Bác sĩ phát hoảng với người phụ nữ 18 lần phá thai

Minh Nhật

(Dân trí) - Rất nhiều phụ nữ bỏ ngoài tai lời khuyên của thầy thuốc để nhận cái "kết đắng", khi có thể họ sẽ bị mất đi thiên chức làm mẹ suốt đời, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Bác sĩ phát hoảng với người phụ nữ 18 lần phá thai

Được hỏi về tiền sử nạo phá thai khi đang được siêu âm, người phụ nữ trung niên rụt rè nói sau một hồi lưỡng lự: "18 lần".

Trực tiếp thăm khám cho người phụ nữ này, ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, mình bị sốc nặng khi nghe câu trả lời.

Bác sĩ phát hoảng với người phụ nữ 18 lần phá thai - 1

ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Ảnh: Đức Trịnh).

Vấn đề đáng nói, tồn tại một thực trạng đáng buồn được chuyên gia này chia sẻ là ngoài trường hợp cá biệt kể trên, những bệnh nhân phá thai trên dưới 10 lần tại Việt Nam là không hề ít.

"Tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam đang là vấn đề hết sức nhức nhối. Có không ít bạn trẻ vĩnh viễn mất thiên chức làm mẹ ở tuổi đôi mươi vì nạo phá thai", BS Thành cho hay.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu là độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên.

Số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam chắc hẳn sẽ khiến không ít người phải giật mình về thực trạng nạo phá thai ở giới trẻ.

Trong khi đó, nghiên cứu do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện năm 2016 cho thấy, hiện trạng phá thai diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Cụ thể, khoảng 17,4% phụ nữ được hỏi cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời của mình. Số lần phá thai trung bình là 1,3 lần/một phụ nữ. Trong số những phụ nữ này, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời.

Theo BS Thành, đặc điểm chung của những trường hợp này là những người phụ nữ bắt đầu làm chuyện ấy ở độ tuổi khá trẻ.

"Thiếu kiến thức, non nớt, những bạn trẻ này thường xuyên có quan hệ tình dục không an toàn, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn nên buộc phải nạo phá thai", BS Thành nhấn mạnh.

Nhiều người xem phá thai là biện pháp để… tránh thai

Lý giải thực trạng nạo phá thai báo động như hiện nay, BS Thành cho rằng, ở Việt Nam nhiều người còn quan niệm phá thai như là biện pháp để… tránh thai, với suy nghĩ đơn giản: Muốn không có con thì đi bỏ thai.

"Nghĩa là trong sinh hoạt tình dục, họ không dùng các biện tránh thai, cứ có thai thì họ lại đi phá. Như vậy rất hại cho sức khỏe cũng như tâm lý, thể chất", BS Thành cho hay.

Bác sĩ phát hoảng với người phụ nữ 18 lần phá thai - 2

Phá thai để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe (Ảnh: Internet).

Phân tích sâu hơn về tác hại của việc nạo phá thai đến thiên chức của người phụ nữ, theo vị chuyên gia này, niêm mạc tử cung có thể ví như một "lớp đất" màu mỡ để nuôi dưỡng và cho thai nhi làm tổ.

Thế nhưng mỗi lần nạo phá thai, chúng ta lại nạo đi lớp đất màu mỡ này và trơ lại toàn "sỏi đá" khiến thai rất khó làm tổ và dễ sảy thai. Bên cạnh đó, tử cung bị tổn thương do nạo phá thai còn dẫn đến nguy cơ bị dính buồng tử cung.

BS Thành phân tích: "Tử cung có chức năng quan trọng nhất đó là phải giãn nở được. Bình thường tử cung to bằng quả quýt nhưng khi phụ nữ mang thai 9 tháng 10 ngày phải to bằng quả dưa hấu. Nếu tử cung bị dính lại với nhau sẽ dẫn đến tình trạng không thể giãn nở, gây ra 2 vấn đề đó là không mang thai được hoặc nếu có thai rất nhiều trường hợp sảy thai hoặc đẻ non".

BS Thành hiện đang điều trị hiếm muộn cho một bạn nữ lấy chồng 3 năm chưa có con. Thời còn trẻ bệnh nhân này có tiền sử bỏ thai 1, 2 lần. Sau khi hút xong kinh nguyệt vẫn thấy bình thường, chỉ ít hơn trước một ít. Đến khi kết hôn bệnh nhân nghĩ không vấn đề gì, tuy nhiên lấy nhau đã lâu không có con đi khám mới thấy buồng tử cung bị dính hoàn toàn.

"Có những bạn trẻ năm 16 tuổi nạo phá thai, rồi bẵng đi vẫn sinh hoạt học tập và làm việc nhưng đến khi lập gia đình bị vô sinh hiếm muộn mới ngã ngửa vì những hậu quả nhận lại của việc nạo phá thai khi còn trẻ", BS Thành nói.

Một lần phá thai, hệ lụy cả đời

Theo BS Thành, hiện nay tình trạng vô sinh vì tổn thương buồng tử cung do nạo phá thai rất hay gặp và cũng là bệnh khó điều trị nhất hiện nay.

"Ví dụ như công nghệ IVF là cao cấp nhất hiện nay, nhưng khi chuyển phôi vào tử cung của người mẹ, mà người mẹ này tử cung đã bị tổn thương nặng nề do phá thai thì tình trạng chuyển phôi không đậu thai, chuyển phôi nhiều lần rất hay xảy ra", BS Thành dẫn chứng.

Do đó, BS Thành cảnh báo mọi người không được xem phá thai là biện pháp tránh thai. Ngoài ra, những trường hợp hiếm muộn, sảy thai nhiều lần cần đi khám trước khi mang thai, lắng nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa, điều trị sớm nếu có bất thường.