Ăn uống ngày tết sao cho khoa học?
(Dân trí) - Dịp Tết là cơ hội để vui chơi, gặp gỡ, tụ tập, kèm theo cũng là những buổi tiệc liên miên. Những bữa tiệc này khiến bạn mệt mỏi, tăng cân, thậm chí mang bệnh... Vì vậy, phải có bí quyết thì ngày Tết mới vui vẻ mà vẫn đảm bảo sức khỏe.
Chớ để tăng cân
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày, cơ thể chỉ cần khoảng 2.300calo, nếu lượng calo thừa hoặc thiếu đều có hại cho cơ thể. Vì vậy, chúng ta không nên ăn quá nhiều thịt. Cần hạn chế ăn thịt mỡ. Khi gói bánh chưng, bánh tét, thịt làm nhân bánh cũng cần được chọn kỹ nhằm giảm lượng mỡ xuống mức tối đa. Không nên tận dụng dầu đã qua sử dụng để tiếp tục nấu món khác.
Các loại bánh chưng, bánh tét, rất giàu năng lượng (trên 200Kcal/100g) và có gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì vậy, những trường hợp thích ăn các món bánh này mà không muốn tăng cân, nên chọn ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa (khoảng 100g bánh, tức 1/10 cái bánh chưng có trọng lượng 1kg, bỏ bớt phần nhân bánh nhiều thịt mỡ) với dưa hành và sau đó tráng miệng bằng dưa hấu là đủ. Nếu muốn ăn thêm thì nên tránh các loại thực phẩm giàu năng lượng như các món ăn chiên, quay, thịt đông, măng hầm chân giò, giò xào… ăn tăng các loại rau sống và trái cây có nhiếu chất xơ và ít ngọt như dứa, bưởi, thanh long, dưa hấu…
Cẩn thận thực phẩm nguội
Đặc biệt, ngày Tết hiện nay các gia đình thường mua các loại thực phẩm nguội như chân giò hun khói, giò, chả, lạp xườn, bò khô, tôm khô, xúc xích, dăm bông… dự trữ trong tủ lạnh vào dịp tết vì là các món ăn cơ động, ít ngán, được nhiều người ưa thích từ trẻ con đến người lớn. Theo TS Hoàng Kim Thanh, Giám đốc trung Tâm truyền thông Viện dinh dưỡng, các thực phẩm này nhìn chung đều quá mặn, có một số thì quá béo (như lạp xưởng, giò thủ, chân giò hun khói…) nên cũng không tốt cho những người cần kiêng muối và kiêng mỡ. Việc ăn các thực phẩm này với các chất bảo quản trong đó dẫn đến có hại cho tim, thận, làm tăng huyết áp... Hơn nữa, trong các sản phẩm này luôn chứa chất béo bão hòa triglycerid (loại chất béo xấu), làm gia tăng cholesterol trong máu gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch. Mặt khác có một loại axit béo Tran sinh ra trong quá trình chế biến tạo vị giòn ngon đều có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe (ảnh hưởng tới chức năng hệ tim mạch, chức năng tuyến tụy, làm tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường...).
Các món giò thủ, thịt đông, thịt kho tàu cũng chứa một lượng mỡ động vật cao, vì vậy không nên ăn nhiều hoặc ăn thường xuyên. Vì vậy, nên giảm bớt những món ăn này và thêm vào đó là các loại cua, tôm, cá. Những ngày thường, canh riêu cá không phải là món ăn xa xỉ nhưng lại rất hấp dẫn trong ngày Tết. Cá có giá trị sinh học cao nhờ chứa các axit amin thiết yếu được cơ thể hấp thụ hoàn toàn cho việc tăng trưởng và đổi mới các tế bào. Ngoài ra, cá còn chứa sắt, một thành phần rất dễ được đồng hóa trong cơ thể, giúp thân hình thon thả. Các loại "cá gầy” (dưới 3% lipid) hoặc ''nửa-béo" (3%-6% lipid) không mang vào cơ thể quá 80-120 kcalo/100g. Ngay cả "cá béo" (6%-10% lipid) cũng ít khi vượt quá 130-150 kcalo/100g.
Thói quen không ăn rau trong những ngày Tết là một sai lầm tai hại. Đây là nguồn cung cấp vitamin C giàu có cho cơ thể. Điều không thể tránh khỏi trong ngày Tết là bạn cảm thấy ngán tất cả các loại thức ăn kể cả là thơm ngon, bổ dưỡng. Khi đó một đĩa rau xanh, một đĩa xà lách hay hoa quả mát sẽ là cách hay nhất để bạn nhìn các món ăn với con mắt thân thiện hơn. Hơn nữa, rau quả còn là loại thực phẩm giúp bạn đẹp da và tránh tăng cân trong dịp tết, cung cấp thêm chất xơ cần thiết giúp ruột hoạt động tốt, ngăn cản chứng táo bón, đầy hơi....Nếu thiếu chất này, sẽ làm cơ thể xuất hiện các triệu chứng: chảy máu chân răng, ăn không ngon miệng, da có những vết bầm tím do tụ máu...
Trong ngày Tết, phần lớn các món ăn là đồ nguội, do đó bệnh nhân phải hết sức chú ý đến vấn đề vệ sinh thực phẩm để tránh nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Hạn chế đồ uống có gaz và cồn