TPHCM:

80% cơ sở cung cấp thức ăn sử dụng hóa chất từ chợ “thần chết”

(Dân trí) - Những giải pháp để ngăn chặn tình trạng buôn bán hóa chất, phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên (TPHCM) đang thực hiện “nửa vời”. Thiếu chế tài xử lý nên người bán kẻ mua vẫn vô tư đưa hóa chất vào bữa ăn của người dân.

Đó là một trong những vấn đề trọng tâm được các chuyên gia trong lĩnh vực An toàn thực phẩm đề cập tại Hội thảo quản lý an toàn thực phẩm do Ban Văn hóa - Xã hội TPHCM tổ chức trong tuần qua.

Kim Biên, là ngôi chợ đóng trên địa bàn TPHCM lâu nay đã nổi tiếng với tên gọi chợ mua bán “thần chết”. Trước nỗi lo, tình trạng buôn bán hóa chất, phụ gia thực phẩm lẫn lộn, tràn lan, cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành quy hoạch chợ. Từ quy mô hơn 100 sạp ban đầu, đến nay chợ Kim Biên chỉ còn 19 sạp (trong chợ) buôn bán hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm, hương liệu.

Có tới 80% các cơ sở cung cấp thức ăn sử dụng hóa chất, phụ gia tại chợ Kim Biên
Có tới 80% các cơ sở cung cấp thức ăn sử dụng hóa chất, phụ gia tại chợ Kim Biên

Với mục đích tách biệt hoàn toàn giữa hóa chất công nghiệp với các loại hương liệu, phụ gia thực phẩm, tạo cơ sở để quản lý chặt chẽ đối với các mặt hàng này, tránh nguy hại cho cộng đồng, thành phố đã quy hoạch Trung tâm kinh doanh hương liệu hóa chất tại quận 8. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng hiện vẫn đang ở giai đoạn “đề án” vì vậy chợ Kim Biên sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi trung tâm đi vào hoạt động.

Thời gian qua, các sở ngành liên quan đã triển khai nhiều kế hoạch nhằm giảm thiểu tình trạng các loại hóa chất công nghiệp, hóa chất - phụ gia thực phẩm hương liệu mua bán lẫn lộn, tràn lan như khuyến cáo tách biệt hóa chất công nghiệp với các loại hóa chất, phụ gia sử dụng trong thực phẩm; yêu cầu người mua phải chứng minh mục đích sử dụng; người bán phải có chuyên môn, phải tư vấn về tác dụng, sự nguy hiểm, liều lượng sử dụng của hóa chất, phụ gia...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm - y tế thì các giải pháp thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước còn “nửa vời” nên hóa chất tại chợ Kim Biên vẫn là hiểm họa đối với sức khỏe cộng đồng. Phân tích của TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng, TPHCM chỉ ra: Khoảng 13 triệu dân thành phố đang khốn khổ vì hóa chất chợ Kim Biên nhưng các giải pháp quản lý mới chỉ dừng lại ở vận động trên tinh thần tự nguyện, chưa có quy định mang tính bắt buộc và chế tài xử lý. Hiện các giải pháp vận động mới chỉ bước đầu được hưởng ứng tại các sạp trong chợ, thực tế tình trạng mua bán vô tội vạ vẫn diễn ra ở các sạp phía ngoài chợ.

Ngộ độc thực phẩm đang là nỗi lo của người dân trong mỗi bữa ăn
Ngộ độc thực phẩm đang là nỗi lo của người dân trong mỗi bữa ăn

Bà Lý Kim Chi Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lưng thực thực phẩm thành phố, cảnh báo: Khảo sát sơ bộ tại các cơ sở kinh doanh, chế biến thức ăn sẵn, suất ăn công nghiệp, thức ăn đường phố... cho thấy, có tới 80% cơ sở sử dụng hóa chất làm mềm để ninh nhừ thịt xương, sử dụng chất tạo màu, hương liệu phụ gia có nguồn gốc tại chợ Kim Biên. Tuy nhiên, việc mua bán tại chợ có được hướng dẫn hay không? hướng dẫn có đúng hay không, ai giám sát? sử dụng như thế nào...? tất cả đều chưa rõ ràng.

Trước thực tế trên, TS Lê Trường Giang đề xuất: Hóa chất phụ gia thực phẩm phải được sản xuất, chế biến, kinh doanh trong cơ sở thực phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây là mặt hàng có thể gây nguy hại đối với sức khỏe người sử dụng, để phân biệt hóa chất phụ gia thực phẩm với hóa chất sử dụng trong công nghiệp cần phải đưa các mặt hàng này vào danh mục những sản phẩm kinh doanh có điều kiện với các chế tài xử lý nghiêm minh nếu người bán, người mua, người sử dụng sai phạm.

Bên cạnh việc đề nghị thành phố nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện Trung tâm kinh doanh phân bối hóa chất, nguyên liệu phụ gia tập trung, bà Kim Chi cho rằng Ban quản lý chợ phải chịu trách nhiệm khi để các mặt hàng hóa chất, phụ gia thực phẩm bán tràn lan. Cần truy tố đối với tội phạm về an toàn thực phẩm và những người đứng đầu cơ quan quản lý địa phương nếu liên quan đến hành vi bao che, lợi ích nhóm, hoặc cá nhân.

Các ý kiến trên đã được bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân thành phố ghi nhận. Cùng với các giải pháp đã và đang triển khai, bà Nhung cho biết, thành phố đang thí điểm mô hình ban Quản lý An toàn Thực phẩm. Bà Nhung kỳ vọng với những tham mưu mang tính chiến lược của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm cho UBND thành phố, thời gian tới, các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm trên toàn thành sẽ có những bước tiến tích cực để bảo vệ sức khỏe cho toàn dân.

Vân Sơn