1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ "bà nội" trên tiền tuyến chống dịch Covid-19

Công Bính – Ngô Linh

(Dân trí) - Mặc bộ đồ bảo hộ, thao tác lấy hàng trăm mẫu xét nghiệm mỗi ngày, không ai có thể nhận ra người phụ nữ đứng trước mặt mình đã là một bác sĩ "bà nội", đã về hưu hơn 3 năm nay.

Bác sĩ bà nội trên tiền tuyến chống dịch Covid-19 - 1

Cựu nhân viên y tế Ngô Thị Nga (ngoài cùng bên phải) tham gia chống dịch Covid-19 ở Hội An

“Hết dịch mẹ lại về”

Đằng sau lớp bảo hộ kín mít là đôi mắt lúc nào cũng lấp lánh ánh cười, sự cương nghị và bản lĩnh của cựu nhân viên y tế - chuyên khoa xét nghiệm Ngô Thị Nga (59 tuổi, phường Sơn Phong, TP Hội An).

Hơn 30 năm công tác tại Bệnh viện Hội An, năm 2017, bà Nga nhận quyết định nghỉ hưu. Sau 3 năm quay về với cuộc sống thường nhật bên con cháu, rời xa những guồng quay hối hả của công việc nhưng chưa bao giờ bà Nga thôi nhớ nghề.

Bác sĩ bà nội trên tiền tuyến chống dịch Covid-19 - 2

Bà cùng lực lượng y tế đi lấy mẫu xét nghiệm cho khu vực cách ly, phong tỏa

Ngày 1/8, ngay khi thành phố Hội An phát đi thư kêu gọi cựu y bác sĩ, sinh viên y khoa tình nguyện hỗ trợ chống dịch Covid-19, bà Ngô Thị Nga nhanh chóng “đáp lời”.

“Còn sức khỏe là còn cống hiến, nhất là thời điểm quê hương đang cần mình. Trong cuộc chiến chống Covid-19 này, toàn dân đều phải tham gia chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ. Dù đã nghỉ hưu nhưng quê hương gọi, chúng tôi sẵn sàng”, bà Ngô Thị Nga chia sẻ.

Bác sĩ bà nội trên tiền tuyến chống dịch Covid-19 - 3

Tiếp đón người dân đến cách ly

Nhắc tới công việc bản thân đảm nhận 2 tuần qua, bà Ngô Thị Nga cho biết, ngay buổi đầu tình nguyện tham gia phòng chống dịch, bà cùng lực lượng y tế ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) nhanh chóng có mặt ở khối phố An Hội để triển khai lấy cả ngàn mẫu xét nghiệm.

Sau ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên được ghi nhận ở khối An Hội, phường Minh An hồi cuối tháng 7, cả thành phố bắt đầu xuất hiện hàng trăm, hàng ngàn người thuộc diện F1, F2. Do đó, việc nhanh chóng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ cấp bách được đặt lên hàng đầu.

Cứ thế, hằng ngày, từ sáng sớm tới chiều tối, cựu nhân viên y tế Ngô Thị Nga luôn túc trực ở các khu cách ly, phong tỏa - nơi dịch bệnh rình rập để hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm. Ngày ít thì vài trăm, ngày nhiều lên tới hàng ngàn mẫu.

Mọi người gọi vui cô Nga là bác sĩ "bà nội", bởi cô đã có cháu gọi bằng bà nhưng "bà nội" vẫn rất trẻ trung, dẻo dai, giới trẻ theo chân cũng hụt hơi.

Một bác sĩ trẻ chia sẻ, nhìn bác sĩ "bà nội" hăng say quên mệt mỏi, là động lực rất lớn giúp chị những lúc "mỏi gối, chùn chân" vì đứng làm việc cả ngày.

Bác sĩ bà nội trên tiền tuyến chống dịch Covid-19 - 4

Đo thân nhiệt cho người dân tại khu cách ly

Trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, công việc liên tục, mồ hôi “túa” ra như tắm nhưng cựu nhân viên y tế vẫn kiên nhẫn hướng dẫn người dân các bước cần đảm bảo, để quá trình lấy mẫu diễn ra nhanh chóng, an toàn.

