Ăn nhiều mà vẫn… “ốm”
Tạo hóa quả là không công bằng khi có người than ăn ít mà vẫn phì nhiêu, trong khi "người gầy (ốm) thầy cơm".
Đối với các bạn gái trẻ chẳng may bị tình trạng gầy đét thì mặc cảm còn hơn cả những bạn đẫy đà. Thật ra các bạn đều có chiều cao thường thường bậc trung, chẳng hiểu sao chất tạo "khung" là protein làm các cơ nở nang lại thiếu. Chất "tạo dáng" do họ hàng con cháu nhà mỡ lại "chê” không đến xin thường trú ở cơ thể các bạn để chỗ nào cần "phình" nó lại teo tóp.
"Bộ đồ lòng" có chuyện
Trong số nhiều bạn đọc gửi thư phản ảnh "ăn nhiều vẫn ốm" thì đa phần đều có vấn đề ở "bộ đồ lòng".
Bạn thứ nhất là chuyên gia ăn vặt, mấy món "vặt" đã làm bao tử của bạn ở trạng thái lưng lửng nên đến bữa chính bạn chỉ ăn được hai chén cơm (quên không nói ăn với gì). Bạn bèn bắt chước em bé tham gia thị trường sữa nhưng đâu lại hoàn đó. Có một chi tiết là bạn bị táo bón, có thể do bạn quên ăn rau hoặc món sữa bạn chọn chưa phù hợp. Ruột của bạn lưu trữ đồ phế thải lâu, các sản phẩm độc hại sẽ theo máu trở về gan, tế bào gan bị ngộ độc, sản xuất mật ít và tiêu hóa hấp thu chất béo kém khiến cái bụng trở thành ậm ạch, mỡ nếu có vào máu lại chạy đến những địa chỉ không cần đến như gan, ruột chứ không di cư đến vòng 1.
Bạn thứ hai cao 1,55m, nặng 43kg "ăn nhiều nhưng không tăng ký”. Bạn chỉ cần ngủ đủ, đi bơi hoặc tập aerobic để các cơ nở ra, mỡ đăng ký hộ khẩu chút đỉnh dưới da, khi cân nặng lên 47kg là đẹp vô cùng rồi.
Bạn thứ ba có nick dễ thương "em vẫn chờ", chắc là chờ... tăng cân. Bạn viết "em cũng bị bệnh đau dạ dày nhẹ, nhiều khi ăn không tiêu". Thế thì, bạn phải đi khám chuyên khoa tiêu hóa. Có nhiều khả năng bao tử của bạn đã bị bọn vi khuẩn helicobacter pylori đang đục khoét. Bạn sẽ được soi bao tử, hút dịch và dưới kính hiển vi chúng sẽ phải phơi cái bản mặt ra. Điều trị đám helicobacter pylori phải kiên nhẫn và sau đó đừng để chúng có cơ hội quay trở lại. Cũng có thể trong "bộ đồ lòng" của bạn có cả "vườn bách thú ký sinh trùng" gồm các loại giun trong đó gium móc là bọn chuyên "hút máu người" mà sống. Ngoài ra còn có bọn sán các loại...
Nghe thế bạn đừng có rối lên, nick của bạn là "em vẫn chờ" thì hãy gặp bác sĩ rồi "chờ "chữa khỏi bệnh và tăng cân.. Đương nhiên thiếu dinh dưỡng như bạn thì sức đề kháng giảm và các loại vi khuẩn thường tham gia "đánh hội đồng" đấy bạn ạ.
Vô số lý do
Nguyên nhân thì có tỉ ti nhưng tựu trung có mấy lý do chính:
- Ốm có tính di truyền bởi bộ tiêu hóa của gia đình bạn "tiêu" bao nhiêu thực phẩm cũng được nhưng biến "hóa" chúng lại kém, giống như ngôi nhà chỉ có khung, hồ để tô, sơn nước không có, ở tốt nhưng chưa đủ độ đẹp.
- Ốm do bộ tiêu hóa bị bệnh: viêm dạ dày, viêm ruột, viêm đại tràng mãn, viêm ruột dị ứng thực phẩm tiêu hóa không trọn vẹn, đồ phế thải là món ăn giàu năng lượng cho... các loại cá ở vùng có "cầu tõm". Làm ốm nhanh nhất là hội chứng "đi nhanh về chậm", ôm bụng chạy như bay đến nhà vệ sinh, làm xong việc bóp bụng "cho ra" sẽ mệt lử lê từng bước về... giường.
- Ốm do giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn. Lượng thực phẩm đưa vào quá ít nên mỡ không có, cơ teo, toàn thân giống như "khung xương di động". Các nhà giải phẫu nào dạy bài "xương" sẽ rất khoái chọn bạn làm mô hình mẫu.
- Ốm do rối loạn tâm lý: có người được tạo hóa ban cho thân hình cân đối nhưng luôn ám ảnh rằng mình béo quá, lúc nào cũng nhịn ăn để trở thành tiều tụy, sức đề kháng giảm rồi bệnh tật như trường hợp cô ca sĩ người Mỹ suốt ngày soi gương, nhịn ăn cho đến chết.
- Ốm do thiếu dinh dưỡng, thiếu ngũ cốc, không có thịt, cá, rau xanh thường gặp ở những nước nghèo như Somalia, trẻ em, người lớn chỉ có da bọc xương. Ở nước ta năm 1945 đã làm hàng triệu người chết vì đói.
- Ốm do bị bệnh mãn tính như lao, viêm khớp, bệnh tim bẩm sinh...
Theo BS Lê Thúy Tươi
Tuổi trẻ