DNews

2/4 là "ngày giải phóng" hay ngày tận thế cho thương mại toàn cầu?

Cẩm Hà

(Dân trí) - Ngày 2/4, ông Trump sẽ áp loạt thuế quan mới và gọi đó là "ngày giải phóng". Liệu đây là cú hích giúp kinh tế Mỹ hồi sinh hay khởi đầu cho cuộc chiến thương mại đầy rủi ro?

2/4 là "ngày giải phóng" hay ngày tận thế cho thương mại toàn cầu?

Chỉ trong vòng 2 tháng sau khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã liên tục tung chiêu thuế quan vào các nước láng giềng Canada và Mexico, Trung Quốc, trừng phạt thép và nhôm nhập khẩu, "dằn mặt" ô tô và linh kiện ô tô từ nước ngoài, thậm chí, còn hướng tới cả những đồng minh thân thiết ở Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, ngày 2/4 được ông Trump ấn định là thời điểm "tất tay", là đỉnh cao của chính sách thương mại "nước Mỹ trên hết" mà ông theo đuổi. Mục tiêu của ông rất rõ ràng: thúc đẩy sản xuất trong nước bằng cách bóp nghẹt hàng nhập khẩu, khiến chúng trở nên đắt đỏ hơn.

Thuế đối ứng - chiêu bài "nước Mỹ trên hết" hay "dao hai lưỡi"?

Vậy thuế quan đối ứng mà ông Trump tuyên bố là gì? Đó là việc ông sẽ áp thuế trả đũa lên những quốc gia đang đánh thuế hàng xuất khẩu của Mỹ. Ông cam kết sẽ áp mức thuế tương đương với những gì các quốc gia đó đang áp bức hàng hóa Mỹ.

Vào ngày 13/2, ông Trump đã ra lệnh cho các quan chức thương mại Mỹ rà từng quốc gia một, tìm ra những sai phạm và đưa ra các biện pháp trừng phạt thích đáng.

Ông Trump tuyên bố rằng thuế quan đối ứng sẽ giúp "bịt miệng" những chính sách thương mại không công bằng của các nước khác, đồng thời khuyến khích các công ty sản xuất tại Mỹ để né các khoản thuế mới.

Năm 2024, Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu tới 1.200 tỷ USD - một con số thâm hụt thương mại khổng lồ mà ông Trump đang quyết tâm giảm bớt bằng các biện pháp mới của mình. Ông cũng "than thở" rằng Mỹ đã quá hiền lành, để các nước khác "lộng hành" áp thuế lên hàng xuất khẩu của Mỹ mà không có bất kỳ sự phản kháng nào.

2/4 là ngày giải phóng hay ngày tận thế cho thương mại toàn cầu? - 1

Chỉ trong vòng 2 tháng sau khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã liên tục tung chiêu thuế quan vào nhiều nước (Ảnh: Getty).

Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng với lời hứa "thay da đổi thịt" cho nền kinh tế Mỹ. Hàng triệu người dân Mỹ, đang oằn mình với giá cả leo thang và hóa đơn ngày càng phình to, đã bầu cho một vị tổng thống cam kết sẽ hồi sinh các vùng công nghiệp xương sống của đất nước và để phần còn lại của thế giới gánh chịu chi phí.

Ngày 2/4 là ngày mà ông Trump và các trợ lý gọi là "ngày giải phóng", khi ông tuyên bố sẽ khởi động một loạt thuế quan chấn động lên hàng hóa nhập khẩu. Ông tin rằng điều này sẽ giúp phục hồi nền kinh tế Mỹ một cách thần kỳ.

10 tuần sau khi nhậm chức, ông Trump cho biết sẽ tăng thuế đối với tất cả sản phẩm từ các quốc gia đang áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, "tặng" Canada và Mexico một "gáo nước lạnh" bằng cách đánh thuế mạnh vào hàng hóa, tấn công ô tô, chip máy tính và dược phẩm nhập khẩu, và nhắm vào các quốc gia nhập khẩu dầu từ Venezuela bằng cách áp thuế đối với hàng xuất khẩu của họ sang Mỹ.

Theo ông Trump, đây chính là "cú ra đòn lớn". Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà kinh tế lại đang "toát mồ hôi hột" về quy mô của chiến lược thương mại này. Quỹ Thuế (Tax Foundation) ước tính rằng nó có thể làm giảm khoảng 0,7% GDP của Mỹ và khiến khoảng 500.000 người mất việc.