Nhắc về gia đình, bà Ngô Thị Nga đầy chia sẻ: “Ban đầu khi nghe tin tôi tham gia chống dịch Covid-19 cả gia đình rất lo lắng, nhưng giờ thì hai tay ủng hộ, luôn động viên tôi giữ sức khỏe, đảm bảo an toàn khi công tác”.

Nhờ sự động viên, ủng hộ của gia đình bà Nga như được tiếp thêm sức mạnh, vững bước trên “trận chiến” đẩy lùi dịch bệnh. “Quê hương đang cần, mẹ sẵn sàng lên tuyến đầu. Hết dịch mẹ lại về, cả nhà đừng lo”, bà Ngô Thị Nga nhắn nhủ đầy yêu thương.

“Chúng em sẵn sàng cống hiến vì quê hương”

Cũng như bao bạn sinh viên tình nguyện khác, ngày 1/8 ngay khi Hội An phát thư kêu gọi, Lê Thị Mỹ - sinh viên năm 5, chuyên ngành Y Đa khoa, Đại học Y Dược Đà Nẵng đã nhanh chóng “xung trận”.

Bác sĩ bà nội trên tiền tuyến chống dịch Covid-19 - 5

Sẵn sàng tất cả công tác bảo hộ đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ

Ban đầu, Mỹ được phân công về trạm y tế hỗ trợ chống dịch. Đến tối 7/8, Lê Thị Mỹ được lệnh điều động gấp về khu cách ly trường Dân tộc nội trú (39 Nguyễn Tất Thành) vì lực lượng y tế tại đây rất mỏng, cần chi viện gấp. Không chần chừ, vỏn vẹn chưa đầy 30 phút thu dọn hành lý, Mỹ lao ngay đến khu cách ly.

Công việc chính của những sinh viên tình nguyện như Mỹ là tiếp đón các trường hợp F1 và đo thân nhiệt. Thường xuyên thăm hỏi, động viên người dân trong khu cách ly để họ ổn định tinh thần. Nhiều đêm, các bạn phải thức đến 23 giờ để đón tiếp người đến cách ly. Dù khó khăn, vất vả nhưng các bạn đều động viên nhau cố gắng, chỉ mong sau dịch bệnh sớm đẩy lùi.

“Đây không những là tình nguyện, đây còn là cơ hội tiếp xúc thực tế, học hỏi thêm nhiều kiến thức và rèn luyện bản lĩnh. Khi nghe tin em đến khu cách ly tập trung, gia đình cũng khá lo lắng, nhưng em đã động viên nên ba mẹ cũng an tâm hơn”, Lê Thị Mỹ chia sẻ.

Vã mồ hôi trong bộ quần áo bảo hộ, Trương Bảo Ngọc - sinh viên năm cuối ngành Dược học, Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng vừa hoàn thành đo thân nhiệt mỗi ngày cho người dân tại khu cách ly. Ngọc là một trong số gần chục sinh viên y khoa tình nguyện đăng ký tham gia phòng chống dịch, sau lời kêu gọi của Hội An.

Ban đầu, Ngọc được phân công về kho Dược của Trung tâm y tế. Công việc phân loại, chọn thuốc để chuyển tới khu cách ly cho những trường hợp F1 có triệu chứng ho, sốt phù hợp với chuyên ngành mà Ngọc đang theo học ở Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.

Sau một tuần nhận công việc tại đây, tối 7/8, Trương Bảo Ngọc được điều động hỗ trợ khu cách ly trường Dân tộc nội trú do thiếu nhân lực. Ngay khi nhận được chỉ thị, Ngọc nhanh chóng có mặt tại khu cách ly và lao ngay vào công tác tiếp đón người dân.

“Trước khi được phân công công việc, chúng em đều được hướng dẫn, tập huấn kỹ để phòng chống lây nhiễm khi tham gia tình nguyện trong công tác phòng, chống Covid-19. Ai cũng vui vẻ và tự hào vì đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công tác đẩy lùi dịch bệnh tại quê nhà”, Bảo Ngọc chia sẻ.