Bác sĩ “làm xiếc trên dây” khi điều trị nam phi công nhiễm Covid-19

(Dân trí) - “Nhiều đêm thức trắng, ê kíp phải cân não các phương án sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Bác sĩ như “làm xiếc trên dây” chỉ cần lệch một chút, chúng tôi có thể mất người bệnh” – PGS Ngọc Thảo chia sẻ.

Những bước ngoặt trong điều trị cho phi công người Anh

BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Đến hôm nay (22/6), là 96 ngày bệnh nhân phi công người Anh nằm viện, trong đó 31 ngày điều trị tại Chợ Rẫy. Chúng tôi đã nhiều lần đồng hành với người bệnh vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn để tìm lại sự sống. Từ thời điểm ngày 6/4 khi người bệnh nguy kịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, ê kíp các bác sĩ đã hỏa tốc được điều động để đặt ECMO giúp người bệnh thoát được cơn ngưng tim, ngưng thở, tiếp đó là những lần biến chứng liên tiếp xảy ra. Nỗ lực điều trị của đồng nghiệp tại Nhiệt Đới đã giúp bệnh nhân trở lại trạng thái âm tính với virus trước khi chuyển sang Chợ Rẫy”.  

Bác sĩ “làm xiếc trên dây” khi điều trị nam phi công nhiễm Covid-19 - 1
Sức khỏe của phi công người Anh đã bình phục rất tốt, đủ tiêu chuẩn xuất viện

Ngày 22/5, bệnh nhân vẫn phải lệ thuộc ECMO, máy thở, được chỉ định chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để hồi sức tiến tới ghép phổi. Việc chuyển viện rất nguy hiểm chỉ cần sơ suất nhỏ có thể mất người bệnh nhưng công tác chuẩn bị tốt đã giúp chúng tôi chuyển bệnh an toàn. Trong tuần đầu tiên về Chợ Rẫy, bệnh nhân hoàn toàn lệ thuộc ECMO, máy thở, chỉ cần thiếu oxy máu nhịp tim của bệnh nhân sẽ rớt xuống rất thấp, chúng tôi phải liên tục đánh giá bệnh nhân để nhận định khả năng hồi phục khi điều trị.

"Chúng tôi không coi bệnh nhân như người bệnh mà như người thân, người bạn, luôn nỗ lực chăm sóc cho người bệnh", BS Linh chia sẻ.

Sự hồi phục kỳ diệu của phi công người Anh nhiễm Covid-19

Ngày 26/5, sau 4 ngày về Chợ Rẫy, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu tỉnh, các bác sĩ điều dưỡng nhìn nhau xúc động vì biết rằng ánh sáng cuối đường hầm lóe lên. Bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh chứng tỏ nguy cơ sống thực vật đã thấp. Ngày 1/6 bệnh nhân có diễn tiến khả quan, được giảm thông số ECMO. Ngày 2/6 bệnh nhân có nụ cười rất đẹp đầu tiên. Ngày 12/6, bệnh nhân nói nói được câu đầu tiên “tuyệt vời”.

Khi vừa tỉnh lại, bệnh nhân gần như không hề hay biết về những nguy hiểm anh đã đối mặt nên khá bướng bỉnh và “lười ăn” bởi sự khác biệt về văn hóa và khẩu vị thức ăn. Điều may mắn là nhờ thiết bị điện tử, anh đã liên lạc với bạn bè của mình, được mọi người thuật lại nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ Việt Nam, từ đó phi công người Anh luôn bày tỏ tình cảm tích cực, sẵn sàng hợp tác, luôn miệng cảm ơn bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc cho mình.

Ngày 20/6, bệnh nhân có nguyện vọng được xuất viện về quê hương. Trước mắt, bệnh viện Chợ Rẫy đã có những trao đổi cụ thể với Lãnh sự quán Anh tại TP HCM, các hồ sơ liên quan đến quá trình điều trị cho bệnh nhân đã được cung cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho y tế nước bạn khi nam phi công rời Việt Nam về Anh. “Chúng tôi hy vọng, sự bình phục kỳ diệu này sẽ giúp anh sớm có cơ hội tiếp tục ngồi vào buồng lái, điều khiển những chuyến bay tung cánh giữa bầu trời”, BS Thanh Linh chia sẻ.

Bác sĩ đã “làm xiếc trên dây”

PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Sáng 22/6, phi công người Anh đã có diễn tiến rất khả quan, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, giao tiếp bằng lời nói rất tốt, có thể tự thở khí trời. Tình trạng phổi hồi phục, không còn dấu hiệu suy hô hấp, X-quang phổi cho thấy hình ảnh cả 2 bên phổi hồi phục 85%. Bên cạnh đó, sức cơ bệnh nhân hồi phục tốt, 2 tay có thể cầm nắm thức ăn, viết bảng. Sức cơ chân đã hồi phục khá, bệnh nhân co chân bình thường, đang vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, bệnh nhân đang trong giai đoạn tập đứng, tập đi.

Bác sĩ “làm xiếc trên dây” khi điều trị nam phi công nhiễm Covid-19 - 2
Tinh thần không bỏ cuộc của bác sĩ Việt Nam đã giúp phi công người Anh chiến thắng bệnh tật

Bệnh viện đã khảo sát lại một số xét nghiệm, sinh hóa, các chỉ số sinh hiệu trên bệnh nhân đã trở lại bình thường. Sự hồi phục của bệnh nhân theo đánh giá về mặt chuyên môn đã rất tốt các chức năng của tim, phổi, thận và gan ổn định. Bệnh nhân chuyển từ giai đoạn điều trị sang giai đoạn mới là điều dưỡng, phục hồi chức năng, duy trì chức năng của bệnh nhân. Đến thời điểm hiện tại, người bệnh đã đủ các tiêu chuẩn để xuất viện.

Có được thành công trên, theo PGS Ngọc Thảo đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị của Việt Nam với sự quan tâm, định hướng đúng đắn nhưng quyết liệt trong cứu chữa để níu lấy mọi cơ hội sống cho người bệnh. Ở thời điểm diễn tiến rất nặng, phổi của người bệnh chỉ còn 10% hoạt động, các bác sĩ vẫn không tuyệt vọng mà “còn nước còn tát”.

Trong quá trình điều trị, những biến cố xảy ra liên tục, nhiều tình huống quá đặc biệt còn xa lạ cả với y văn thế giới như: Hội chứng Hellp trên bệnh nhân đang ECMO, màng lọc liên tục bị đông máu phải thay liên tục… nhưng các bác sĩ đã từng bước vượt qua. "Mỗi ngày chúng tôi hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm của người bệnh, cân não tính toán từng phương án thay đổi thuốc bởi chỉ cần không cân đối trong việc sử dụng thuốc chúng tôi sẽ đối mặt với nguy cơ mất người bệnh", PGS Ngọc Thảo nói.

Theo PGS Ngọc Thảo: “Các bác sĩ điều trị như làm xiếc trên dây, nhiều đêm thức trắng theo dõi từng thay đổi nhỏ của bệnh nhân. Chúng tôi đã phải sử dụng khoảng 4 đến 5 loại thuốc chưa từng dùng trên người bệnh tại Việt Nam để kiểm soát các biến cố liên tiếp trong điều trị cho phi công người Anh. Nỗ lực và sự kiên trì không bỏ cuộc của tinh thần Việt Nam chúng ta cùng với ý chí phi thường, không đầu hàng bệnh tật của người bệnh đã giúp bệnh nhân chiến thắng virus SARS-CoV-2, chiến thắng các biến chứng để hướng đến ngày xuất viện, trở về quê hương”. 

Vân Sơn