Ánh sáng xanh có phải "thủ phạm" gây cận thị, hại mắt?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia, nhiều người cho rằng ánh sáng xanh là một trong các nguyên nhân gây ra cận thị. Nhưng sự thật có phải vậy?

Ánh sáng xanh có gây cận thị?

Ngày 23/8, tại hội thảo khoa học "Nâng cao hiểu biết dinh dưỡng bảo vệ mắt trẻ em Việt Nam", ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế cho biết, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, đến năm 2025 có đến 90% trẻ em ở Đông Nam Á - trong đó có Việt Nam - sẽ phải đối mặt với nguy cơ cận thị.

Nếu bây giờ không hành động thì trong tương lai, đại bộ phận trẻ em sẽ bị cận thị.

Ánh sáng xanh có phải thủ phạm gây cận thị, hại mắt? - 1

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo nâng cao hiểu biết dinh dưỡng bảo vệ mắt trẻ em Việt Nam (Ảnh: Hoàng Lê).

Tại sự kiện, Phó giáo sư Phạm Ngọc Đông, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ, tại Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em 5-15 tuổi mắc các tật khúc xạ. Một khảo sát mới đây tại các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang... cho thấy, có 78% các bé độ tuổi 1-5 tiếp xúc thiết bị điện tử từ 3-5 giờ mỗi ngày.

Theo Phó giáo sư Đông, nhiều ý kiến cho rằng ánh sáng xanh là một trong các nguyên nhân gây ra cận thị. Đến nay, chưa có bằng chứng về việc này. Nhưng theo chuyên gia, ánh sáng xanh có thể gây giảm thị lực, vì tiếp xúc quá nhiều có thể gây độc cho các tế bào thần kinh cảm thụ thị giác trong nhãn cầu.

Ánh sáng xanh đến từ nhiều nguồn khác nhau, như truyền hình, điện thoại thông minh và màn hình máy tính bảng. Theo nhiều nghiên cứu, mắt trẻ em hấp thụ ánh sáng xanh nhiều hơn người lớn. Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh nhiều có thể gây ra mỏi mắt, khô mắt, nhìn mờ, ảnh hưởng đến sự phát triển khúc xạ.

Làm gì để bảo vệ mắt cho trẻ?

Bà Bùi Ngọc Mai Khâm, Hiệu trưởng một trường mầm non tại TPHCM nhận định, sau nhiều năm làm công tác giáo dục, bà quan sát thấy học sinh có tỷ lệ cận thị ngày càng tăng. Một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do trẻ được tiếp xúc thiết bị điện tử ngày một nhiều.

Chị Trinh Phạm, phụ huynh có con ở lứa tuổi tiểu học bày tỏ, ở góc nhìn của một người mẹ, chị biết việc xem thiết bị điện tử nhiều là không tốt. Nhưng trong thời đại này, nếu con không tiếp xúc thiết bị điện tử thì sẽ bị lạc hậu về thông tin.

Ánh sáng xanh có phải thủ phạm gây cận thị, hại mắt? - 2

Trẻ được kiểm tra mắt tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký, Tổng hội Y học Việt Nam chia sẻ, hai dưỡng chất lutein và zeaxanthin giữ vai trò tạo nên màu vàng của điểm vàng võng mạc trong mắt, đóng vai trò quan trọng trong việc thu nhận và làm rõ nét hình ảnh, đảm nhận tới 90% thị lực.

Hai loại dưỡng chất này được tìm thấy nhiều nhất ở các loại rau lá xanh đậm và hoa quả màu vàng, đỏ. Vì vậy, phụ huynh nên bổ sung các loại thực phẩm có màu như trên. Bên cạnh đó, cần bổ sung vitamin A cho trẻ.

Vitamin A rất cần thiết cho việc duy trì các tế bào cảm giác ánh sáng của mắt, giúp mắt sáng khỏe. Trong đó, sự phát triển thị giác của trẻ dưới 6 tuổi là rất quan trọng, nên cần bổ sung thêm các dưỡng chất cho mắt trong "giai đoạn vàng" này.

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh không để trẻ lạm dụng thiết bị điện tử, nên cho con em ra ngoài vận động 1-2 giờ mỗi ngày và cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đây là cách để bảo vệ mắt cho trẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm