An toàn thực phẩm Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức

(Dân trí) - Thực phẩm không đảm bảo chất lượng là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Môi trường ô nhiễm, sử dụng vô tội vạ hóa chất, chất bảo quản bị cấm trong sản xuất, chế biến là thách thức lớn đối với chất lượng thực phẩm.

Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng, để quản lý được chất lượng nguồn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn là nhiệm vụ không đơn giản của cơ quan chức năng. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 40 triệu vụ ngộ độc xảy ra, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 50%. Theo tổ chức Y tế thế giới, 50% ca tử vong trên toàn cầu có liên quan đến thực phẩm.

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM, cho hay: ở các quốc gia đang phát triển, ước tính mỗi năm có 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra. Tiêu chảy do thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 2,2 triệu người, hầu hết trong số đó là trẻ em.

Chất lượng thực phẩm không đảm bảo là nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc
Chất lượng thực phẩm không đảm bảo là nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc

Chế độ ăn uống không lành mạnh, liên quan tới 4 trong 10 nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trên thế giới như: thừa cân béo phì, huyết áp cao, đường huyết cao, cholesterol cao. Hiện số người thừa cân béo phì ngày càng tăng, chi phí chống béo phì toàn cầu ước khoảng 2 nghìn tỷ USD mỗi năm, nhưng chưa có sự phối hợp giữa các quốc gia để giảm tỷ lệ thừa cân béo phì.

Trong Hội thảo Vệ sinh an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng (diễn ra ngày 18/6 tại TPHCM) ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được quan tâm, Đảng - Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật có liên quan, Quốc hội đã ban hành Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản nghị định. Tuy nhiên, trên thực tế chất lượng thực phẩm đang là vấn đề đáng lưu tâm, tính riêng năm 2014, trên cả nước có tới 194 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 5.203 người mắc, 43 người chết.

Việt Nam đang phải đổi mặt với nhiều thách thức do cây trồng vật nuôi bị nhiễm hóa chất kim loại nặng thải ra từ các khu công nghiệp dưới dạng khí thải, nước thải, chất thải rắn không qua xử lý. Tình trạng sử dụng các hóa chất ngoài danh mục hoặc chất bị cấm như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc, các chất bảo quản, phụ gia, chất ngọt tổng hợp, phẩm màu công nghiệp… trong chế biến, bảo quản thực phẩm dễ dẫn đến ô nhiễm.

Nhiều nguồn thực phẩm nhập khẩu không đảm bảo từng được phát hiện như: sữa nhiễm Melamine có nguồn gốc từ Trung Quốc, thạch rau câu có chất phụ gia chứa DEHP, hạt trân châu có chứa a xít maleic (chất gây suy thận) có nguồn gốc Đài Loan, hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả, hàng chục tấn thịt bò Úc, Canada hết hạn 2 năm… cho thấy chất lượng thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu qua biên giới còn nhức nhối: gà thải loại (có năm đến 8 triệu con), hóa chất, chất bảo quản trong trong trồng trọt chăn nuôi tràn vào theo con đường phi pháp.

Theo phân tích của ông Mạnh Hùng, người tiêu dùng sử dụng phải nguồn thực phẩm không đảm bảo một phần là do thông tin quảng cáo tràn lan thiếu kiểm chứng, quảng cáo không trung thực gây nhầm lẫn; nguồn cung ứng tiếp thị của các công ty thiếu thông tin cập nhật khiến người tiêu dùng ngày càng khó lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh.

Trước vấn đề trên, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kiến nghị Nhà nước không cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng động vật, gà thải loại từ nước ngoài, có giải pháp cứng rắn ngăn chặn thực phẩm Trung Quốc không an toàn nhập lậu qua biên giới như: phủ tạng động vật, trứng gia cầm, hoa quả…

Mặt khác, chính người tiêu dùng đang thiếu kiến thức về các loại thực phẩm, trong đó thiếu cả kiến thức cơ bản nhất về những loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên như: cá nóc, ốc biển, so biển, độc tố trong nấm, nấm mốc là nguyên nhân đã và đang gây ra hàng loạt vụ ngộ độc cấp tính, mạn tính.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khuyến cáo, để tránh sử dụng phải thực phẩm không đảm bảo, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng, nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để tránh ăn phải các loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên. Trong trường hợp phát hiện các sản phẩm sai phạm, cần báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, ngăn chặn nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường.

Vân Sơn