1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ chỉ cách tránh tổn thương não, sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng

(Dân trí) - Tiết trời nắng gay gắt nhất 12-16 giờ nếu đi ngoài đường, làm việc lâu ngoài nắng sẽ rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức (thường trên 40 độ C), do kết hợp của việc tiếp xúc với nhiệt nóng từ môi trường và việc tăng thân nhiệt do cơ thể vận động quá mức, lại mất nước. Hậu quả là hoạt động chuyển hóa bình thường của cơ thể bị ngừng lại hoặc rối loạn, dẫn tới tổn thương rất nhiều cơ quan như hôn mê, co giật, trụy tim mạch, tổn thương gan, suy gan, rối loạn đông máu nội quản rải rác, tiêu cơ vân, suy thận… Nói chung là một bệnh cảnh suy đa tạng.

“Bệnh thường rất nặng. Nạn nhân thường không tử vong ngay tại chỗ nhưng tử vong thường tại các cơ sở y tế do đến muộn, suy đa tạng hoặc không được cấp cứu ban đầu kịp thời và đúng”, Bs Nguyên nhấn mạnh.

Bác sĩ chỉ cách tránh tổn thương não, sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng - 1
Một trường hợp bị sốc nhiệt nặng khi đi làm nương rẫy trong những ngày trời nắng gắt.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng sốc nhiệt, ngất xỉu cũng có nguy cơ gia tăng với những người làm việc, đi lâu ngoài đường khi nắng nóng. Năm nào khoa Cấp cứu cũng tiếp nhận những trường hợp đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc được người dân đưa vào cấp cứu.

Những trường hợp này thường do làm việc kéo dài trong môi trường nắng nóng, đi dưới trời nắng lâu khiến cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, rối loạn chuyển hóa nhiệt do tiếp xúc nhiệt độ cao trong thời gian dài khiến cơ thể bị tăng thân nhiệt. Nắng gay gắt nhất từ 12-16 giờ hàng ngày, thời điểm này nếu đi đường, làm việc lâu ngoài nắng sẽ rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não. 

Làm gì để phòng tránh sốc nhiệt

Người dân hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời trong khoảng thời gian 11-15h. Tùy theo tính chất, đặc thù công việc mỗi người cần chống nắng khác nhau, có mũ rộng vành, áo dài tay, kính mắt để che chắn, giảm tác động của nhiệt.

Đặc biệt cần phải uống đủ nước. Bởi nước mất đi rất nhiều qua mồ hôi, nếu không uống đủ nước cũng khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, dễ gây sốc nhiệt. Thời tiết nóng như hiện nay cần uống 2 - 3 lít nước mỗi ngày.

Thời gian làm việc nên buổi sáng bắt đầu từ sớm và kết thúc sớm, buổi chiều bắt đầu muộn và kết thúc muộn. Khi làm việc nếu thấy nóng quá, mệt hoặc khó chịu nên tạm nghỉ và thường xuyên uống các loại nước pha muối (như oresol, nước quả, nước rau luộc cho thêm muối, nước khoáng….). 

Xử lý khi sốc nhiệt

Việc sơ cứu cũng rất quan trọng. TS Nguyên cho biết bệnh nhân càng được phát hiện sớm và sơ cứu, làm nguội cơ thể sớm, điều trị tích cực sớm thì càng hạn chế các tổn thương lên các cơ quan. Khi phát hiện thấy mệt mỏi, khó chịu hoặc nặng hơn là bất tỉnh thì phải cho tạm nghỉ và kiểm tra. 

Ngay khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt...cần đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát (có điều hòa là tốt nhất), sau đó cởi bớt quần áo, uống nước có pha muối (hoặc nước chanh, nước bột sắn dây...) và chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng... Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm nhanh được nhiệt độ cơ thể. 

Ngoài ra, có thể tưới một lớp nước lạnh hoặc ấm trên toàn bộ da nạn nhân và quạt mát, giữ cho toàn bộ vùng da luôn ướt. Thậm chí có thể nhúng cơ thể nạn nhân trong một vùng nước nhằm nhanh chóng làm nguội nạn nhân.

Tiếp tục theo dõi, nếu thấy bệnh nhân đỡ thì có thể ăn uống để bổ sung dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe.

Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Trong quá trình di chuyển, nếu người bệnh có nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu thấp để đề phòng sặc. Chú ý liên tục duy trì việc làm mát cơ thể nạn nhân. 

Nam Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm