Ăn theo cách này bệnh gan sẽ không còn là nỗi lo
(Dân trí) - Gan được coi là nơi chế biến và biến đổi các thực phẩm chúng ta ăn vào thành các chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Do đó, chế độ ăn uống và chức năng hoạt động của gan có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể gây tổn hại đến chức năng gan. Ngược lại, gan yếu khiến chúng ta ăn uống không ngon miệng, chán ăn, thậm chí bỏ ăn,… Do đó, khi bị mắc các vấn đề liên quan đến gan, đặc biệt là viêm gan B thì chế độ ăn uống khoa học, đúng cách được coi là một phương pháp điều trị bệnh tự nhiên, mang lại hiệu quả tương đối khả quan.
Theo PGS.TS.BS Trịnh Thị Xuân Hòa, Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Truyền nhiễm - Bệnh viện Quân y 103, đối với bệnh nhân viêm gan, nhìn chung có thể tuân theo chế độ dinh dưỡng của người bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, người bệnh nên giảm mỡ động vật, phủ tạng động vật. Các chế độ ăn khác như chất đạm thì nên ăn cá, thịt trắng, tăng cường rau hoa quả.
"Đặc biệt phải kiêng bia rượu và thuốc lá cũng như các chất độc hại khác. Với những người bị viêm gan dùng thuốc phải cẩn thận vì tất cả các thuốc giải độc qua gan nên khi bác sĩ kê thuốc mình phải trao đổi với bác sĩ về tình trạng viêm gan của mình để có chỉ định điều trị hợp lý", PGS Hòa nhấn mạnh.
Tùy theo giai đoạn của bệnh chế độ dinh dưỡng của người bệnh cũng thay đổi. Dưới đây là một số thực phẩm người bệnh nên ăn:
Thực phẩm giàu đạm
Bao gồm thịt lợn nạc, thịt bò, thịt gà nạc, trứng, hải sản…Gan có chức năng dự trữ protein trước khi phân bổ khắp cơ thể, người bệnh cần được bổ sung nhóm thực phẩm này để cung cấp dưỡng chất cho gan.
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất
Những loại thực phẩm này có tác dụng giúp gan phục hồi nhanh hơn. Hoa quả tươi, rau xanh là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào. Các loại trái cây giàu vitamin A, C phải kể tới như cam, dâu, việt quất, đu đủ rất có lợi cho người bệnh.
Các loại rau màu xanh sẫm như súp lơ xanh, rau chân vịt, rau cải canh, rau ngót…chứa nhiều chất chống oxy hóa tác dụng bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa ung thư gan. Ngoài ra, chất xơ từ thực phẩm này giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa, giảm gánh nặng cho gan và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
Sữa và sản phẩm từ sữa
Người bệnh viêm gan B thường bị thiếu hụt vitamin D do chức năng tổng hợp chất béo của gan nhằm hòa tan loại vitamin này bị suy giảm. Do đó, người bệnh nên bổ sung sữa để cung cấp vitamin D cho cơ thể. Ngoài ra, sữa còn là nguồn thực phẩm giàu protein tốt cho người bệnh.
Trong sữa bò còn chứa methionin có tác dụng giúp cơ thể tổng hợp cholin từ đó tăng cường khả năng ngăn mỡ tích lại ở gan. Tuy nhiên, chất béo trong sữa bò lại khó tiêu nên chuyên khoa dinh dưỡng khuyến cáo người bệnh nên uống 1 ly/ngày.
Các loại đậu
Nhóm thực phẩm này bao gồm: đậu tương, đậu đen, đậu xanh…bổ sung trong bữa ăn hàng ngày giúp duy trì năng lượng cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, các loại đỗ không những giúp giải độc tốt, mà còn có tác dụng làm mát gan hiệu quả.
Uống nhiều nước
Cung cấp đủ nước cho cơ thể hỗ trợ gan đào thải các độc tố ra bên ngoài. Nên uống từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày. Bạn có thể uống nước lọc, nước ép trái cây. Ngoài ra, người bệnh nên uống các loại trà thảo mộc (trà cà gai leo, cây chó đẻ, trà atiso, râu bắp…) có tác dụng tiêu độc, làm mát gan, hạ men gan, một số loại còn có khả năng ức chế sự phát triển của virus viêm gan B như cà gai leo.