Ăn sữa chua nếp cẩm, nước quả lên men… có "dính" nồng độ cồn?

Minh Nhật

(Dân trí) - Bên cạnh thực phẩm lên men, các loại hoa quả có hàm lượng đường cao, khi chín quá cũng đã có một lượng nhỏ ethanol (cồn).

Hơi thở có nồng độ cồn sau khi ăn thực phẩm có thành phần rượu, điển hình là sữa chua nếp cẩm, nước hoa quả lên men…, trở thành một chủ đề "nóng" được tranh luận rất sôi nổi trên các hội nhóm về ô tô, xe máy.

Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại bị phạt vì vô tình đưa chất cồn vào cơ thể khi ăn uống các món hàng ngày.

Ăn sữa chua nếp cẩm, nước quả lên men… có dính nồng độ cồn? - 1

Bài đăng trên một nhóm Facebook chuyên về ô tô (Ảnh: OFFB).

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành để làm rõ vấn đề này.

Theo TS Minh, nhiều thực phẩm chứa tinh bột, đường đều có thể dễ dàng chuyển hóa thành ethanol (cồn) sau khi tiêu thụ, hoặc bản thân thực phẩm đã lên men một phần, hình thành ethanol trước khi đưa vào cơ thể.

Về lý thuyết, có thể phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở sau khi hấp thụ một số loại thức ăn, nước uống có chứa một hàm lượng nhỏ cồn kể trên.

Chuyên gia này dẫn chứng về trường hợp của sữa chua nếp cẩm, cũng là một món ăn gây nhiều tranh cãi về việc làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể.

Ăn sữa chua nếp cẩm, nước quả lên men… có dính nồng độ cồn? - 2

Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại bị phạt vì vô tình đưa chất cồn vào cơ thể khi ăn uống các món hàng ngày (Ảnh: Quân Đỗ).

Trước hết, theo TS Minh, cần phân biệt rõ 3 loại sữa chua nếp cẩm chính:

- Loại 1, sữa chua nếp cẩm công nghiệp do các công ty sản xuất, đóng hộp, tiệt trùng.

- Loại 2, sữa chua nếp cẩm "nhà làm" do lên men tại nhà hoặc bán tại các quán nhỏ tự làm dùng nếp chưa lên men.

- Loại 3, sữa chua nếp cẩm "nhà làm" nhưng dùng nếp cẩm đã lên men.

"Với loại thứ nhất và thứ hai không thể dẫn tới việc phát sinh nồng độ cồn trong hơi thở. Cụ thể, loại thứ nhất đã tiệt trùng nên không tiếp tục lên men được nữa, nếp cẩm cũng không lên men trước và trong thời gian đi vào đường tiêu hóa.

Loại hai, mặc dù vi sinh trong sữa chua có thể còn hoạt động nhưng đây là nếp chưa lên men, cũng không thể lên men sau khi trộn sữa chua vì đây không phải môi trường lên men rượu mà là lên men lactic.

Trong khi đó, loại thứ ba thì có thể dẫn tới phát hiện được nồng độ cồn trong hơi thở vì bản chất là người ta trộn rượu nhẹ (nếp cẩm đã lên men) vào sữa chua", TS Minh phân tích.

Tương tự, một số loại sản phẩm lên men khác cũng có thể khiến hơi thở có nồng độ cồn.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý rằng, chỉ một số các sản phẩm lên men là sinh ra rượu. Ví dụ trà lên men Kombucha sẽ có loại có một tỷ lệ rất nhỏ là rượu, có loại hoàn toàn không có.

Bên cạnh thực phẩm lên men, TS Minh thông tin, các loại hoa quả có hàm lượng đường cao, khi chín quá đã có một lượng nhỏ ethanol, ví dụ như các loại nước quả ép có thể chứa tới 1% là ethanol.

Ngoài ra, ethanol còn là một loại tá dược phổ biến trong điều chế thuốc, dùng làm dung môi để tách chiết các hợp chất tự nhiên từ dược liệu, nên trong các loại thuốc dạng dung dịch như sirô ho thì cũng rất dễ gặp ethanol.

Cũng theo chuyên gia này, ethanol có thể đi vào cơ thể qua đường hô hấp thụ động, như việc tham gia vào các buổi tiệc có sử dụng nhiều rượu bia hay thường xuyên hít phải mùi xăng có pha ethanol.

"Tuy nhiên, tất cả các con đường này cũng chỉ dẫn tới mức tăng rất nhỏ ethanol trong máu, hơi thở. Lượng cồn này cũng sẽ nhanh chóng được chuyển hóa và "biến mất" sau một thời gian ngắn", TS Minh nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm