81% F0 đã tiêm vaccine ở TPHCM không có triệu chứng, âm tính ở ngày thứ 7

Hoàng Lê

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng việc TPHCM đề xuất Bộ Y tế cho phép rút ngắn thời gian cách ly tập trung F0 là hợp lý trong tình hình hiện tại.

Tại cuộc họp báo thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TPHCM ngày 22/11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, trong số các trường hợp đã tiêm đủ 2 liều vaccine bị mắc Covid-19, có 81% F0 không có triệu chứng và có kết quả xét nghiệm âm tính ở ngày thứ 7, cũng như nhiều ngày sau đó đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Các trường hợp này thực chất như người khỏe mạnh bình thường.

Đây là lý do TPHCM kiến nghị Bộ Y tế cho phép địa phương thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7. 

Kiến nghị này được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng hiệu quả trong công tác chăm sóc, điều trị F0, duy trì mục tiêu hạn chế các trường hợp bệnh nặng và tử vong do Covid-19.

81% F0 đã tiêm vaccine ở TPHCM không có triệu chứng, âm tính ở ngày thứ 7 - 1

F0 tại TPHCM được đưa đi cách ly tập trung (Ảnh: BSCC).

Cách ly tập trung kéo dài: Nhiều tác hại

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, khái niệm cách ly tập trung không phải quốc gia nào cũng có. Những quốc gia như Âu Mỹ chỉ yêu cầu bệnh nhân cách ly, theo dõi tại nhà và sau đó nếu bệnh nặng thì đến bệnh viện, bệnh nhẹ vẫn được cho về nhà.

Còn tại các quốc gia Châu Á có tính chất xã hội cao như Singapore, Việt Nam có khuynh hướng cách ly tập trung với 2 mục đích: Giảm lây nhiễm cho những người xung quanh, gia đình, trong cộng đồng và theo dõi sớm được diễn tiến nặng của F0 để xử lý kịp thời.

Tuy nhiên theo chuyên gia, việc cách ly tập trung ở Việt Nam hiện tại còn hơi nhiều. Ở Singapore, dù có cách ly tập trung nhưng 80% F0 được cách ly tại nhà và được hỗ trợ từ lực lượng quân đội.

Cách ly tập trung nhiều sẽ dẫn đến chi phí xã hội lớn, tiêu tốn cho người chăm sóc, người theo dõi cũng như chi phí cho việc tìm nơi cách ly phù hợp. Thứ hai là gây quá tải cho cán bộ y tế, khi bệnh nhân chuyển nặng không đủ nhân lực xử trí.

Thứ ba, cách ly tập trung nhiều cũng làm F0 không hài lòng, không thoải mái vì không được tiện nghi như ở nhà, không tham gia làm việc được, nhất là với những nghề có thể làm việc từ xa (như nhân viên văn phòng, giảng viên, lập trình máy tính…). Ngoài ra, cách ly với thời gian quá dài (trước đây có thời điểm lên đến 21 ngày), F0 sẽ có tâm lý sợ và tìm cách trốn cách ly, không tự giác khai báo.

Do đó, chuyên gia nhận định, việc TPHCM đề xuất Bộ Y tế cho rút ngắn thời gian cách tập trung F0 là hợp lý, cần thiết trong tình hình hiện tại nhưng không nên quá ngắn.

81% F0 đã tiêm vaccine ở TPHCM không có triệu chứng, âm tính ở ngày thứ 7 - 2

Nhân viên y tế TPHCM đưa F0 có triệu chứng nặng đến khu điều trị, cách ly tập trung (Ảnh: BSCC).

Chuyên gia: Giữ cách ly trong 10 ngày rất quan trọng

Giảm thời gian cách ly tập trung tới đâu là hợp lý? PGS Dũng cho rằng, chỉ nên rút ngắn xuống 10 ngày, thay vì 7 ngày như đề xuất của Sở Y tế. Việc giữ cách ly tập trung trong 10 ngày rất quan trọng, không chỉ đối với việc phòng bệnh, mà còn là vấn đề theo dõi bệnh nhân nặng.

PGS Dũng lý giải, theo kinh nghiệm quốc tế, tất cả các quốc gia có cách ly tập trung đều thực hiện từ 10 ngày trở lên. Như ở Mỹ, hiện nay cách ly F0 trong 10 ngày, kể từ ngày có triệu chứng. Tại Singapore cũng cách ly 10 ngày với người đã tiêm vaccine đủ 2 mũi, kể từ ngày đầu tiên bệnh nhân có triệu chứng. Với người chưa tiêm đủ vaccine thì kéo dài đến 14 ngày.

