Ăn rau có làm tăng axit uric?

Hà An

(Dân trí) - Axit uric dư thừa có thể tích tụ dưới dạng tinh thể trong các mô cơ thể, đặc biệt là thận, khớp, gây sỏi thận, bệnh gút. Đa phần các loại rau giúp làm giảm axit uric, tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ.

Theo Medical News Today, axit uric là sản phẩm chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể, là sản phẩm chuyển hóa của các chất có nhân purine. Nguồn chính tạo ra axit uric gồm cả nội sinh và ngoại sinh.

Nguồn gốc ngoại sinh từ thức ăn hàng ngày cung cấp cho cơ thể. Một số thực phẩm đồ uống có lượng purine cao như nội tạng động vật, cá biển, hải sản, bia rượu… Nguồn gốc nội sinh do quá trình chuyển hóa axit nucleic trong cơ thể. Quá trình chuyển hóa này diễn ra chủ yếu tại gan và một phần nhỏ diễn ra tại niêm mạc ruột.

Axit uric dư thừa có thể tích tụ dưới dạng tinh thể trong các mô cơ thể, đặc biệt là thận và khớp, gây sỏi thận và bệnh gút. Nếu có lượng axit uric cao hơn bình thường, điều bạn cần làm là có một chế độ phù hợp với nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và một số đồ uống nhất định. Ăn một chế độ ăn ít purine sẽ làm giảm sản xuất axit uric.

Ăn rau có làm tăng axit uric? - 1

Cải bó xôi có hàm lượng purine vừa phải vì thế bạn không nên ăn quá nhiều (Ảnh: N.P).

Theo Verywell Health, purine từ thực vật ít có khả năng làm tăng nồng độ axit uric của bạn. Tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ bạn cần lưu ý.

Dưới đây là những thực phẩm có hàm lượng purine vừa phải, bạn không nên ăn nhiều:

- Bột yến mạch.

- Cám lúa mì.

- Nấm.

- Rau chân vịt.

- Măng tây.

- Súp lơ.

- Một số loại đậu như đậu thận, đậu xanh, đậu lăng…

Theo một bài báo đăng trên tạp chí vào tháng 9/2017, mặc dù những loại rau này có thể làm tăng nồng độ axit uric nhưng chúng không làm tăng axit uric nhiều như các loại thịt và hải sản giàu purine.

Những cách khác để giảm axit uric

Chế độ ăn uống là một cách để giảm nồng độ axit uric, nhưng đó không phải là cách duy nhất. Dưới đây là một số chiến lược bạn có thể áp dụng:

Thực hiện chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật

Nghiên cứu sâu rộng đã chỉ ra rằng một số loại thực phẩm có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể bạn. Một nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu thực vật, có thể làm giảm nồng độ axit uric trong nước tiểu.

Tăng lượng vitamin C

Một số nghiên cứu cho rằng vitamin C mang lại lợi ích cho bệnh gút, vì thực phẩm giàu vitamin C (cam quýt, ớt, dâu tây và bông cải xanh) có thể giúp cơ thể bạn loại bỏ axit uric. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định mối liên hệ này.

Uống nước chanh

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy uống nước chanh mới vắt sẽ làm thay đổi độ pH trong máu và nước tiểu, làm giảm lượng axit uric. Tuy nhiên, các tác giả lưu ý rằng cần phải nghiên cứu thêm.

Tăng lượng chất xơ

Sức khỏe đường ruột của bạn có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể. Đảm bảo bạn nhận được lượng chất xơ phù hợp có thể giúp điều trị bệnh gút.

Tiêu thụ chất xơ lành mạnh có thể giúp bạn điều chỉnh tình trạng viêm trong bệnh gút và giảm sản xuất axit uric. Bạn có thể tìm thấy chất xơ lành mạnh trong ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây.

Hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất không chỉ có thể giúp giảm đau mà còn cải thiện tâm trạng. Tìm một hoạt động ít tác động đến khớp của bạn, chẳng hạn như đi bộ, đi xe đạp hoặc bơi lội.

Bạn hãy đặt mục tiêu là 150 phút tập thể dục mỗi tuần. Bạn có thể thực hiện 30 phút hoạt động thể chất 5 ngày một tuần để đạt được mục tiêu này. Nếu bạn vẫn chưa đạt đến mức đó, hãy làm những gì bạn có thể và cố gắng tiến lên. Mỗi phút hoạt động thể chất đều có giá trị và đáng giá.

Ăn rau có làm tăng axit uric? - 2