1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

An toàn thực phẩm: “Triển khai chậm trễ, cưỡi ngựa xem hoa”

(Dân trí) - Số lượng vật tư nông nghiệp vi phạm vẫn nhiều, tỷ lệ rau có chứa tồn dư thuốc BVTV vẫn thế… Việc thành lập các đoàn kiểm tra chỉ là một động thái…. nếu không khoanh vùng sản phẩm, khâu và địa phương hay vi phạm thì kiểm tra chỉ là cưỡi ngựa xem hoa.

Kết quả giám sát trên diện rộng của Bộ NN&PTNT từ năm 2010 đến nay cho thấy tuy chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản có cải thiện, tỷ lệ sản phẩm vi phạm giảm dần qua các năm nhưng vẫn còn ở mức cao và mức độ cải thiện chưa rõ nét. Tỷ lệ mẫu rau chứa tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép dao động từ 5,6-6,8%; thịt gia xúc, gia cầm chứa hóa chất kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng vượt ngưỡng cho phép từ 2-4,9%; thủy sản chứa hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép chiếm từ 0,7-2,6%.

Tỷ lệ này sẽ là rất đáng kể nếu so sánh với lượng thực phẩm lớn được tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán.

Tỷ lệ thực phẩm có tồn dư thuốc BVTV, chất kích thích tăng trưởng, chất kháng sinh vẫn còn cao
Tỷ lệ thực phẩm có tồn dư thuốc BVTV, chất kích thích tăng trưởng, chất kháng sinh vẫn còn cao

Gần đây, thanh tra Bộ đã ký quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp nhập khẩu trâu bò Thái Lan không thực hiện quy trình kiểm dịch động vật. Cơ quan thanh tra sẽ tiếp tục phối hợp với C29 (Bộ Công an) đang xử lý thông tin xác minh một số cơ sở chăn nuôi lợn sử dụng chất cấm Beta-agonist (Clenbuterol, Salbutamol).

Lục lượng thanh tra cũng tiếp tục phối hợp với thanh tra sở nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, chi cục thú y Đồng Nai và C49 Bộ công an làm rõ truy xuất nguồn gốc cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm Salbutamol.

“Chúng ta hô hào thành lập các đoàn kiểm tra nhưng đây chỉ là một động thái chứ không phải là giải pháp. Chúng ta cần có chỉ đạo căn cơ chứ kiểu đánh trận thì không hiệu quả. Các đoàn đi kiểm tra nhưng không thể làm thay địa phương mà cần làm đúng vai trò của mình,” Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại cuộc họp giao ban về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP do Bộ NN&PTNT chủ trì sáng nay, 09/12.

Kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP trong 11 tháng vừa qua đã thể hiện hoạt động thiếu hiệu quả. Trong số 22.006 cơ sở đăng ký sản xuất kinh doanh thuốc BVTV, chỉ có 2.925 cơ sở được kiểm tra, chiếm 13,29%.

Chỉ có 2.056 trong tổng số 9.946 cơ sở (20,67%) đăng ký SXKD thuốc thú y và chỉ có 2.087 trong tổng số 17.434 cơ sở giết mổ gia súc gia cẩm được kiểm tra. Trong số 3.208 cơ sở đăng ký SXKD nông sản, chỉ có 552 (17,2%) cơ sở được kiểm tra. Chỉ có 34 trong số 1.113 (3,05%) cơ sở kinh doanh giống lâm nghiệp, nông nghiệp và chỉ có 145 trong số 8.219 (1,76%) cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được kiểm tra.

Theo Bộ trưởng Phát từng tổng cục cần kiểm điểm để tìm ra nguyên nhân vì sao có sự chậm trễ này, trách nhiệm thuộc vì ai chứ không phải ai? Nếu chỉ đạo mà địa phương không thực hiện thì thể hiện yếu kém trong chỉ đạo, điều hành.

“Chúng ta nói rất nhiều về việc quản lý cơ sở giết mổ. Lợn nuôi có chất lượng thịt tốt nhưng có thể bị nhiễm vi sinh trong quá trình giết mổ vậy mà cho đến giờ Cục thú y vẫn chưa hoàn thiện đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm. Văn bản thì nhiều, rất đầy đủ nhưng tình hình không chuyển biến chính là do chúng ta không thực hiện,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhiều đoàn kiểm tra không có trọng tâm, trọng điểm mà chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Việc sàng lọc xếp loại các cơ sở theo cấp độ A, B, C là để tập trung kiểm tra đôn đốc tạo ra sự chuyển biến của các cơ sở xếp loại C này.

Vì đã có thông tư về kiểm soát theo chuỗi, cần rà soát từ đồng ruộng đến bàn ăn xem khâu nào có nguy cơ cao thì tập trung kiểm tra ở những khâu ấy. Việc tổng hợp thông tin qua nhiều năm sẽ giúp đánh giá địa bàn nào hay xảy ra vi phạm thì tập trung chỉ đạo địa bàn đó. Tổng hợp thông tin kiểm soát hàng hóa nhập khẩu sẽ biết nước nào là nước hay có hàng hóa vi phạm  thì tập trung giám sát hàng hóa từ nước đó.

Từ nay đến Tết việc tăng cường kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP là mục tiêu số một của các ban ngành địa phương trong cả nước. Cần tập trung kiểm tra giám sát đối với các sản phẩm phổ biến như rau, quả, thịt, cá. Với rau quả thì tập trung kiểm tra trên đồng ruộng và các chợ đầu mối. Với thịt thì kiểm tra tại các cơ sở giết mổ và chợ, với cá thì kiểm tra ở các chợ. Địa bàn trọng tâm sẽ là hai thành phố lớn, các tỉnh phụ cận và nơi cung cấp cho các thành phố lớn.

Về chất lượng và ATTP với rau quả, Cục BVTV cần tằng cường giám sát trên đồng ruộng, cử cán bộ xuống đồng ruộng hướng dẫn nông dân sản xuất vì hàng hóa bán ở chợ sau khi phát hiện vi phạm thì đã được bán hết rồi. Đối với các sản phẩm thịt nếu phát hiện sử dụng chất cấm phải truy xuất đến tận nơi.

“Phải xử lý kiên quyết, triệt để các cơ sở bị xếp loại C nếu không thấy có chuyển biến tích cực. Không có gì phải nhân nhượng, nếu nhân nhượng cho một số người thì họ sẽ làm hại muôn người,” Bộ trưởng chỉ đạo.

Nhằm giải quyết vấn đề quản lý ATTP ở nước ta, Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đề xuất học hỏi kinh nghiệm một số nước đã thành lập một đơn vị độc lập hoạt động như “cảnh sát ATTP” để phối hợp với báo chí, cảnh sát nhằm phát hiện các địa phương trọng điểm, khi có kết quả thì công bố công khai cho truyền thông và công chúng để tạo tính răn đe.

Thảo Nguyên