(Dân trí) - Tiêm mật gấu, cho ong đốt, đắp mặt nạ tỏi và vô vàn mẹo truyền miệng khác khiến bác sĩ giật mình là thủ phạm gây ra hàng loạt những ca nhập viện trong thời gian vừa qua.
Dùng nọc ong châm vào khớp gối, tưởng là một hình phạt thời trung cổ, lại là phương pháp chữa viêm khớp được chị T.T.H., 43 tuổi, ở Hà Tĩnh áp dụng.
Là bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp lâu năm, chị H. thường xuyên sử dụng thuốc tại nhà. Khi bệnh tình không tiến triển, chị không tới cơ sở y tế mà chuyển sang điều trị bằng phương pháp "lạ": Cho ong châm trực tiếp vào khớp gối.
Vài năm trước, chị H. biết đến phương pháp chữa khớp bằng nọc ong qua Internet. Gần đây, khi bệnh tình tái phát, chị lại đến nhà thầy lang để được chữa bệnh bằng ong.
Khỏi bệnh đâu không thấy mà chỉ sau đó vài ngày, đầu gối người phụ nữ mưng mủ, sưng tấy. Cho đến khi không thể chịu đựng được nữa, chị H. phải nhập viện điều trị.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, qua thăm khám, bác sĩ kết luận chị H. bị nhiễm độc tiền hôn mê và phải mổ cấp cứu. Vị trí ong châm lúc này cũng đã bị nhiễm trùng lan rộng.
BS Phạm Văn Tỉnh, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Ca mổ kéo dài gần một tiếng, các phẫu thuật viên đã tập trung cắt lọc tổ chức hoại tử và làm sạch các khoang ở cẳng chân.
Sau mổ, bệnh nhân dần ổn định và ý thức đã tỉnh táo lại. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị đợi ổn định để tiến hành cấy da từ vùng đùi xuống.
Đây là một ví dụ điển hình về tự ý điều trị bệnh bằng các phương pháp không được kiểm chứng gây hậu quả nặng nề".
Cũng là bệnh nhân có tiền sử viêm khớp nhiều năm, những cơn đau dai dẳng thường xuyên hành hạ bà Đ.T.M., 87 tuổi, mỗi khi trái gió trở trời. Sau một lần nghe lời người quen, bà M. đã tiêm mật gấu vào vùng gối hai bên với mong muốn chữa "dứt điểm" căn bệnh.
Tưởng chừng thứ "thần dược trị bách bệnh" này sẽ mang lại tác dụng hữu hiệu, nhưng những cơn đau nhức gối của bà M. không thuyên giảm mà còn bùng phát dữ dội hơn.
Các triệu chứng khó thở, tức ngực bắt đầu ập đến với bà M. sau khi tiêm mật gấu. Khi biến chứng ngày càng trầm trọng, bà M. tức tốc tới Trung tâm Y tế Quảng Yên (Quảng Ninh) và được bác sĩ chẩn đoán suy tim độ 3, tăng huyết áp.
Chính thứ "thần dược" được ca tụng ấy đã đẩy người bệnh cao tuổi này vào cơn nguy kịch.
Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thực trạng bệnh nhân tự ý chữa bệnh bằng phương pháp không chính thống, đi ngược lại với chỉ dẫn của bác sĩ là rất phổ biến.
"Nhiều người có tâm lí chuộng thuốc nam hơn thuốc tây vì cho rằng thuốc nam "không có tác dụng phụ, không bổ nọ thì bổ kia". Vì vậy, nhiều bệnh nhân sau khi được giới thiệu, được quảng cáo liền bỏ thuốc kê đơn, chuyển sang dùng thuốc nam từ nguồn không chính thống", BS Thiệu nêu thực trạng.
Gần đây, BS Thiệu đã ghi nhận 3 trường hợp bệnh nhân viêm gan virus B mạn tính tự ngừng sử dụng thuốc vài năm. 2 trong 3 trường hợp đã bị viêm gan cấp.
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh gan cũng thường mắc đồng thời nhiều loại bệnh khác nhau do hiểm họa từ "thuốc nam" không rõ nguồn gốc.
