250 người chờ ghép giác mạc, Bệnh viện Mắt TPHCM xin tự điều phối
(Dân trí) - Theo Bệnh viện Mắt TPHCM, có khoảng 250 bệnh nhân trong danh sách chờ ghép giác mạc của nơi này, nhưng số lượng giác mạc được cung ứng rất hạn chế. Trong khi đó, Ngân hàng Mắt TPHCM đã "đóng cửa".
Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề Hội nghị nhãn khoa Đức - Việt lần 5 (diễn ra các ngày 15-18/1), bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Minh Vinh, Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, nhu cầu ghép giác mạc ở nước ta khá lớn nhưng số lượng giác mạc được cung ứng rất hạn chế.
Thống kê trong vòng 10 năm qua, Bệnh viện Mắt TPHCM đã ghép giác mạc cho 352 trường hợp. Trong khi đó, nhu cầu bệnh nhân cần ghép giác mạc để bảo tồn, điều trị là hơn 3.500 trường hợp.
Trước đây, Ngân hàng Mắt TPHCM (trực thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM), nhưng sau dịch Covid-19 đã "đóng cửa". Một bệnh viện quốc tế cũng xây dựng ngân hàng giác mạc, nhưng chỉ những người có điều kiện tài chính tốt mới có thể tiếp cận.
Ngoài ra, một bệnh viện chuyên khoa mắt tư nhân khác cũng có ngân hàng giác mạc, thỉnh thoảng có ghép một vài ca và nay cũng dừng hoạt động.
Trước nhu cầu lớn của người dân, Bệnh viện Mắt TPHCM đã xin ý kiến UBND TPHCM và Sở Y tế để phối hợp với Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thành lập Ngân hàng Mắt, trực thuộc ngân hàng mô của trường.
Dù vậy, trong giai đoạn 5 năm đầu tính từ thời điểm Ngân hàng Mắt nêu trên được hoạt động, việc cung ứng giác mạc dự kiến không cao. Do đó, Bệnh viện Mắt TPHCM vẫn chủ yếu phối hợp với các ngân hàng giác mạc trên thế giới (chủ yếu là Mỹ) để nhận nguồn mô từ nước ngoài về ghép cho bệnh nhân.
"Số lượng người hiến hiện không nhiều. Trong khi đó, việc ghép giác mạc cần ở cả 2 mục đích quang học lẫn điều trị, nên khả năng đáp ứng là quá ít", bác sĩ Vinh nói.
Hiện tại, có khoảng 250 bệnh nhân trong danh sách chờ ghép giác mạc của Bệnh viện Mắt TPHCM (tính từ thời điểm năm 2019 đến nay). Tùy vào nhu cầu và tình trạng sức khỏe thực tế của bệnh nhân, cũng như khả năng đáp ứng giác mạc, các bác sĩ sẽ lên kế hoạch ghép phù hợp.
"Giác mạc chỉ có thời hạn sử dụng khoảng 12 ngày, và không phải lúc nào đặt cũng có.
Trước mắt, chúng tôi chỉ xin UBND TPHCM và Sở Y tế được làm việc trực tiếp với các ngân hàng mắt ở nước ngoài, không qua một ngân hàng mắt trong nước điều phối theo quy định hiện tại, để thời gian tiếp cận sử dụng giác mạc phi lợi nhuận được rút ngắn lại", bác sĩ Vinh nói.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, trong 4 ngày, Hội nghị nhãn khoa Đức - Việt diễn ra 4 phiên chuyên đề về Giác mạc, Đục thể thủy tinh - Kính nội nhãn - Phaco, Dịch kính võng mạc và Chẩn đoán hình ảnh.
Ngoài ra, Hội nghị còn có buổi hội thảo, thảo luận chuyên đề về Ngân hàng Mắt để đánh giá, rút kinh nghiệm tình hình ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt TPHCM thời gian vừa qua.
Dịp này, các chuyên gia ghép giác mạc của Đức sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật của việc chuẩn bị mảnh ghép, cũng như tối ưu hóa việc sử dụng mô hiến tặng trong ngân hàng Mắt. Đồng thời, Bệnh viện Mắt TPHCM cùng Hội Nhãn khoa Đức tiếp tục ký kết chương trình hợp tác khoa học và đào tạo.
Hội nghị năm nay thu hút sự tham dự của khoảng 250 đại biểu đến từ các tỉnh, thành, các đơn vị y tế công - tư trong cả nước cùng các trường Đại học y khoa, các công ty Dược và Trang thiết bị y tế.
Hội nghị Nhãn khoa Đức - Việt lần thứ 5 là nơi bác sĩ nhãn khoa Việt Nam có cơ hội học tập các kiến thức mới và các xu hướng điều trị đang được áp dụng trên toàn cầu; nơi trao đổi kiến thức chuyên môn với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm.