Có những dấu hiệu này chứng tỏ ung thư vú tái phát, di căn

(Dân trí) - Ung thư vú khi tái phát, di căn việc điều trị sẽ rất khó khăn. Vì thế, nếu chị em thấy xuất hiện u cục cứng ở vùng đã mổ, da trên vú phù nề viêm đỏ, sẹo mổ không liền, chóng mặt…, cần đi khám ngay.

Ung thư vú tái phát là khi ung thư quay trở lại sau điều trị ban đầu. Nó có thể tái phát bất kỳ thời điểm nào tại chỗ, tại vùng, có thể di căn các tạng (hạch, xương, gan, phổi, não...). Khi ung thư tái phát di căn thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn. 

Triệu chứng ung thư vú tái phát tại chỗ 

- Khối u cục cứng tại vùng vú đã phẫu thuật. 

- Da trên vú co rút hay phù nề, viêm đỏ. 

- Xuất hiện 1 hay nhiều khối u không đau sờ rắn dưới da. 

- Tiết dịch, rỉ nước hoặc sẹo mổ không liền. 

Có những dấu hiệu này chứng tỏ ung thư vú tái phát, di căn - 1
Ung thư vú có thể chữa khỏi 100% nếu được phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng.

Triệu chứng ung thư vú di căn

- Sờ thấy hạch vùng cổ, vùng trên xương đòn, cứng, ít di động.

- Sờ thấy hạch vùng nách cùng bên hay đối bên.

- Đầy bụng, khó tiêu.

- Đau tức bụng, đau đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác....

Những trường hợp có nguy cơ cao tái phát, di căn gồm: di căn nhiều hạch, khối u lớn, độ mô học lớn, không xạ trị sau phẫu thuật bảo tồn hay khi có u lớn, di căn hạch.

Ung thư vú, đặc biệt là ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính thì tổn thương tái phát rất hay gặp đầu tiên ở vị trí xương. Khi tái phát di căn xương thì thường ở vị trí số lượng hạn chế, một vài vị trí có thể một vài đốt sống.

TS.BS Nguyễn Diệu Linh, Phó Trưởng khoa Khám bệnh Tân Triều khuyên bệnh nhân ung thư vú tái phát di căn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn kịp thời. Tùy vào sức khỏe bệnh nhân, giai đoạn và phương pháp điều trị trước đây, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp. 

Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất. 

Có những dấu hiệu này chứng tỏ ung thư vú tái phát, di căn - 2
Các dấu hiệu của bệnh ung thư vú.

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh điều trị ung thư vú nên tái khám 3 tháng/lần trong 2 năm đầu và 6 tháng/lần trong 3 năm tiếp theo để phát hiện và kịp thời điều trị. 

TS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K khuyến cáo để ngăn ngừa bệnh, chị em hình thành thói quen tập luyện thể dục đều đặn, xây dựng chế độ ăn uống hợp lí giàu rau, củ quả, cá... Chị em nên duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) sau mãn kinh ở mức 22,9.

Ngoài ra, với những trường hợp có tiền sử gia đình mắc ung thư vú như mẹ, chị em gái trong nhà và khi xét nghiệm gen ung thư vú (cụ thể gen BRCA1, BRCA2) dương tính thì nên đi khám định kỳ sớm hơn và thậm chí chụp cộng hưởng từ thay vì chụp nhũ ảnh để phát hiện ung thư vú.

Phương pháp sàng lọc ung thư vú có hiệu quả nhất là chụp nhũ ảnh (chụp X-quang tuyến vú). Chi phí thấp nhưng nó có thể phát hiện ra khối u vú từ rất nhỏ. Đây là phương pháp sàng lọc chuẩn để phát hiện ung thư vú và được khuyến cáo cho các chị em phụ nữ. Các phương pháp có thể kết hợp như xét nghiệm dấu ấn ung thư CA15-3, siêu âm vú, kết hợp khám vú lâm sàng, sinh thiết.

Tất cả chị em phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành nên tầm soát ung thư. Việc này càng trở nên cấp thiết hơn với chị em trên 40 tuổi, vì đây là độ tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất.

Nam Phương