Mỗi ngày 5-7 trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng do tự chữa bệnh da hoặc làm đẹp bằng phương pháp truyền miệng. Đây là thực trạng nhức nhối mà ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, Thành viên Hội Da liễu Việt Nam ghi nhận trong thời gian vừa qua.
Điển hình như mới đây, một người phụ nữ có vùng da bị nám đã được hàng xóm mách "đắp lá trầu không điều trị nám da rất hiệu quả". Không rõ liều lượng cụ thể nhưng do nghe bùi tai, chị đã đắp 10-15 lá trầu không vào vùng da nám trong vài tuần liên tục.
Kết cục, nám không những không hết mà còn lan rộng ra các vùng da khác, gây hiện tượng loang lổ sắc tố và thâm rất nặng.
"Bệnh nhân tới thăm khám trong tình trạng stress và đầy lo lắng. Đây là một trường hợp điều trị rất khó khăn, tốn thời gian, tiền bạc và công sức.
Nếu bệnh nhân đi thăm khám bác sĩ và được điều trị sớm đúng phác đồ, chi phí sẽ chỉ khoảng vài triệu đồng. Nhưng hiện tại, chi phí điều trị để phục hồi da đã lên tới con số hàng chục triệu đồng", BS Tiến Thành nói.
Không chỉ lá trầu, tỏi cũng được một số chị em phụ nữ sử dụng như một loại mặt nạ trị mụn. Nhiều chị em tin rằng đắp tỏi trực tiếp trên vùng da có mụn trứng cá qua đêm sẽ giúp giảm sưng, trị mụn.
"Do tỏi có tính kháng viêm, kháng khuẩn, chị em thường truyền tai nhau mẹo trị mụn trứng cá bằng mặt nạ tỏi. Tuy nhiên, khi để trên da lâu, đặc biệt là trên các vết thương hở, tỏi sẽ khiến da mặt nóng lên và gây bỏng, loét", BS Tiến Thành phân tích.
Chuyên gia này cảnh báo, việc đắp tỏi trên vùng da mụn trong nhiều tiếng đồng hồ có thể để lại biến chứng lâu dài. "Từ một vết mụn bình thường, sau khi bị viêm loét sẽ trở thành một vết sẹo vĩnh viễn trên khuôn mặt", BS Tiến Thành nhấn mạnh.
Những ca bệnh kể trên chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn trường hợp người bệnh tự chữa bệnh bằng những phương pháp độc lạ khiến bác sĩ "ngã ngửa", vẫn hàng ngày được ghi nhận tại các cơ sở điều trị.
Thậm chí nhiều người bệnh chết hụt chỉ vì một lần trót tin vào "bác sĩ mạng" hay một lời truyền miệng.
Vô vàn trường hợp nhập viện do làm theo mẹo chữa bệnh truyền miệng đã được ghi nhận. Dù được nhiều chuyên gia cảnh báo, nhưng các mẹo trị bệnh không có cơ sở vẫn được nhiều người dân tin dùng.
Lý giải về sức hút của mẹo chữa bệnh truyền miệng, theo BS Tiến Thành, điều này đã nằm trong quan niệm người Việt từ lâu.
"Đa số mẹo chữa bệnh dân gian sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên. Trong khi đó, không ít người Việt vốn tin rằng chỉ cần là dược liệu thiên nhiên thì sẽ luôn an toàn, lành tính.
Trên thực tế, y học cổ truyền Việt Nam có nhiều bài thuốc và phương pháp chữa bệnh phong phú, độc đáo và được khoa học chứng minh là có cơ sở. Đến nay, đã có hơn 150 bài thuốc y học cổ truyền được Bộ y tế kiểm nghiệm và cấp phép sử dụng.
Tuy nhiên, người dân lại ít khi đi khám tại các phòng khám/bệnh viện y học cổ truyền. Thay vào đó, họ lại đặt lòng tin vào các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc", BS Tiến Thành nêu.
Mặt khác, nhiều bệnh nhân có xu hướng tự ý sáng tạo phương pháp chữa trị, sử dụng sai liều lượng các phương thuốc.
Chính điều này phát sinh ra những mẹo chữa trị oái oăm, phản khoa học, trực tiếp gây nên biến chứng cho người bệnh. Bệnh không những không thuyên giảm mà còn khiến "tiền mất, tật mang".
Không cần tới phòng khám, chỉ với một chiếc điện thoại truy cập Internet, nhiều người đã có thể tự chẩn đoán bệnh và nghe theo mẹo chữa bệnh trên mạng.
Xu hướng người dùng tìm kiếm thông tin sức khỏe trên mạng ngày càng phổ biến trong thời đại số hóa. Kèm theo đó là sự xuất hiện của hàng loạt "bác sĩ Google", "chuyên gia y dược TikTok" tự phong.
"Chỉ sau một liệu trình", "thần tốc", "dứt điểm hoàn toàn" là những cụm từ thường được sử dụng trong nội dung của các bác sĩ tự phong, đánh đúng tâm lý của các bệnh nhân muốn nhanh khỏi bệnh.
"Trên nền tảng mạng xã hội các chuyên gia tự phong có lợi thế rất lớn về khả năng tiếp cận cộng đồng so với các y, bác sĩ, cơ sở y tế chính thống.
Nghe những mẹo chia sẻ bắt tai, thần thánh hóa, không ít bệnh nhân đã trở thành nạn nhân của bác sĩ mạng và nhận cái kết tiền mất, tật mang", BS Thiệu chỉ rõ.
Tương tự, theo BS Tiến Thành, vấn đề làm đẹp là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn trên mạng xã hội.
Hàng loạt bí quyết chăm sóc da như: tiêm trắng, truyền trắng bằng Glutathione, peel da (lột da hóa học) tại nhà… được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên TikTok. Những bí kíp này thu hút sự thử nghiệm của rất nhiều tín đồ làm đẹp dù chưa biết chúng có thực sự tốt hay không.
BS Tiến Thành phân tích: "Mặc dù được chia sẻ rất phổ biến trên TikTok nhưng những phương pháp làm đẹp này không được các chuyên gia, bác sĩ da liễu đánh giá cao. Thậm chí, một vài phương pháp làm đẹp nếu không được áp dụng đúng cách còn có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho làn da".
Từ thực trạng này, BS Nguyễn Tiến Thành khuyến khích người bệnh chủ động tìm kiếm thông tin về bệnh của mình. Tuy nhiên, người bệnh cần tìm hiểu kỹ và chọn lọc nguồn tin chính thống. Bệnh nhân chỉ nên tìm đến những bác sĩ uy tín và những cơ sở y tế được cấp giấy phép.
Theo BS Tiến Thành, cách đơn giản mà người dân có thể biết bác sĩ uy tín hay không là tra cứu hồ sơ của bác sĩ, đặc biệt là chứng chỉ hành nghề, chuyên môn và nơi làm việc của bác sĩ đó.
Tương tự, với các cơ sở y tế, người dân cũng cần tìm đọc giấy phép hoạt động cũng như chứng chỉ hành nghề của đội ngũ y bác sĩ hoạt động tại cơ sở đó.
Việc tra cứu thông tin kỹ lưỡng, cẩn thận là yếu tố quan trọng để bệnh nhân tránh được những nguồn tin "3 thật, 7 giả" của những chuyên gia tự phong. Từ đó sẽ giảm thiểu rủi ro tốn tiền bạc và công sức để chữa trị những biến chứng từ những mẹo điều trị truyền miệng.
Theo BS Lê Văn Thiệu, nếu cần tư vấn hoặc điều trị bệnh, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có phác đồ điều trị chuẩn.
"Không có phương pháp chữa trị nào được áp dụng cho tất cả bệnh nhân. Ngay cả khi cùng một loại bệnh, mỗi bệnh nhân sẽ cần được tư vấn loại thuốc riêng.
Chủ động thăm khám, chữa trị sớm sẽ rút ngắn thời gian điều trị bệnh cũng như giảm thiểu chi phí, công sức của bệnh nhân", BS Thiệu nhấn mạnh.