Nghiên cứu trên những người bị Covid-19 cho thấy, từ ngày 10 phát bệnh trở đi khi đã bớt sốt, giảm hoặc không còn triệu chứng thì trong mũi họng không còn thấy virus phát triển, gây lây nhiễm được hoặc chỉ còn xác virus. Nhưng từ ngày 5-9 của bệnh, vẫn còn 30% mẫu bệnh phẩm chứa virus có khả năng lây nhiễm.

Với mục đích theo dõi tình trạng bệnh nhân, chuyên gia cho biết có khoảng 50% F0 xuất hiện triệu chứng nặng, khó thở từ ngày 7 trở đi. Lúc này nếu đã cho bệnh nhân về thì khó có thể xử lý được.

Chuyên gia đề nghị, nếu không cách ly tập trung thì thôi. Còn đã chọn cách ly F0, hãy cách ly tối thiểu 10 ngày. "Cách ly tập trung 7 ngày hơi ngắn so với thực tiễn" - PGS Dũng lặp lại nhận định.

Ngoài ra PGS Dũng cũng cho biết, không nên áp dụng tiêu chí xét nghiệm để đánh giá việc tiếp tục hay ngừng cách ly F0, mà phải dựa vào vấn đề lâm sàng của bệnh nhân.

Cụ thể, có vào 3 tiêu chuẩn để quyết định F0 có thể xuất viện, ngừng cách ly mà nhiều nước đã áp dụng. Thứ nhất: F0 đã cách ly từ ngày thứ 10 trở đi từ lúc có triệu chứng. Thứ hai: Hết sốt trong vòng 24 giờ dù không dùng thuốc hạ sốt. Thứ ba: các triệu chứng của Covid-19 đồng loạt giảm đi.

Giải thích điều này, PGS Dũng cho biết việc xét nghiệm Covid-19 ở Việt Nam là xét nghiệm RT-PCR để tìm RNA của virus. Có trường hợp đến 3 tuần sau khi xét nghiệm hoặc dài hơn vẫn tìm được RNA. Nếu dùng xét nghiệm này, có thể "nhốt" bệnh nhân trong khu cách ly thời gian dài.

81% F0 đã tiêm vaccine ở TPHCM không có triệu chứng, âm tính ở ngày thứ 7 - 3

Chuyên gia cho rằng không nên áp dụng tiêu chí xét nghiệm để đánh giá việc tiếp tục hay ngừng cách ly F0 (Ảnh minh họa: BSCC).

Nhận định về đề xuất của TPHCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, chuyên gia truyền nhiễm, đồng tình việc rút ngắn thời gian cách ly sẽ tốt hơn về tâm lý cho bệnh nhân, cũng như giảm tải gánh nặng cho ngành y tế. Riêng về thời gian, ông cho rằng với F0 hoàn toàn không có triệu chứng, đã tiêm 2 mũi vaccine và đã có xét nghiệm âm tính thì chỉ cách ly 7 ngày cũng được.

Theo ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, một số nghiên cứu được đăng tải trên website của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có phân tích nguy cơ lây truyền liên quan đến triệu chứng khởi phát. Theo đó, nguy cơ lây truyền ước tính là cao nhất ở khoảng thời gian khởi phát triệu chứng và trong 5 ngày đầu tiên của bệnh.

Trong một nghiên cứu của Sia và các cộng sự, những con chuột bị nhiễm SARS-CoV-2 được nhốt chung với những con khỏe mạnh vào ngày một hoặc ngày 6 sau khi nhiễm bệnh. Kết quả cho thấy, sự lây truyền sang chuột khỏe mạnh xảy ra ở nhóm ngày một, nhưng không xảy ra ở nhóm tiếp xúc ngày 6 sau khi nhiễm.

Bác sĩ Vân Anh cho rằng, dù có cơ sở để áp dụng rút ngắn thời gian cách ly, nhưng điều kiện cần và đủ là việc bệnh nhân đã tiêm đủ 2 liều vaccine, mũi 2 tiêm trước khi nhiễm bệnh ít nhất 14 ngày. Ngoài ra, phải có đủ thuốc kháng virus, cũng như thực hiện nghiêm túc việc phát thuốc và giám sát F0 uống thuốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm