86% F0 nhập viện tại TPHCM đã tiêm vaccine Covid-19: Có bất thường?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng có nhiều trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn nhiễm bệnh nhập viện, thậm chí tử vong thì cũng không phải điều bất ngờ.

Gần đây, thông tin 86% bệnh nhân nhập các bệnh viện điều trị Covid-19 tầng 2 tại TPHCM đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, và 17 trường hợp tử vong dù đã tiêm đủ 2 mũi (thống kê trong hai ngày 10-11/11) được ngành y tế TPHCM công bố, khiến dư luận xôn xao. Câu hỏi đặt ra nhiều nhất là việc tiêm vaccine có thật sự giúp bảo vệ người dân khỏi đại dịch hay không?

Tiêm vaccine vẫn nhập viện, tử vong: Không bất ngờ!

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, khi đã phủ vaccine rất dày mà tỉ lệ người nhập viện đã tiêm vaccine cao không phải là điều bất ngờ. Điều đó chỉ thể hiện vaccine có hiệu quả bảo vệ, nhưng không phải 100%.

Cụ thể, khi hiệu quả bảo vệ không hoàn toàn, dù có trên 90% đi nữa nhưng nếu số người tiêm vaccine nhiều lên, mẫu số càng lớn thì tương ứng với số người mắc bệnh vẫn có khả năng lớn. Vì vậy, tỉ lệ người nhập viện có tiêm vaccine gia tăng không có gì lạ.

Theo chuyên gia, hiện nay có nhiều thông tin diễn giải sai, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các quốc gia khác.

Đơn cử như ở Anh, người ta dùng con số thống kê 72% F0 tử vong là người đã tiêm vaccine để đả kích việc tiêm chủng. Hay tại Singapore, số liệu ngày 14/10 ghi nhận, trong trong số những người chuyển nặng có 50% là những người đã tiêm vaccine, 50% chưa tiêm. Từ đó có người suy diễn rằng tiêm vaccine hay không thì tỉ lệ chuyển nặng vẫn giống nhau.

Nhưng thực tế, số người đã tiêm vaccine ở Singapore gấp 6 lần số người không tiêm. Điều này đồng nghĩa, dù cùng một biến cố nhưng người đã tiêm vaccine có hiệu quả bảo vệ gấp 6 lần.

86% F0 nhập viện tại TPHCM đã tiêm vaccine Covid-19: Có bất thường? - 1

Bên trong bệnh viện điều trị Covid-19 tại TPHCM (Ảnh: BVCC).

Do đó để tránh gây nhầm lẫn, chính phủ Singapore đã không còn thống kê riêng về số người đã tiêm vaccine trong các trường hợp tử vong, hay số tiêm vaccine trong những người chuyển nặng là bao nhiêu. Mà phân biệt rõ, trong những người có và không tiêm vaccine thì tỉ lệ tử vong là bao nhiêu.

"Nếu không tiêm vaccine, tỉ lệ chết gấp 10 lần so với được tiêm" - PGS Dũng khẳng định.

Cũng theo chuyên gia, người thống kê về dịch tễ học sẽ không nhìn vào con số tử vong đơn thuần để đánh giá. Trên mạng xã hội, nhiều hot facebooker, có sức ảnh hưởng mặc dù biết việc này nhưng vẫn cố lái mọi người suy nghĩ theo hướng bất lợi, để mọi người không tiêm vaccine. Nếu vaccine hoàn hảo 100%, không có ai tiêm xong bị bệnh và tử vong thì dịch đã hết từ lâu.

TPHCM đã cần tăng cấp độ dịch chưa?

PGS Dũng cho rằng, quan điểm về chống dịch thích ứng, an toàn và linh hoạt của lãnh đạo TPHCM trong tình hình hiện tại là rất đúng.

Trước thắc mắc liệu Thành phố đã cần tăng cấp độ dịch từ mức 2 (nguy cơ trung bình) sang mức 3 (nguy cơ cao) chưa, chuyên gia nói theo quan điểm của ông, muốn trả lời câu hỏi này phải phân tích tổng số người mắc Covid-19 và tử vong trên tổng số dân.

Riêng ông đặc biệt quan tâm đến tỉ lệ tử vong, và cho rằng tỉ lệ này ở TPHCM còn hơi cao. Cụ thể nếu như so sánh với Singapore, có tỉ lệ tiêm chủng tương đương nhưng số tử vong trên người mắc chỉ khoảng 2/1.000. Còn tại Việt Nam và TPHCM, tỉ lệ hiện tại là 2/100 (theo thống kê của Bộ Y tế đến ngày 15/11, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam chiếm 2,2% so với tổng số ca nhiễm).

Dù vậy, nếu thống kê số mắc là đúng thực tế (xét nghiệm ở những người có nguy cơ và có triệu chứng) thì 1.000-2.000 người mắc/ngày tại TPHCM không là quá cao. Nếu chia ra thì tỉ lệ mắc chỉ khoảng 120-130/100.000 dân, chưa vượt quá cấp độ dịch. Con số này vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia khác, như Singapore dân số chưa đến 6 triệu người nhưng số mắc có thể lên đến 4.000-5.000/ngày.

PGS Dũng thẳng thắn cảnh báo, hiện nay việc xét nghiệm hoặc chẩn đoán bệnh tại TPHCM có thể chưa được thực hiện đúng mức. Thực tế cho thấy, đã có trường hợp khai báo đã là F0 rồi nhưng vẫn chưa được tiếp cận với y tế, dẫn đến số cách ly hoặc được điều trị kịp thời không đúng.

86% F0 nhập viện tại TPHCM đã tiêm vaccine Covid-19: Có bất thường? - 2

F0 chuyển đi cách ly, điều trị tại TPHCM (Ảnh: BSCC)

Trở lại với tình hình dịch bệnh, PGS Dũng khẳng định với số ca mắc thống kê như hiện tại, TPHCM chưa cần phải tăng cấp độ dịch để siết chặt hơn kiểm soát, gây ảnh hưởng cho cả cộng đồng.

Thay vào đó, ông ủng hộ các biện pháp "cá thể hóa" và tăng cường phòng dịch cá nhân. Nghĩa là nếu cá nhân nào không đeo khẩu trang, không khai báo y tế khi đến chỗ đông người hoặc tụ tập đông người, chính quyền có thể cưỡng chế thi hành hoặc phạt nặng.

"Nếu dùng biện pháp như "đóng cửa lại nền kinh tế" thì sẽ gây trừng phạt cho toàn xã hội. Điều này chỉ nên thực hiện khi không thể khống chế dịch được nữa" - chuyên gia phân tích.

TPHCM cần làm gì từ nay đến Tết Nguyên đán

Có ý kiến lo ngại từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, học sinh có thể được đi học sau khi tiêm đủ vaccine, giao thương buôn bán và các hoạt động kinh tế - xã hội tăng, kéo theo nỗi lo về bùng phát dịch bệnh trở lại tại TPHCM. PGS Dũng tái khẳng định, các biện pháp kiểm soát dịch then chốt là tăng cường tiếp cận y tế cho người dân, để họ cảm giác không bị kỳ thị vì nhiễm bệnh mà chủ động hợp tác khai báo, điều trị.

Thứ hai là tăng cường phòng dịch cá nhân, đảm bảo 5K.

86% F0 nhập viện tại TPHCM đã tiêm vaccine Covid-19: Có bất thường? - 3

Tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Chuyên gia cũng cho rằng, chiến lược xét nghiệm rất quan trọng, giống như "viên đạn để bắn vào kẻ thù". Nếu bắn đúng nơi nào có nhiều mục tiêu thì mới tiêu diệt được. Ngược lại, xét nghiệm không đúng trọng tâm sẽ gây lãng phí và không hiệu quả.

"Trọng tâm là gì? Là làm sao cho những người có triệu chứng được tiếp cận với xét nghiệm và khẳng định xét nghiệm, sau đó tiếp cận y tế. Lúc đó họ sẽ an tâm khai đúng và từ đó con số thống kê mới đúng" - PGS Dũng lý giải.

Ngoài ra, thành phố cần có nghiên cứu, giám sát dịch tễ, đánh giá lại hiệu lực vaccine để nhận định xem người dân đã tiêm loại vaccine nào cần thiết phải tiêm mũi tăng cường, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi, người có nguy cơ cao hoặc lực lượng y tế tuyến đầu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm