DMagazine

Bác sĩ biến nhà riêng thành "bệnh viện" chữa Covid và thư mục mật ám ảnh

(Dân trí) - Bác sĩ Thuận mở rộng cánh cửa ngôi nhà mình, điều trị miễn phí cho bệnh nhân Covid-19 thiếu người chăm sóc, không thể đến bệnh viện; thay gia đình lo mai táng cho họ khi người nhà không thể có mặt.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), báo điện tử Dân trí chọn kể lại câu chuyện của bác sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Anh Thuận (nguyên Trưởng khoa Lâm thời Khoa cấp cứu Covid - Bệnh viện Điều trị Covid-19 quận 4, TPHCM) giữa hàng nghìn bác sĩ đã ở TPHCM trong những ngày tháng 6, tháng 7, tháng 8 năm 2021 - ám ảnh nhất trong ký ức tất cả chúng ta.

Bác sĩ Thuận là người đã dũng cảm mở rộng cánh cửa ngôi nhà của mình, điều trị miễn phí cho các bệnh nhân Covid-19 thiếu người chăm sóc mà cũng không thể đến bệnh viện; thay gia đình lo mai táng cho bệnh nhân khi người nhà họ không thể có mặt; vận động bạn bè tài trợ để giúp bệnh nhân nghèo được an táng ổn thỏa và trang bị một máy chụp X-Quang lưu động.

Chính anh cũng suýt bị Covid-19 quật ngã.

Bác sĩ biến nhà riêng thành bệnh viện chữa Covid và thư mục mật ám ảnh - 1

Trong điện thoại của tôi có một thư mục lưu giữ ảnh chụp tình trạng bệnh của rất nhiều bệnh nhân Covid-19, nhất là trước khi họ được đưa đi mai táng. Họ đều là bệnh nhân của anh em chúng tôi, là những người mà gia đình không thể đến nhận xác. Có người vì cả gia đình ở trong khu cách ly; có người nhiều người trong gia đình đã chết; có người cả gia đình ở địa phương khác, vì TPHCM giãn cách nghiêm ngặt mà không thể đến được.

Rất nhiều người khi họ còn sống, tôi cũng là bác sĩ của họ. Lúc họ mất, tôi là liên lạc viên giúp họ tìm gia đình. Tôi phải chụp ảnh họ, cho người nhà nhận dạng vì gói xác rồi rất khó nhận ra; đôi khi tôi gửi cho người nhà, để những người cùng một nhà có thể nhìn nhau lần cuối. Tôi không xóa những ảnh này, bảo mật chúng, vì chúng nhắc nhở tôi cơn ác mộng và sức mạnh cộng đồng mà tất cả chúng ta đều không thể nào quên.

Bác sĩ biến nhà riêng thành bệnh viện chữa Covid và thư mục mật ám ảnh - 3

Tết Nguyên đán năm ngoái, không một ai nghĩ năm 2021 sẽ là một năm tối tăm với TPHCM. Cả dịp Tết, tôi đăng ký trực ở bệnh viện Covid Nhà Bè. Lúc ấy tôi nghĩ, mình sẽ trực hết Tết, rồi tạm dừng tham gia việc điều trị Covid-19 để chuẩn bị cho kế hoạch đi Mỹ tu nghiệp. Nhưng tháng 5/2021, TPHCM bùng dịch rồi chìm trong tang thương và chết chóc suốt nhiều tháng trời.

Gác lại kế hoạch đi tu nghiệp, tôi ở lại, được Bệnh viện Quận 4 phân công làm Trưởng khoa Lâm Thời khoa Cấp cứu Covid, cùng đồng nghiệp chiến đấu trong một cuộc chiến khốc liệt ngoài sức tưởng tượng của tôi, một người đã đi qua dịch SARS, tình nguyện viên Thảm họa sóng thần Phuket Thái Lan 2006, và của hầu hết mọi người.

Có một ngày đầu tháng 7 năm 2021, sau 18 tiếng làm việc liên tục, tôi đã về nhà, nhấc máy gọi điện cho một chị đồng nghiệp bên Mỹ, không nói gì mà chỉ cắn gối khóc. Đó là sau khi tôi đã liên tục trải qua nhiều ngày làm việc liên tục 18 tiếng đồng hồ, đêm không thể ngủ nếu thiếu thuốc chống lo âu; là sau khi tôi phải chứng kiến quá nhiều người chết vì Covid-19 mỗi ngày; là sau khi tôi nghe và đọc tin nhắn của bạn bè và bệnh nhân là bệnh nhân chết vì không được nhập viện kịp thời, không có oxy để thở; là khi tôi nhìn thấy nhiều người bệnh sau khi tử vong không có người thân đưa tiễn đoạn đường cuối cùng. Là khi nhìn những bọc nilon, những cỗ quan tài đựng xác để dưới đất ở cổng bệnh viện, rất lâu mới được đưa đi hỏa táng vì các nhà đòn quá tải.

Bác sĩ biến nhà riêng thành bệnh viện chữa Covid và thư mục mật ám ảnh - 5

Hầu hết mọi người hình dung ra sự chết chóc qua những bản tin Covid-19 được cập nhật hàng ngày, qua tiếng còi hú của xe cấp cứu chạy  xuyên đêm trên đường phố. Nhưng với tôi, chết chóc và tang thương do Covid-19 mang lại là thứ mà tôi có thể chạm vào mỗi ngày…

Bác sĩ biến nhà riêng thành bệnh viện chữa Covid và thư mục mật ám ảnh - 7

Trong hai năm đại dịch, tôi đã chứng kiến số bệnh nhân mất đi nhiều hơn cả cuộc đời làm bác sĩ của mình cộng lại. Có rất nhiều bệnh nhân của tôi đến lúc mất cũng không thể gặp được gia đình. Nhưng giữa tâm dịch của TPHCM những ngày đó, điều duy nhất tôi có thể làm chỉ là liên lạc với người nhà bệnh nhân của mình, gửi tin báo cho họ biết người thân của họ  đã được hỏa thiêu, đã mang vào chùa, kể cho họ chi tiết về quá trình điều trị cũng như những loại thuốc mà chúng tôi đã dùng để điều trị cho người thân của họ.

Bao giờ tôi cũng hỏi nguyện vọng của họ để thay họ làm giúp những điều mà tôi có thể. Có người nhờ tôi giữ lại một món đồ kỷ vật của người thân; Có người muốn nhờ tôi gửi tro cốt lên chùa; Cũng có người mong được gọi video để được nhìn người nhà của mình lần cuối.

Với tôi, đó là chết chóc!

Vào những ngày đầu tháng 7, khi Thành ủy TPHCM còn chưa quyết định hỗ trợ chi phí hỏa táng cho tất cả các bệnh nhân chết do Covid-19, có cậu thanh niên trên 20 tuổi đến chia tay với tôi sau khi mẹ cậu mất. Hôm ấy cậu nghẹn ngào nói với tôi: "Hiện tại con không có tiền trong túi, nhưng là má con, con nhất định sẽ lo được".

Tôi tin cậu bé nhất định sẽ vay được tiền ở đâu đó, cậu nhất định sẽ lo cho mẹ mình ổn thỏa cả thôi. Cậu cũng không hề mở miệng xin tiền tôi. Nhưng tôi vẫn không có cách nào trơ mắt ra nhìn cảnh đó. Tôi bảo cậu: "Chú cho con số điện thoại, con gọi điện cho người này. Đó là bạn chú. Chú ấy sẽ giúp con đủ tiền lo cho mẹ con yên nghỉ. Nếu sau này có tiền, con muốn trả lại cũng được. Không có tiền để trả cũng không sao".

Với tôi, đó là tang thương!

Bác sĩ biến nhà riêng thành bệnh viện chữa Covid và thư mục mật ám ảnh - 9

Tôi đọc đâu đó trên báo và trên các diễn đàn thấy có những chuyện tiêu cực về những người đi xin tiền hỏa táng cho người thân. Nhưng bao nhiêu bệnh nhân của tôi đã chết, có những người gia đình hoàn cảnh rất khó khăn, mà người thân của họ chưa bao giờ mở miệng đề nghị giúp đỡ. Tất cả đều là tôi và bạn bè mình tự nguyện. Tôi tin rằng, sẽ không một ai mong mình rơi vào hoàn cảnh này, không một ai lại muốn phải nhận tiền của người khác để lo lễ tang cho cha mẹ mình nếu như họ chưa thực sự ở bước đường cùng. Nên nếu có điều gì mà thành phố làm tốt trong đại dịch, tôi nghĩ đó chính là việc rất nhanh sau đó, Bí thư Thành ủy đã quyết định hỗ trợ tiền hỏa táng các nạn nhân Covid-19.

