1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ăn nhiều lạc giúp kéo dài tuổi thọ

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy công dụng đáng ngạc nhiên của lạc đối với việc kéo dài tuổi thọ.

Ăn nhiều lạc giúp kéo dài tuổi thọ

Tiến sĩ Xiao-Ou Shu, một chuyên gia về dịch tễ học tại Trường Y thuộc ĐH Vanderbilt ở Nashville (Mỹ) cùng các đồng nghiệp đã tiến hành thu thập dữ liệu và theo dõi tình trạng sức khỏe trong 5 năm rưỡi của hơn 70.000 người dân sống ở phía đông nam nước Mỹ, chủ yếu là những người Mỹ gốc Âu và Phi, độ tuổi từ 40-79. Ngoài ra, họ cũng tiến hành việc nghiên cứu trong 6 năm rưỡi đối với hơn 134.000 người Trung Quốc trong độ tuổi từ 40-74, đang sinh sống tại Thượng Hải.

Kết quả cho thấy những người ăn nhiều lạc và các loại hạt như hạt óc chó, hồ đào, hạnh nhân mỗi ngày có nguy cơ tử vong thấp hơn 21% (ở Mỹ) và 17% (ở Trung Quốc), đặc biệt là nguy cơ tử vong vì các vấn đề liên quan tới tim mạch, tương đương việc sống lâu hơn 5-6 năm so với những người ăn rất ít hoặc không ăn những loại thực phẩm này.

Số liệu trên đã được các nhà khoa học xem xét cả thói quen hút thuốc, uống rượu, chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) và điều kiện trao đổi chất.

Phát hiện mới này không những giúp tăng giá trị sức khỏe của lạc mà còn đưa ra lời gợi ý hữu ích cho những người có nguồn tài chính eo hẹp muốn cải thiện hệ tim mạch. Nếu so với những loại hạt tốt cho sức khỏe tim mạch thường được liệt kê như hạt dẻ cười, hạnh nhân…thì giá của lạc rẻ hơn nhiều và lợi ích thì không hề kém cạnh.

Mặc dù lạc được xem là cây họ đậu nhưng chúng cũng giàu chất dinh dưỡng tương tự như một loại hạt, bao gồm chất béo không bão hòa, chất xơ, chất chống oxy hóa và vitamin. Chính vì vậy, chúng giúp bảo vệ tim và kéo dài tuổi thọ.

Tiến sĩ Xiao-Ou Shu cho biết: “Nếu mọi người không bị dị ứng với lạc thì nên xem xét việc ăn chúng nhiều hơn để có một trái tim khỏe mạnh, và hơn nữa là giá thành của chúng rẻ hơn nhiều so với các loại hạt khác mà lợi ích sức khỏe tim mạch lại tương đương nhau”.

Nghiên cứu này được công bố trực tuyến vào ngày 2/3 trên tạp chí JAMA Internal Medicine.

Hùng Cường

Theo livescience