thạc sĩ, bác sĩ cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng, Sở Y tế TPHCM đã phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03, Công an TPHCM) điều tra, làm rõ những nội dung mà báo chí đã nêu và sẽ xử lý nghiêm nếu xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Sở Y tế, Nguyễn Quốc Khiêm là tên một tình nguyện viên đăng ký tham gia chống dịch qua Đại học Y Dược TPHCM. Người này không có tên trong danh sách sinh viên khóa 2012 đến 2020 của trường ở tất cả các ngành học.

Bước đầu cơ quan chức năng xác định, ngày 9/7, UBND quận 12 có công văn gửi Đại học Y Dược TPHCM về việc đề nghị hỗ trợ tình nguyện viên tham gia chống dịch. Nhận được yêu cầu này, trường đã kêu gọi các tình nguyện tham gia.

Sau đó, trường tuyển được 8 tình nguyện viên, trong đó có người tên Nguyễn Quốc Khiêm, có công văn cử sinh viên, học viên tham gia hỗ trợ tại khu cách ly Cao đẳng Điện lực TPHCM, gửi Sở Y tế TPHCM và UBND quận 12. Công văn này được Sở Y tế chấp thuận.

Ngày 16/8/2021, UBND quận 12 có quyết định thành lập khu cách ly tập trung cho F0 trên địa bàn quận 12 tại Cao đẳng Điện lực TPHCM. Trung tâm y tế quận 12 đã ban hành quyết định điều động phân công nhân sự hỗ trợ khu cách ly trên, trong đó có phân công Nguyễn Quốc Khiêm làm nhiệm vụ nhận bệnh nhân, hậu cần.

Đáng lưu ý, vào thời điểm tháng 9/2021, Trung tâm y tế quận 12 có yêu cầu Đại học Y Dược xác minh ông Nguyễn Quốc Khiêm có phải là thạc sĩ, bác sĩ của trường không. Trao đổi qua điện thoại, trường đã trả lời Khiêm không phải sinh viên của trường và thẻ sinh viên không do trường cấp.

Dù vậy, đến ngày 1/10, UBND quận 12 lại ban hành Quyết định số 4561/QĐ-UBND về việc tiếp nhận phân công tình nguyện viên trường Đại học Y dược TPHCM tham gia các khu cách ly tập trung bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn quận 12.