70% phòng học ở TP.HCM thiếu sáng hoặc quá chói

“Học sinh (HS) rất dễ bị cong vẹo cột sống nếu sử dụng bàn ghế không phù hợp với chiều cao”.

Trẻ bị tăng huyết áp do thừa cân, béo phì Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học Tăng giám sát béo phì ở học sinh

Sáng 21/8, ThS Vũ Xuân Đán, Trưởng khoa Vệ sinh lao động-Sức khỏe trường học thuộc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường (Sở Y tế TP.HCM), cho Pháp Luật TP.HCM biết thông tin trên.

Theo ông Đán, bàn ghế kê sát tường hoặc sát bảng, HS ngồi ở vị trí thiếu sáng hoặc quá chói sẽ bị tật khúc xạ mắt, ảnh hưởng tầm nhìn.

Chưa hết, nồng độ khí CO2 trong phòng lạnh cao hơn quy chuẩn cho phép dễ khiến HS bị buồn nôn, nôn và ngất, lâu dài ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Học trong phòng máy lạnh còn dễ có nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường hô hấp, tay-chân-miệng… Bên cạnh đó, tiếng ồn vượt chuẩn cho phép khiến HS thiếu tập trung nghe giảng, thầy cô phải nói lớn dễ mất sức.

BS chuyên khoa đang khám tật khúc xạ mắt cho học sinh. Ảnh: TRẦN NGỌC
BS chuyên khoa đang khám tật khúc xạ mắt cho học sinh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Trong sáu tháng đầu năm 2016, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường TP.HCM khảo sát 146 lớp học của 31 trường thuộc bốn quận 3, 5, 11, Tân Phú và huyện Củ Chi.

Kết quả ghi nhận chưa có nhiều cỡ bàn ghế phù hợp với chiều cao của HS. Cách kê bàn ghế chưa đúng, một số trường còn đặt bàn ghế sát tường và sát bảng. Chưa hết, chỉ 30% phòng học có chỉ số ánh sáng đạt đồng đều. Trong khi 70% phòng học còn lại ánh sáng không đồng đều nên vẫn còn HS phải ngồi ở vị trí thiếu sáng hoặc quá chói do gần cửa sổ.

Kết quả khảo sát còn ghi nhận 77% phòng học và 75% phòng chức năng sử dụng máy lạnh có nồng độ khí CO2 cao hơn mức tiêu chuẩn. Ngoài ra, 71% phòng học có tiếng ồn (gần công trình xây dựng, gần đường sá giao thông) cao hơn so với quy định.

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM