Thêm 40 bác sĩ được "cầm tay chỉ việc" để chi viện vùng khó khăn

Tú Anh

(Dân trí) - 40 bác sĩ trẻ đã trúng tuyển lớp đào tạo chuyên khoa I ở nhiều chuyên ngành, sẽ được các giảng viên Đại học Y Hà Nội "cầm tay chỉ việc" để thành thục tay nghề, chi viện vùng khó khăn.

Ngày 25/2, tại Đại học Y Hà Nội đã khai giảng lớp bác sĩ chuyên khoa cấp I cho các bệnh viện tuyến huyện thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Đây là các bác sĩ thuộc Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" của Bộ Y tế.

Thêm 40 bác sĩ được cầm tay chỉ việc để chi viện vùng khó khăn - 1

Các bác sĩ chính quy hoặc liên thông, tốt nghiệp loại khá, giỏi, đã được tuyển dụng tại huyện nghèo sẽ được tham gia dự án. Khi tham gia dự án, các bác sĩ sẽ được đào tạo bài bản theo chương trình đặc biệt, một thầy kèm một trò theo hướng "cầm tay chỉ việc" trong 24 tháng liên tục, đảm bảo có nguồn nhân lực chất lượng cao chi viện cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Được biết, 40 bác sĩ trẻ lần này là viên chức các bệnh viện, trung tâm y tế huyện khó khăn thuộc các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An và Thanh Hóa. Các bác sĩ sẽ được đào tạo chuyên khoa cấp I thuộc 10 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, nội, ngoại, nhi, xét nghiệm, sản, truyền nhiễm và y học cổ truyền tại Đại học Y Hà Nội. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ trẻ sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.

GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng nhà trường Đại học Y Hà Nội đánh giá, dự án này đã được triển khai rất hiệu quả. Giai đoạn 1 của dự án triển khai từ năm 2014 đến nay đã đào tạo 15 khóa bác sĩ chuyên khoa I về công tác tại các vùng khó khăn trên cả nước. Từ chủ trương ban đầu sử dụng ngân sách Nhà nước, đến nay, bước sang giai đoạn 2, dự án đã chuyển sang hình thức xã hội hóa. Đây là bước chuyển biến rất quan trọng. Đặc biệt, những thay đổi như đối tượng tham gia, độ tuổi… nhằm bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của dự án. Các bác sĩ được chọn được trang bị kiến thức tốt nhất, thành thục tay nghề nhất để phục vụ người dân tại địa phương mình. 

Theo ông Phạm Văn Tác, Giám đốc dự án, dự án là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở, giúp giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm