1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ kể chuyện thời vận động hiến máu như “bán hàng đa cấp”

(Dân trí) - “Hẹn được người bạn thân trò chuyện, kể lể, rồi… thuyết phục, chỉ cần người bạn “gật đầu” là vội vàng lên xe đạp, chở ngay bạn đến viện vì sợ người ta đổi ý. Thời kỳ đầu tuyên truyền hiến máu không khác gì bán hàng đa cấp vậy”, TS Trần Ngọc Quế chia sẻ.

Từ "lén lút” tuyên truyền!

Ở tuổi U 50, đợt hiến máu khai xuân Mậu Tuất tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc ngân hàng tế bào gốc (Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) cũng thực hiện lần hiến máu thứ 50 của mình.Theo TS Quế, khác với hiện tại phong trào hiến máu rất rầm rộ, có những sự kiện thu hút hàng vài chục nghìn lượt người tham gia hiến máu, ở giai đoạn sơ khai của phong trào này, tuyên truyền hiến máu như bán hàng đa cấp, không dám công khai bởi thời đó chỉ có khái niệm bán máu, không có hiến máu.

TS.BS Trần Ngọc Quế (bên phải) hiến máu tại buổi lễ Chào Xuân Hồng năm 2018.
TS.BS Trần Ngọc Quế (bên phải) hiến máu tại buổi lễ Chào Xuân Hồng năm 2018.

Thời sinh viên, TS Quế là 1 trong 13 sinh viên đầu tiên của trường Đại học Y Hà Nội tham gia phong trào vận động hiến máu tình nguyện.

TS Quế tự nhận, thời đó tuy là sinh viên y khoa, đi trực bệnh viện tiếp xúc rất nhiều bệnh nhân nặng cần máu, thậm chí bệnh nhân chết vì không có máu truyền, nhưng sự hiểu biết của sinh viên y thời đó về hiến máu cũng còn rất hạn chế.

Năm thứ 4 đại học, trong một lần được GS Đỗ Trung Phấn, khi ấy là Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ (nằm trong BV Bạch Mai) vận động, TS Quế lần đầu hiến máu.

Sau đó, TS Quế tham gia nhóm sinh viên tuyên truyền hiến máu. “Đầu tiên, chỉ dám tuyên truyền ở trong trường Đại học Y, sau đó dần mở rộng sang các trường bằng… các mối quan hệ bạn bè giới thiệu, tiếp cận. Bởi thời đó không có khái niệm hiến máu, mà chỉ có bán máu. Ngay cả tên câu lạc bộ tuyên truyền cũng không dám nhắc gì hiến máu, mà “núp bóng” là CLB HSSV vận động nhân đạo. Những buổi tuyên truyền tập trung vào nhiều nội dung, như phòng chống HIV/AIDS rồi mới lồng thông tin người bệnh thiếu máu. ”, TS Quế nhớ lại.

Không chỉ tuyên truyền lén lút, mà ngay cả sinh viên thời ấy khi đã hiến máu cũng không dám nói, bởi cả xã hội nhìn nhận như một người bán máu rất nặng nề. Đã có những buổi đang tổ chức hiến máu thì phụ huynh đến làm um lên, rằng lừa đảo, lừa lấy máu của con cái mình.

"Thời gian đầu tuyên truyền hiến máu tình nguyện như bán hàng đa cấp bây giờ. Hẹn hò được bạn bè mời cốc nước, bữa cơm bụi bạn bè tưởng tốt, nào đâu “nó” hết tỉ tê chuyện học hành, hỏi han rồi lại rủ rê hiến máu. Chỉ đợi bạn gật đầu là bốc lên xe, ba chân bốn cẳng đạp thẳng về viện. Có những lần, chở bạn từ trường Đại học sư phạm về đến Viện thì như muốn hụt hơi nhưng vẫn vui vì bạn đồng ý hiến máu", TS Quế nói.

Đến năm 1996, Hội liên hiệp thanh niên TP Hà Nội ra mắt chi hộ thanh niên vận động hiến máu tình nguyện và phong trào dần phát triển rộng hơn. TS Quế nhớ như in kỉ niệm sau lần đầu thành công tổ chức lấy máu ngoại viện tại trường Trung cấp cơ khí Việt Xô, với 12 đơn vị máu đầu tiên, năm 1999, ban vận động mở rộng quy mô, với 500 người hiến máu tại một sự kiện tại Ninh Bình.

“500 người đăng kí hiến máu, nhưng đến nơi, thấy lôi cả bịch ra đựng máu thì ai cũng sợ không hiến. Bởi mọi người đều cho rằng, hiến máu chỉ lấy khoảng 1 ống xi lanh nhỏ. Vậy là, anh em tuyên truyền viên lại là người xung phong nằm ra để hiến máu đầu tiên. Người ta thấy mình hiến xong vẫn khỏe mạnh, vẫn đi phục vụ được người khác nên lại đăng kí hiến máu. Trong số tình nguyện viên, nhiều người còn chưa đến thời gian được hiến máu nhắc lại nhưng nhờ “người thực, việc thực” đã giúp hơn 100 người giác ngộ, tham gia hiến máu", TS Quế tâm sự.

TS Quế chia sẻ, những kỉ niệm ngày đầu gian khó của phong trào hiến máu tình nguyện ông mãi không quên. Để có được hoạt động hiến máu như ngày nay là sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành. Từ chỗ chỉ 400 người hiến máu năm 1994, đến nay người dân thấy hiến máu là bình thường, khi có lời kêu gọi thiếu máu sẵn sàng đi hiến máu.

"Với tôi quan niệm hiến máu rất đơn giản, nó không phải là sự hi sinh một phần cơ thể, mà là sự sẻ chia. Khi anh khỏe, anh chia sẻ máu với người cần và khi anh ốm phải cần nó, sẽ có cộng đồng hỗ trợ. Vì thế, tôi vẫn sẽ tiếp tục hiến máu đến khi hết tuổi hiến máu. Tôi cũng hi vọng người dân sẽ nhắc lịch hiến máu 1 năm 2 lần để chia sẻ với cộng đồng", TS Quế nói.

Đến dắt tay bạn gái đi hiến máu!

Với bác sĩ trẻ Hoàng Chí Cương, Phó Trưởng Khoa Miễn dịch, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, việc tham gia phong trào hiến máu thuận lợi hơn nhiều so với các vị tiền bối đi trước như TS Quế.


BS trẻ Hoàng Chí Cương có thú vui hiến máu ngày mùng 1 Tết. Trong ảnh, anh hiến tiểu cầu vào ngày mùng 1 Tết Mậu Tuất ngay sau ca trực đêm 30.

BS trẻ Hoàng Chí Cương có "thú vui" hiến máu ngày mùng 1 Tết. Trong ảnh, anh hiến tiểu cầu vào ngày mùng 1 Tết Mậu Tuất ngay sau ca trực đêm 30.

Năm 2003, khi đang là sinh viên năm 3 Đại học Y Hà Nội, người bạn thân của BS Cương bị ung thư máu và rất cần máu cho quá trình điều trị. Thời điểm đó, BS Cương đã tham gia hiến máu và cùng bạn bè kêu gọi hiến máu giúp bạn. Một năm sau người bạn mất, bẵng đi thời gian dài đến năm 2008, khi bắt đầu làm tại BV máu, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân như bạn thân của mình, Cương bắt đầu tham gia hiến máu đều đặn.

Lúc này, người yêu của BS Cương (cũng là vợ bây giờ) là sinh viên trường Đại học Y Hà Nội thấy bạn trai hiến máu cũng rất muốn tham gia nhưng ngặt nỗi không đủ cân nặng. Vì thế, chỉ có thể đi cùng động viên bạn trai hiến máu. Đến mãi năm 2009, sau khi sinh đứa con đầu lòng chị mới có thể thực hiện được ước mơ ấp ủ từ lâu, đó là tham gia hiến máu cùng chồng. Đến nay, chị là BS tại BV Tai mũi họng Trung ương và vẫn rất hăng hái tham gia hiến máu với 20 lần hiến.

Còn BS Cương, sau lần hiến máu thứ 3, qua xét nghiệm, bác sĩ cho biết tiểu cầu của anh rất cao và tư vấn anh nên hiến tiểu cầu. BS Cương có nhóm máu AB, khá hiếm, trong khi tiểu cầu chỉ bảo quản được 5 ngày, nên nếu trung tâm truyền máu dịp đó thu đủ rồi thì không lấy thêm nữa vì thừa sẽ phải hủy.

"Mình ghi tên vào "ngân hàng máu sống" của Viện để khi nào tiểu cầu trong kho cạn kiệt, BS chỉ cần nhấc điện thoại là mình có mặt để hiến", BS Cương chia sẻ.

Từ năm 2009 đến nay, BS Cương đều đặn duy trì một tháng hiến tiểu cầu một lần, có đợt thì 40 ngày hoặc hai tháng hiến một lần. Đỉnh điểm năm 2017 dịch sốt xuất huyết tăng cao, anh đã hiến tiểu cầu đến 11 lần (hiến tối đa là 14 lần/năm). Đến nay BS Cương đã hiến máu và tiểu cầu 86 lần.

Đặc biệt, gần 10 năm nay làm việc tại viện máu, anh có "thú vui" là cứ trực đầu năm, giao thừa hay ngày cuối năm đều tham gia hiến máu. Năm Mậu Tuất 2018, BS Cương cũng hiến máu ngày mùng 1 để "cho đỏ" cả năm và lại có thêm một đơn vị máu dự trữ cho người bệnh.

Hồng Hải