Áo xanh sinh viên tình nguyện tiếp sức người bệnh tại bệnh viện

(Dân trí) - Sự xuất hiện của những màu áo xanh tình nguyện tại bệnh viện trong những ngày qua đã hỗ trợ rất nhiều người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh. Chương trình tiếp sức người bệnh sẽ được triển khai tại BV Bạch Mai để tiếp sức, giúp đỡ cho người bệnh.

Áo xanh sinh viên tình nguyện tiếp sức người bệnh tại bệnh viện
Màu áo xanh tình nguyện đã hỗ trợ, tiếp sức rất nhiều cho bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh. Ảnh: Thế Anh

Sáng 4/7, 150 sinh viên tình nguyện đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tham gia hướng dẫn người bệnh, chỉ dẫn, phân luồng bệnh nhân, hướng dẫn thủ tục khám chữa bệnh, tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhà lưu trú, nhà thuốc, nhà thuốc, chăm sóc người bệnh...

Tại buổi lễ ra quân chương trình Tiếp sức người bệnh do các thầy thuốc trẻ và sinh viên tình nguyện hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện diễn ra sáng cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao chương trình Tiếp sức người bệnh bởi đây là những hoạt động thiết thực, giúp đỡ các bệnh nhân, đặc biệt các bệnh nhân từ tỉnh xa đến khám, trong điều kiện bệnh viện quá tải, sự giúp đỡ này sẽ giúp bệnh nhân hoàn thiện nhanh chóng thủ tục khám chữa bệnh, di chuyển giữa các diểm khám... từ đó giảm thời gian chờ đợi, giảm tốn kém.

Theo bà Tiến, hiện nay trong điều kiện kinh tế khó khăn, hà tầng bệnh viện khó khăn, đặc biệt là các bệnh viện trung ương, tuyến cuối chật chội, quá tải sự hỗ trợ, tiếp sức người bệnh càng cần thiết. Như tại Bệnh viện Bạch Mai, một ngày có đến 4.000 người đến khám trong khi số lượng nhân viên hành chính hướng dẫn người bệnh không nhiều, người bệnh chịu áp lực vì thời gian chờ đợi lâu, về việc di chuyển lòng vòng không biết các điểm cần đến (như nơi khám chữa, chiếu chụp, đóng tiền viện phí...).

Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn thừa nhận, trong ngành y, bên cạnh rất nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều tập thể và cá nhân đã không quản khó khăn, gian khổ hết lòng vì tính mạng, sức khỏe của người bệnh, được dự luận xã hội đánh giá, vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu giáo dục y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực. Đó là “những con sâu làm rầu nồi canh”, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh người cán bộ y tế. Nghiêm trọng hơn, nó làm xói mòn niền tin của nhân dân đối với hơn 400 ngàn cán bộ y tế và tác động tiêu cực đến hình ảnh của đa số các cán bộ y tế chân chính đang ngày đêm lặng lẽ, quyên mình với nhân cách, trí tuệ để chưa trị, giành giật sự sống cho người bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Vì thế, để khắc phục cách hạn chế nêu trên, đồng thời xây dựng hình ảnh, phong cách người cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Đây là giải pháp mang tính đột phá để đổi mới căn bản, toàn diện cách nghĩ, cách làm của từng cán bộ y tế, từng cơ sở y tế khi phục vụ người bệnh. Một trong những trọng tâm của Kế hoạch là đề án Tiếp sức người bệnh do Hội thầy thuốc trẻ xây dựng và triển khai.

Bộ Y tế đánh giá sự phối hợp chặt chẽ của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trong việc triển khai nội dung “Tiếp sức người bệnh” để phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc giúp đỡ bệnh nhân và người nhà đến khám, điều trị. Việc làm này sẽ góp phần cùng các bệnh viện cải thiện khâu đón tiếp, hướng dẫn, chăm sóc bệnh nhân tại khu vực khám bệnh quá tải, giúp cho người bệnh tiết kiệm thời gian trong trong các thủ tục khám, xét nghiệm.

Bác sĩ Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc Trẻ Việt Nam, cho biết, trong năm 2015, chương trình sẽ được tổ chức tại 30 bệnh viện ở ở 5 thành phố: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ với gần 3.000 tình nguyện viên. Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là cơ sở y tế đầu tiên triển khai chương trình này. Từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ được tổ chức ở 90 bệnh viện trong toàn quốc với hơn 10.000 tình nguyện. Đội tình nguyện gồm các thầy thuốc trẻ, sinh viên các ngành xã hội học, tâm lý và các trường đại học khác. Mục tiêu của Chương trình giúp bệnh nhân tiếp cận nhanh với các dịch vụ, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh; Giảm tải được 30% công tác của điều dưỡng viên, nhân viên hành chính; Giảm được 80 - 90% tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện; Góp phần làm giảm tình trạng “cò” bệnh viện…

Theo đó, tại bệnh viện, các đội hình thanh niên tình nguyện sẽ tham gia trực tại khu vực tiếp đón và tham gia hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh và người nhà bệnh nhân tới khám và điều trị ngay từ cổng bệnh viện, hướng dẫn thủ tục nhập viện, lấy phiếu khám; quy trình xin cấp các giấy tờ cần thiết; nhắc nhở bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không hút thuốc lá trong bệnh viện... Đồng thời tổ chức các hoạt động tự thiện như Nội cháo yêu thương, Bát cơm tình nghĩa cho những người bệnh và người nhà có hoàn cảnh khó khăn.

Hồng Hải