"Việc leo thang thuế quan là một đòn giáng mạnh vào hệ thống thương mại toàn cầu", giáo sư Eswar Prasad, chuyên gia chính sách thương mại tại Đại học Cornell và cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định.

Cẩn trọng giữa những tuyên bố cứng rắn

Dù nhìn từ góc độ nào, một động thái quy mô lớn như vậy chắc chắn sẽ tạo ra một" cơn địa chấn" và đặt nền móng cho một cuộc "đại phẫu" nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi "hét ra lửa", ông Trump vẫn tỏ ra khá dè dặt.

"Tôi sẽ ngay lập tức bắt đầu cải tổ hệ thống thương mại của chúng ta để bảo vệ người lao động và các gia đình Mỹ", ông nêu trong bài phát biểu nhậm chức hồi tháng 1. "Thay vì đánh thuế người dân của chúng ta để làm giàu cho các quốc gia khác, chúng ta sẽ áp thuế lên các nước ngoài để làm giàu cho công dân của mình".

Ban đầu, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế ngay từ "ngày đầu tiên". Nhưng sau đó, không có lời giải thích, thời hạn này bị dời sang tháng 2. Khi tháng 2 đến, một thỏa thuận vào phút chót lại đẩy thời hạn sang tháng 3. Đến khi thuế thực sự được áp dụng, chỉ trong vòng hơn 24 giờ, các nhà sản xuất ô tô đã được "xá tội". Và chỉ 48 giờ sau đó, tất cả hàng hóa thuộc hiệp định thương mại hiện có giữa Mỹ, Mexico và Canada được hoãn thuế thêm một tháng.

Trong suốt quá trình này, ông Trump và các quan chức cấp cao của ông dần chấp nhận những rủi ro mà họ đang tạo ra để theo đuổi lợi ích họ cam kết đạt được.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent, thừa nhận hồi đầu tháng rằng có thể sẽ có một "điều chỉnh giá một lần" do tác động của các mức thuế quan mới của ông Trump. "Việc tiếp cận hàng hóa giá rẻ không phải là bản chất của Giấc mơ Mỹ", ông biện minh.

2/4 là ngày giải phóng hay ngày tận thế cho thương mại toàn cầu? - 2

Các mức thuế có hiệu lực từ ngày 2/4 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách thương mại của Mỹ, định hình lại thương mại toàn cầu với các mức thuế đối ứng (Minh họa: Southern Star Navigation).

Ông Trump dự đoán rằng việc áp thuế cao lên hàng hóa nước ngoài sẽ khiến các công ty quốc tế chuyển sang sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp và nhà đầu tư toàn cầu đang vật vã ứng phó với chính sách thương mại "lúc nắng, lúc mưa" của chính quyền ông.

Kể từ khi quay lại Nhà Trắng, ông Trump đã nâng thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ và áp mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Theo Quỹ Thuế (Tax Foundation), mức thuế trung bình của Mỹ đã tăng vọt từ 2,5% lên 8,4% chỉ trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 1946.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết bắt đầu từ ngày 2/4, chính quyền Trump sẽ áp một mức thuế đối ứng cho từng quốc gia dựa trên thuế quan mà nước đó đang áp dụng với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Ông nói rằng những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là 15% quốc gia có đóng góp lớn nhất vào thâm hụt thương mại của Mỹ và áp mức thuế cao nhất lên hàng hóa Mỹ. "Chúng tôi gọi đó là nhóm Dirty 15", Bessent nói trên Fox Business. "Chúng chỉ chiếm 15% số quốc gia, nhưng lại chiếm một phần rất lớn trong khối lượng thương mại của chúng ta".

Nhà Trắng chưa công bố danh sách chính thức Dirty 15, nhưng theo Wall Street Journal, những nước có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ bao gồm: Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mexico, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Thụy Sĩ, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Nam Phi...

Ông Trump bất ngờ xuống nước, thực hư thế nào?

Những tuyên bố của Bessent cho thấy chính quyền Trump có thể đang thu hẹp phạm vi của thuế đối ứng so với kế hoạch ban đầu.

Mặc dù ông Trump đã áp thuế lên ngành công nghiệp ô tô trong tuần này, nhưng các báo cáo từ Bloomberg và Wall Street Journal cho thấy chính quyền ông có thể "tha bổng" một số mức thuế theo ngành mà ông Trump từng đề xuất trước đó.

Một minh chứng là các mức thuế 25% đối với chất bán dẫn, vi mạch và dược phẩm nhập khẩu mà ông Trump từng đe dọa có thể áp dụng vẫn chưa được thực hiện.

