Ăn khoai củ có giúp phòng chống béo phì?
(Dân trí) - Các loại khoai củ chứa hàm lượng calo thấp nhưng giàu chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất. Vì thế, ăn loại thực phẩm này trẻ vẫn có đủ năng lượng hoạt động mà không gây tăng cân.
Giá trị dinh dưỡng của khoai củ
Theo Viện Dinh dưỡng, khoai củ là các loại như khoai tây, khoai lang, khoai sọ, khoai môn… Những loại khoai này chứa giá trị dinh dưỡng cao, điển hình là hàm lượng chất xơ giúp tạo cảm giác no lâu và tốt cho tiêu hóa của trẻ. Khoai củ có calo thấp hơn gạo rất nhiều, cụ thể với gạo là 244 calo thì khoai củ chỉ có 119 calo. Tuy calo thấp nhưng các dưỡng chất như vitamin A, canxi, sắt… lại rất dồi dào.
Vì thế, ăn khoai củ sẽ giúp trẻ có đủ năng lượng hoạt động, không dư thừa để gây tăng cân đồng thời vẫn đảm bảo về mặt sức khỏe. Vì thế nó cũng là thực phẩm quen thuộc trong thực đơn giảm cân cho trẻ béo phì.
Thực đơn dinh dưỡng với khoai củ giúp trẻ phòng chống béo phì
- Thời điểm ăn phù hợp
Bữa sáng và bữa trưa là 2 thời điểm "vàng" để ăn khoai củ giảm cân. Thay vì lượng tinh bột xấu từ gạo, bún, bánh canh, bố mẹ có thể cho trẻ ăn 1 củ khoai để giúp trẻ đủ năng lượng hoạt động suốt buổi. Trẻ vẫn có thể ăn vào buổi tối nhưng lưu ý chỉ ăn một ít để tránh tình trạng đầy bụng, khó ngủ.
- Số lượng phù hợp
Tuy khoai củ là loại thực phẩm dinh dưỡng, có thể thay thế cơm để hỗ trợ cho việc giảm cân, chống béo phì nhưng nếu lạm dụng vẫn sẽ gây nên các hậu quả không tốt. Trẻ chỉ nên ăn khoai củ với số lượng vừa phải 2 - 3 củ mỗi ngày.
- Nạp đầy đủ các dưỡng chất khác
Dù giảm năng lượng nhưng trẻ vẫn cần phải được cung cấp đủ dưỡng chất, để trẻ phát triển về cả thể chất lẫn trí não. Bên cạnh việc ăn khoai củ trẻ cũng cần bổ sung thêm dưỡng chất đến từ các loại thực phẩm khác như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt…
- Không ăn vặt
Điều quan trọng là trẻ phải duy trì chế độ ăn một cách điều độ, kiên trì, nói không với đồ ăn vặt. Trẻ em thừa cân vốn rất thèm ăn và các món ăn vặt lại càng khoái khẩu.
Thừa cân là tình trạng cân nặng cơ thể quá mức so với cân nặng chuẩn tương ứng với chiều cao. Béo phì là một tình trạng tăng cân không do phát triển cơ bắp mà do tích tụ quá nhiều mỡ trong cơ thể.
Trẻ bị thừa cân, béo phì do ăn quá nhiều năng lượng (chất ngọt, chất béo, tinh bột, ăn nhiều đồ xào rán, thức ăn chế biến sẵn…), có thói quen ăn uống không tốt như ăn nhanh, không nhai kỹ thức ăn, ăn nhiều, hay ăn vặt, ăn vào bữa tối muộn, ăn nhiều vào bữa tối, không ăn rau xanh, không ăn bữa sáng... Bên cạnh đó, còn do trẻ ít vận động, tập thể dục thể thao, thường xuyên xem tivi, điện thoại, chơi điện tử, đọc truyện..., ngủ đêm ít, ngủ ngày nhiều...
Để dự phòng béo phì ở trẻ nhỏ, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyên với trẻ đang tuổi bú mẹ, trẻ bú sữa mẹ ít có nguy cơ béo phì hơn sữa bò. Ngoài ra, cần cho trẻ ăn bổ sung hợp lý. Gia đình nên tạo cho trẻ thói quen ăn rau từ nhỏ, không cho trẻ ăn quả ngọt, uống nước ngọt...
Đối với trẻ lớn, cha mẹ nên giáo dục cho trẻ lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, năng vận động, luyện tập thể dục, thể thao. Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ để có thể can thiệp kịp thời, tránh béo phì.
Trẻ bị béo phì cần tránh uống các loại nước ngọt có ga, hạn chế các loại bánh kẹo ngọt, kem, mứt, chocolate, sữa đặc có đường... Bố mẹ không nên dự trữ các loại thức ăn giàu năng lượng như bơ, bánh kẹo, nước ngọt trong nhà... Một điều cần lưu ý trẻ dưới 12 tuổi không dùng thuốc giảm béo, BS Hưng cho biết.