1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ai nên tập Nội dương công

Khí công là một phương pháp rèn luyện thân thể và tâm thể hết sức độc đáo của y học cổ truyền phương Ðông, có công dụng bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.

Khí công là một phương pháp rèn luyện thân thể và tâm thể hết sức độc đáo của y học cổ truyền phương Ðông, có công dụng bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Các phương pháp khí công là hết sức phong phú và mỗi phương pháp đều có những nét đặc sắc riêng.

Việc lựa chọn một phương pháp khí công phù hợp cần phải căn cứ vào đặc điểm thể chất, tình hình bệnh tật, điều kiện địa lý khí hậu và hoàn cảnh sinh hoạt của từng cá thể. Bài viết này xin được giới thiệu với độc giả “Nội dưỡng công” - một phương pháp khí công thích hợp với mùa xuân.

Nội dưỡng công là một trong những phương pháp chủ yếu thuộc thể loại tĩnh công, nghĩa là khi luyện công, cơ thể hoàn toàn bất động. Nói là cơ thể bất động nhưng kỳ thực khi luyện tập, tạng phủ kinh lạc bên trong lại vận động rất mạnh mẽ, cho nên tĩnh công trên thực tế là ngoại tĩnh nội động.

Ai nên tập Nội dưỡng công?

Cũng như các phương pháp khí công khác, thông qua điều thân, điều tức và điều tâm khiến cơ thể thư giãn, hô hấp điều hòa và tâm tưởng điềm tĩnh, nội dưỡng công có công dụng bồi bổ nguyên khí, phù chính khu tà, điều hòa âm dương khí huyết, thông kinh hoạt lạc và nâng cao năng lực hoạt động của các tạng phủ, từ đó mà đạt được mục đích phòng chống bệnh tật và bổ dưỡng sức khỏe.

Nội dưỡng công đặc biệt tốt cho những người mắc các bệnh lý như lao phổi, khí phế thũng, viêm loét dạ dày - tá tràng, sa dạ dày, viêm gan, viêm túi mật, viêm đại tràng mạn tính, tăng huyết áp, bệnh mạch vành tim, thiếu máu do thiếu sắt, suy nhược thần kinh, loãng xương, thống kinh cơ năng, liệt dương, di tinh, hội chứng tiền mãn kinh...

Nghiên cứu hiện đại cũng đã chứng minh khí công có tác dụng điều hòa và nâng cao năng lực hoạt động của tất cả các cơ quan trong cơ thể, phòng chống bệnh tật, phát triển trí tuệ và kích thích những tiềm năng vốn có của con người.

Ai nên tập Nội dương công - 1

Phương pháp luyện tập

Điều thân: Là cách thức khống chế tư thế và động tác của cơ thể. Có thể dùng cách nằm hoặc cách ngồi bằng tròn. Nếu nằm thì có thể nằm nghiêng, nằm ngửa hoặc nằm sấp, nhưng thông thường là nằm ngửa ngay ngắn trên giường, đầu hơi cúi về trước, hai mắt nhắm hờ, hai tay duỗi thẳng tự nhiên dọc theo thân mình, lòng bàn tay úp xuống, chân duỗi thẳng, hai gót khép lại, các ngón chân xòe ra tự nhiên.

Nếu ngồi thì ngồi ngay ngắn trên ghế, đầu hơi cúi về trước, hai mắt nhắm hờ, ngực nhô lưng thẳng, hai vai và khuỷu tay thả lỏng, ngón tay duỗi, lòng bàn tay úp xuống đặt trên đùi, hai chân cách nhau cùng tầm với vai, gối gấp 90 độ, bàn chân bám đất.

Điều tức: Là cách thức tự giác điều khiển hơi thở với yêu cầu thở bụng (hít vào phình ra, thở ra thót vào), thở nhẹ, tĩnh, đều, dài và từ từ đạt tới mức không nghe thấy tiếng thở. Đây là nội dung chính của nội dưỡng công. Có ba cách thở thường dùng:

Cách 1: Miệng hơi ngậm, thở bằng mũi, trước tiên hít vào thật sâu rồi ngừng thở giây lát, sau đó từ từ thở ra (hít vào - ngừng thở - thở ra), luân phiên đều đặn như vậy. Phối hợp với niệm câu từ, thông thường bắt đầu bằng câu có 3 chữ (khi hít vào niệm một chữ, khi ngừng thở niệm một chữ và khi thở ra niệm nốt chữ còn lại), sau đó tăng dần lên nhưng không nên quá 9 chữ. Câu gì cũng được nhưng nên chọn những câu có nội dung khỏe mạnh như: “Tự kỷ tĩnh”, “Nội tạng động, đại não tĩnh”, “Tự kỷ tĩnh tọa”, “Tự kỷ tĩnh tọa thân thể khỏe”, “Kiên trì luyện tập cơ thể sẽ khỏe mạnh”...

Câu từ niệm có tác dụng tập trung tư tưởng, dứt bỏ mọi ý nghĩ tản mạn, thông qua ám thị có thể dẫn đến những hiệu ứng sinh lý tương ứng với câu từ. Bởi vậy, cần tùy theo đặc điểm bệnh tật mà lựa chọn câu chữ, ví như người bị suy nhược thần kinh, làm việc trong điều kiện căng thẳng tâm lý... nên chọn câu “Tự kỷ tĩnh”, người bị bệnh lý đường tiêu hóa, ăn uống kém... nên chọn câu “Kiên trì luyện tập tỳ vị sẽ khỏe mạnh”. Cần chú ý khi hít vào thì lưỡi nâng lên chạm hàm ếch, khi thở ra thì lưỡi hạ xuống và khi ngừng thở thì lưỡi bất động.

Ai nên tập Nội dương công - 2

Cách 2: Thở bằng mũi hoặc thở bằng cả mũi và miệng, trước tiên hít vào, không nín thở mà từ từ thở ra, thở ra xong mới ngừng thở (hít vào - thở ra - ngừng thở), luân phiên đều đặn như vậy. Phối hợp với niệm câu từ như cách thứ nhất. Khi hít vào lưỡi nâng lên chạm hàm ếch, khi thở ra lưỡi hạ xuống và khi ngừng thở lưỡi bất động.

Cách 3: Thở bằng mũi, trước tiên ngừng thở giây lát, sau hít vào từ từ rồi lại ngừng thở, sau đó thở ra từ từ (ngừng thở - hít vào - ngừng thở - thở ra), luân phiên đều đặn như vậy. Cách thở này khá phức tạp, đòi hỏi phải luyện tập công phu hơn.

Điều tâm: Là cách thức tự giác khống chế hoạt động ý thức với yêu cầu cơ bản là dứt bỏ mọi lo nghĩ, toan tính để đạt được trạng thái “nhập tịnh”. Đây là điểm quan trọng trong luyện tập khí công và cũng là trở ngại lớn nhất khi mới tập luyện. “Nhập tịnh” đạt được thông qua “ý thủ”, thay những suy nghĩ tính toán lộn xộn thành những suy nghĩ có chọn lọc và tiến tới không suy nghĩ gì cả; “ý thủ” là tập trung tư tưởng vào một huyệt vị hoặc một bộ phận nào đó trong cơ thể, mà thường dùng nhất là đan điền. Trong nội dưỡng công, có 3 vị trí ý thủ thường dùng:

Đan điền: Đây là vị trí tương ứng với huyệt khí hải, nằm ở trên đường trục giữa cơ thể, dưới rốn 1,5 thốn đồng thân. Khi luyện tập chỉ cần tưởng tượng đan điền là một vùng tròn to hay một quả cầu bé nằm ở giữa vùng bụng dưới. Theo y học cổ truyền, đan điền là “sinh khí chi hải” (biển của sinh khí) có vai trò rất quan trọng trong nhân thể.

Đản trung: Là huyệt vị nằm ở điểm giữa đường nối hai đầu vú (nam giới), còn gọi là trung đan điền. Khi luyện tập có thể coi đó là một vùng tròn nằm ở giữa trước lồng ngực.

Dũng tuyền: Là huyệt vị nằm ở điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đường nối đầu ngón chân thứ hai (ngón trỏ) và bờ sau gót chân. Đây là nơi tàng chứa chân dương ở phía dưới của thận.

Những điều cần chú ý

Cần lựa chọn nơi tập luyện cho thích hợp, đảm bảo yên tĩnh, thông thoáng nhưng không bị gió lùa. Trước khi luyện tập 15 - 20 phút cần dừng mọi hoạt động thể lực và trí óc căng thẳng, đi vệ sinh và cởi bớt áo ngoài.

Người mới tập nội dưỡng công, mỗi ngày nên luyện một lần trong 10 - 15 phút; người đã tập thành thạo có thể luyện 2 - 3 lần trong ngày, mỗi lần từ 20 - 30 phút.

Trong thời gian tập nên sinh hoạt điều độ, không hút thuốc lá và uống rượu, tránh mọi căng thẳng tình cảm.

Sau khi tập xong, không nên vội đứng lên ngay hoặc cử động mạnh, dùng hai bàn tay xoa mặt, vuốt nhẹ hai mắt, sau đó từ từ trở lại hoạt động bình thường.

Không nên luyện công khi quá no hoặc quá đói, khi bị cảm mạo, tiêu chảy cấp tính và quá mệt mỏi cũng nên tạm ngừng tập luyện.

Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn

Sức khỏe & Đời sống