Giữa những lo ngại ngày càng gia tăng về kinh tế trong nước và quốc tế, ông Trump trong tuần này đã mềm giọng về quy mô thuế suất áp dụng cho các quốc gia khác - một sự thay đổi đáng chú ý so với giọng điệu hùng hổ mà ông đã duy trì trong nhiều tuần.

"Chúng tôi sẽ áp dụng một cách rất linh hoạt", ông Trump nói với các phóng viên tuần trước tại Phòng Bầu dục sau khi ký lệnh áp thuế ô tô mới. "Tôi nghĩ mọi người sẽ rất ngạc nhiên. Trong nhiều trường hợp, nó sẽ thấp hơn mức thuế mà họ đã đánh vào chúng ta trong nhiều thập kỷ".

Ngay sau đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt khẳng định: "Tổng thống tin rằng một số mức thuế sẽ thấp hơn đáng kể so với dự đoán của nhiều người".

2/4 là ngày giải phóng hay ngày tận thế cho thương mại toàn cầu? - 3

Nhà Trắng cho biết các mức thuế dự kiến có hiệu lực từ ngày 2/4 có thể sẽ không bao quát như kế hoạch ban đầu (Ảnh: Jim Allen/ FreightWaves).

Trước ngày mà ông Trump gọi là "ngày giải phóng", thị trường chứng khoán đã "lao dốc" vào cuối tuần trước khi các nhà đầu tư bán tháo vì lo ngại về chính sách thương mại của ông Trump và lạm phát gia tăng.

Chỉ số Dow Jones giảm hơn 700 điểm, tương đương 1,7%, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 10 tháng 3. S&P 500 cũng giảm hơn 100 điểm.

Thuế quan đối ứng của ông Trump có thể làm gia tăng cuộc chiến thương mại toàn cầu vốn đã căng như dây đàn. Canada và Trung Quốc đã áp thuế "ăn miếng trả miếng" đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, trong khi EU đã dọa sẽ làm điều tương tự vào tháng tới.

Thủ tướng Canada Mike Carney tuyên bố rằng Mỹ "không còn là đối tác đáng tin cậy" và cam kết sẽ tìm kiếm nhiều cơ hội thương mại hơn với các quốc gia khác. Mặc dù có những điều chỉnh, ông Carney cho biết Canada sẽ công bố các biện pháp áp thuế trả đũa mới vào tuần tới, khẳng định: "Chúng tôi sẽ không loại trừ bất kỳ biện pháp nào khi bảo vệ người lao động và đất nước của mình".

Lãnh đạo Đức và Pháp cũng đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đáp trả bằng các biện pháp thuế quan trả đũa.

Ông Trump sẽ làm gì nếu các nước đáp trả?

Ông Trump tuyên bố cuối tuần trước rằng Mỹ sẽ chắc chắn đáp trả bất kỳ biện pháp thuế quan trả đũa nào từ Canada bằng các biện pháp thuế quan mới. "Nhiều quốc gia đã lợi dụng chúng ta theo cách mà không ai có thể tưởng tượng được, trong suốt nhiều thập kỷ", ông Trump nói. "Điều đó phải chấm dứt".

2/4 là ngày giải phóng hay ngày tận thế cho thương mại toàn cầu? - 4

Với một loạt các động thái đáp trả, câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có thực sự đẩy Mỹ vào một cuộc chiến thương mại mà không có lối thoát? (Minh họa: Istock).

Giờ đây, ông Trump không còn chỉ bán một lời hứa mà là chiến lược để thực hiện lời hứa đó. Ông đã 2 lần giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng bằng cách sử dụng những câu chuyện, đôi khi không bị ràng buộc bởi sự thật, để định hình nhận thức, phá vỡ các quy tắc và xây dựng sự ủng hộ. Nhưng dù mỹ miều đến đâu, ngôn từ không thể thay đổi thực tế.

Tổng thống khẳng định rằng việc áp thuế tràn lan, kéo theo chi phí tăng vọt ở Mỹ và trên toàn cầu sẽ chỉ gây ra "một chút xáo trộn".

Nếu các mức thuế được áp dụng vào ngày 2/4 đúng như dự kiến, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ khó mà chấp nhận được mô tả đó. Liệu "ngày giải phóng" có thực sự đến, hay đây chỉ là màn kịch được dàn dựng công phu, và người dân Mỹ sẽ phải "ngậm đắng nuốt cay"?