Ăn hàu như thế nào cho an toàn và bổ dưỡng?
(Dân trí) - Hàu là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách, hàu tiềm ẩn nguy cơ gây hại bởi chúng dễ nhiễm các vi sinh vật, vi khuẩn, virus.
Theo Foodnetword, hàu là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, rất có lợi cho sức khỏe. Nhưng đi đôi với lợi ích, hàu cũng được coi là thực phẩm có khả năng gây nguy hiểm bởi chúng dễ nhiễm các vi sinh vật như vi khuẩn và virus, do trong hàu có hàm lượng protein và độ ẩm cao.
Những rủi ro khi ăn hàu sống
Một loại vi khuẩn từng được tìm thấy trong hàu là Vibrio vulnifucus. Loại vi khuẩn này sống tự nhiên ở các vùng nước ven biển, nơi hàu sinh sống, như vịnh Mexico.
Vi khuẩn có thể tập trung trong các mô của hàu. Những người có hệ thống miễn dịch yếu, bao gồm người lớn tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, người mang thai và cho con bú, những người dùng thuốc... là những người có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh bởi vi khuẩn Vibrio vulnificus nhất.
Các triệu chứng nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus bao gồm tiêu chảy ra máu kèm theo co thắt dạ dày, buồn nôn, nôn mửa và sốt.
Vibrio vulnificus cũng có thể gây nhiễm trùng vết thương gây đe dọa tính mạng.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC của Mỹ ước tính rằng có khoảng 1/5 số người chết vì nhiễm trùng vi khuẩn này, thậm chí chỉ sau 1-2 ngày bị bệnh. Vi khuẩn Vibrio vulnificus có thể dẫn đến viêm cân mạc hoại tử, là bệnh nhiễm trùng nặng khiến vùng tổn thương hoại tử.
Một mầm bệnh khác cũng được tìm thấy trong hàu sống là Norovirus. Loại virus này lây truyền qua thực phẩm hoặc cũng có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm, hay khi chạm vào bề mặt bị nhiễm virus này rồi đưa tay chưa rửa sạch lên miệng.
Các triệu chứng sẽ bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau dạ dày, sốt, nhức đầu và đau nhức toàn thân.
Các triệu chứng này thường xuất hiện từ 12-48h sau khi nhiễm Noravirus. May mắn, hầu hết mọi người sẽ khỏi bệnh từ 1-3 ngày, nhưng nguy cơ lây lan virus vẫn còn trong vài ngày sau đó.
Cách ăn hàu an toàn
Bất cứ ai ăn hàu sống đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn và virus, gây nguy cơ cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tử vong.
Vì thế, những người có hệ thống miễn dịch yếu nên hạn chế ăn hàu sống và chỉ nên ăn hàu khi đã nấu chín.
Thực phẩm nếu bị nhiễm vi khuẩn hay virus gần như không thể nhận ra, thậm chí chúng vẫn có vị hay màu sắc như bình thường.
Cách tốt nhất để bạn tránh được việc nhiễm vi khuẩn hay virus từ hàu là nấu chúng ở nhiệt độ nấu ăn tối thiểu, ít nhất là trên 60 độ C.
Tại Việt Nam cũng từng ghi nhận một số trường hợp nhiễm khuẩn do ăn hàu sống, thậm chí có trường hợp tử vong.
Theo đó, một bệnh nhân 65 tuổi ở Quảng Ninh được đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều, đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều, sốt cao, mệt nhiều, nổi nhiều ban trên da sau khi ăn hàu sống.
Kết quả xét nghiệm cấy máu cho thấy bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus do ăn hàu sống. Bệnh nhân cũng có tiền sử xơ gan, dù được chăm sóc, điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.
Hay tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng từng tiếp nhận trường hợp người đàn ông 59 tuổi ở Hải Phòng trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.
Trước khi vào viện, bệnh nhân có ăn hải sản tái, nấu chưa kĩ và xuất hiện đau vùng thượng vị và quanh rốn, nôn và tiêu chảy nhiều lần kèm sốt cao 39-40 độ C. Sau vài giờ bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng (hôn mê, suy hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, rối loạn đông máu và chuyển hóa nặng), kèm theo tình trạng nổi ban phỏng nước, xuất huyết, hoại tử diện rộng da, cân, cơ vùng tứ chi.
Kết quả cấy máu bệnh nhân cho thấy dương tính với V. vulnificus. Mặc dù đã được điều trị kháng sinh mạnh ngay từ đầu, thở máy, lọc máu liên tục, thuốc vận mạch nâng huyết áp và các biện pháp điều trị hồi sức tích cực khác nhưng bệnh vẫn nặng lên nhanh chóng, tiên lượng tử vong, gia đình xin cho bệnh nhân về.
Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra viêm ruột cấp tính, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn toàn thân và có thể dẫn đến tử vong. Vi khuẩn này sống ký sinh trong hải sản như: cá, cua, tôm, sò, ốc, hàu, hà… của vùng nước lợ và nước mặn. Ngoài ra, nó còn được tìm thấy trong cát, bùn, nước biển bị ô nhiễm.
TS.BS Vũ Viết Sáng, Khoa Hồi sức truyền nhiễm, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, trường hợp như bệnh nhân này không phải là cá biệt. Khoa vẫn tiếp nhận một số bệnh nhân nhiễm trùng máu do vi khuẩn Vibrio vulnificus (V. vulnificus). Các trường hợp nhiễm khuẩn này từ hải sản sống, chưa nấu chín đều rất nặng nề.
Vì thế, để an toàn và bổ dưỡng nhất, nên ăn hàu, hải sản đã được nấu chín.