Bác sĩ biến nhà riêng thành bệnh viện chữa Covid và thư mục mật ám ảnh - 11

Những ngày dịch bệnh, tôi hay nói về "cái chết trong danh dự" - là cái chết mà ít ra người bệnh của chúng tôi cũng được dùng oxy để thở đến phút cuối cùng. Tôi vốn chỉ là một bác sĩ hợp đồng dài hạn ở Bệnh viện quận 4, nhưng lãnh đạo và tập thể rất tin tưởng và tạo điều kiện để tôi tham gia phòng và điều trị Covid-19 từ những ngày đầu 2021. Khi Bệnh viện quận 4 chính thức trở thành Bệnh viện Điều trị Covid-19, lãnh đạo đề nghị tôi làm Trưởng khoa Cấp cứu Covid-19. Lúc nhận nhiệm vụ, tôi đã chia sẻ quan điểm của mình: "Don't let people die without dignity - đừng để bệnh nhân chết mà không có phẩm giá. May mắn là lãnh đạo Bệnh viện quận 4 cùng chia sẻ với tôi quan điểm đó".

Bệnh viện quận 4 khi ấy hầu như tiếp nhận mọi bệnh nhân Covid-19 được đưa đến. Chúng tôi sẽ không từ chối bệnh nhân trừ khi không còn mét vuông nào có thể kê thêm giường phụ cho người bệnh. Chúng tôi không có đủ giường bệnh, nhưng lúc nguy khó, không có giường thì đã sao? Rất nhiều bạn bè tôi đã ủng hộ bệnh viện hàng trăm chiếc ghế bố, và chúng tôi dùng nó khi giường bệnh thực tế đã hết, đến lúc hết ghế bố thì kể cả một tấm nilon cũng có thể trải ra cho bệnh nhân nằm.

Cũng có đôi lúc, đồng nghiệp của tôi tỏ vẻ lo lắng, phiền muộn vì bệnh viện nhận quá nhiều bệnh nhân so với số giường mà chúng tôi có. Tôi biết đồng nghiệp của tôi mệt mỏi. Tôi cũng biết họ lo lắng, sợ phải chịu trách nhiệm với quá nhiều bệnh nhân và lây nhiễm thì lại thiếu người. Nhưng tôi hay nói: "die with dignity" - Tôi nghĩ trong cuộc chiến này, cả bác sĩ và bệnh nhân đều phải nỗ lực và cố gắng bằng tất cả phẩm giá mà mình có. Khi đã cố gắng hết mức rồi, thì nếu có bệnh nhân nào ra đi, tôi cũng có thể yên lòng rằng dù sao, họ cũng đã được chết với đầy đủ danh dự, đầy đủ quyền lợi mà một con người xứng đáng được hưởng.

Bác sĩ biến nhà riêng thành bệnh viện chữa Covid và thư mục mật ám ảnh - 13

Sở dĩ bệnh viện quận 4 dù có cực khổ đến mấy cũng không từ chối bệnh nhân, vì  bác sĩ chúng tôi không thể chấp nhận được việc có thể có những bệnh nhân vẫn còn có cơ hội được sống, nhưng lại chết đâu đó ngoài kia vì thiếu oxy để thở. Cũng có thể có những bệnh nhân đã bị bệnh nặng, dù ở nhà hay vào viện họ cũng sẽ chết. Nhưng ít ra ở đây, họ chết trong lúc được thở oxy, chết mà có cảm giác được chăm sóc lúc cuối đời. Với tôi, đó là cái chết có danh dự, có phẩm giá.

Chúng tôi vận động tài trợ được một xe X-Quang lưu động từ những ngày đầu tháng 7 để người bệnh không phải di chuyển đến phòng chụp, thiết kế hệ thống oxy lỏng và xây dựng những đường dẫn oxy, bình oxy, dây thở khắp nơi, để tất cả bệnh nhân, dù nằm giường hay ghế bố đều được thở oxy khi cần.

Tôi cùng các bác sĩ cộng sự cũng biến phòng khám Tự Hào Sức khỏe (Pride and Prevention Center, 49 Cô Bắc, quận 1), và cũng là nhà mình thành "bệnh viện dã chiến không đồng!", dù không cố tình.

Thời điểm đó, có những người vốn là người quen, là bạn bè, là bệnh nhân cũ của tôi; cũng có người là người tôi đã từng mang ơn, họ nhiễm Covid-19 mà không có ai chăm sóc.  Ví dụ như cô bệnh nhân của tôi, nhà có 11 người, cả 11 người đều nhiễm Covid-19, trong đó hai người mất, một người bệnh rất nặng phải chuyển tuyến trên không ai có thể chăm ai. Mà ở nhà tôi có đầy đủ giường đệm, có máy tạo oxy và thuốc men tôi đi xin được, lại có tôi là bác sĩ, có thể thăm khám sức khỏe cho họ mỗi ngày, giúp tâm lý họ ổn định, nên tôi đón những người nặng nhất về nhà tôi để tiện chăm sóc.

Những lúc không ở bệnh viện, tôi về nhà theo dõi sức khỏe của họ. Tôi chỉ nhận 12 bệnh nhân thôi, vì nhận nhiều hơn cũng không có đủ oxy để dùng nếu cần. Nhưng bệnh nhân nào bị Covid-19 đến khám, tôi vẫn khám và cấp thuốc miễn phí. Vì lúc đó, dù là gặp bác sĩ để khám hay mua thuốc uống cũng khó với rất nhiều người. Chỉ có xét nghiệm PCR theo yêu cầu thì bệnh nhân tự thanh toán.

Lúc nhận bệnh nhân về nhà điều trị, anh em tôi sợ, vì nghĩ nó quá rủi ro cho cả gia đình, nhưng tôi nói với người nhà mình, mình có chuyên môn, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, phòng riêng tầng, tiêm ngừa hết. Tôi không nỡ lòng bỏ bệnh nhân, bỏ bạn bè. Lúc bình thường, họ đến tìm tôi khám bệnh, tôi thu tiền của họ, tạo cho họ lòng tin. Nên những lúc như này, tôi không thể yếu mềm, ích kỷ, phân biệt tầng lớp, không thể để mặc họ, vì vậy dù biết là có rủi ro nhưng tôi vẫn quyết tâm làm, chỉ tự nhủ mình sẽ phải cẩn thận để bảo vệ cả gia đình. Cuối cùng, đến nửa cuối tháng 8, 8 người trong gia đình tôi và một số cộng tác viên đều mắc Covid-19. May mắn là tất cả đều nhẹ.

Bác sĩ biến nhà riêng thành bệnh viện chữa Covid và thư mục mật ám ảnh - 15

Ngày 22/8/2021, tôi dương tính với Covid-19, phải nhập viện và được đưa lên tầng điều trị cao nhất. Là bác sĩ, nên tôi thích tự coi tình trạng mình. Có buổi sáng, đồng nghiệp đẩy máy chụp phổi tới giường chụp cho tôi, chụp xong thấy phổi tôi hiện lên phim trắng xóa, chân gần như bại liệt. Mà những bác sĩ đã điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 như tôi thì biết điều đó có nghĩa là gì. Đồng nghiệp an ủi tôi, cũng có đồng nghiệp nghe tôi quên tập thở là nhắn tin nhắc với giọng thương nhưng hờn! Họ nói họ đã dành cho tôi những loại thuốc tốt nhất rồi, bây giờ mọi sự cần dựa vào ý chí và nỗ lực của tôi.

Tôi có sợ chết không? Dĩ nhiên là có chứ. Tôi sợ vì tôi nhớ ra, tôi còn chưa kịp viết di chúc để bàn giao công việc và một chút tài sản cho cha mẹ và các em. Tôi sợ nhất là còn bao nhiêu việc mà tôi muốn làm, còn bao nhiêu người mà tôi muốn bảo vệ trong đại dịch, nhất là đồng nghiệp đang thay tôi gánh vác.

Những ngày đó, tôi không online facebook, nhưng bạn bè, đồng nghiệp và cả những người không quen đều nhắn cho tôi, họ nói, họ đang cầu nguyện để tôi có thể sớm bình phục.

Bác sĩ biến nhà riêng thành bệnh viện chữa Covid và thư mục mật ám ảnh - 17

Có những thời điểm nguy kịch nhất, chỉ số SpO2 của tôi chỉ còn 70. Khi ấy tôi bị liệt, mỗi lần nhúc nhích đi tiểu, đi đại tiện, dù có đồng nghiệp hỗ trợ, vẫn làm oxy của tôi tụt nhanh vì quá tốn sức. Thế là tôi tìm phương pháp để tự chăm sóc mình, tự đi đại tiện, vừa không làm phiền đồng nghiệp, vừa tìm cách khắc phục tình trạng tụt SpO2. Đến giờ tôi vẫn nghĩ, "chiến lược đại tiện" của tôi là một phần nguyên do giúp tôi sống. Mỗi lần đi đại tiện, tôi mất một tiếng đồng hồ chuẩn bị để giữ sức. Tôi lấy ra một bên giấy ướt, một bên giấy khô, xin găng tay, xin nước, nhờ hộ lý rời thùng rác vào cạnh giường.

Rồi sau đó tôi nằm xuôi trên giường rồi nhích ra từ từ, xoay người mình lại từ từ. Lúc đó mình không mặc quần. Một ông bác sĩ ngày thường dạy sinh viên, gặp đồng nghiệp, ăn mặc lúc nào cũng chỉn chu mà giờ có mỗi cái tã trên người, đời này tôi mới chỉ có một lần cùng cực như thế.

Xoay được người đến thùng rác thì tôi phải tự dừng lại để nghỉ, theo dõi cho chỉ số oxy lên rồi mới tiếp tục. Đến lúc sẵn sàng hết rồi mới nhẹ nhàng đi đại tiện, tự lau rửa sạch sẽ cho mình. Nhờ thế mà tôi không tụt oxy nữa. Một câu chuyện chẳng đẹp đẽ gì, có thể là rất thô tục trong mắt mọi người, nhưng đó là sự thật trần trụi mà những bệnh nhân Covid-19 như tôi đã trải qua - bất kể tôi giàu hay tôi nghèo, bất kể sang hèn, bất kể tầng lớp, địa vị.

Bác sĩ biến nhà riêng thành bệnh viện chữa Covid và thư mục mật ám ảnh - 19

Đến ngày 6/9/2021, tôi ra viện. Covid-19 đã không quật ngã được tôi, dù sau đó sức khỏe không cho phép tôi tiếp tục tham gia cấp cứu nhưng tôi vẫn tham gia tư vấn từ xa, có ca nào anh em trong viện gặp khó hay bệnh nhân HIV nặng không dám vào viện là tôi nhận theo dõi và chăm sóc cùng y bác sĩ, điều dưỡng nhiều nơi. Nhưng tôi hay nghĩ về những mất mát mà tôi đã trải qua trong năm 2021…

Mất mát là khi có một hôm tôi phát hiện ra, người bệnh mà tôi điều trị nhiều ngày qua thật ra là một bệnh nhân cũ thường xuyên đến phòng khám của tôi. Nhưng trong những ngày bà nằm viện vì Covid-19, tôi không thể nhận ra bà, vì nó đã khiến gương mặt của bà hoàn toàn thay đổi. Bà ấy mất không lâu sau đó.

Mất mát như một hôm, tôi đón người bạn tôi quen trên facebook vào bệnh viện. Ông ấy là một doanh nhân nước ngoài ở Việt Nam, cuộc đời thênh thang rộng mở. Nhưng tôi không cứu được bạn mình. Mấy ngày trước, khi tôi viết lên tường facebook bạn tôi, và nói: "Xin lỗi, vì tôi đã không thể cứu anh…", bạn bè của bạn tôi mới biết rằng ông ấy đã mất…

Thế nên, đó là lý do, tôi giữ lại những tấm hình chụp, những clip về những người bệnh Covid-19 đã mất ở bệnh viện tôi. Nó nhắc nhở tôi, về những ngày đau đớn mà tôi không thể quên giữa thành phố này…

Nội dung: Tô Lan Hương                    

(Ghi theo lời kể bác sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Anh Thuận)

 Ảnh: Hữu Khoa                                        

Thiết kế: Khương Hiền