1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

70% hệ miễn dịch của cơ thể tại vị trí này

Nam Phương

(Dân trí) - Hệ vi sinh đường ruột gồm các vi khuẩn, virus, nấm sống dọc chiều dài khoảng 7,5m của đường ruột. Nó giúp duy trì hàng rào, tiêu diệt vi khuẩn có hại, hình thành đáp ứng miễn dịch.

Chia sẻ tại chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới diễn ra tại Hà Nội sáng 29/5, PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, sức khỏe tiêu hóa đóng vai trò rất quan trọng đối với sức đề kháng và sức khỏe của cơ thể con người. Đặc biệt, hệ đường ruột được xem như người gác cổng, hàng rào đường ruột, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho cơ thể. 

Theo PGS Dương, hệ vi sinh đường ruột gồm các vi khuẩn, virus, nấm sống dọc chiều dài khoảng 7,5m của đường ruột, giúp duy trì hàng rào đường ruột, tiêu diệt vi khuẩn có hại, hình thành đáp ứng miễn dịch. Hàng rào ruột khỏe mạnh được bao phủ bởi lớp niêm mạc nhày, chúng tạo nên hàng rào vật lý và sinh hóa ngăn các vi sinh vật gây hại và các chất độc xâm nhập, trong khi cho phép các chất dinh dưỡng có lợi hấp thu. 

70% hệ miễn dịch của cơ thể tại vị trí này - 1

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: T.M).

"Các nhà khoa học đã thấy thiếu chất xơ trong chế độ ăn sẽ ăn mòn hàng rào niêm mạc nhày, khiến chúng ta dễ mắc các vi khuẩn gây bệnh. Khoảng 70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm tại ruột, trong thành ruột có khu vực đặc biệt sản xuất và dự trữ tế bào miễn dịch giúp giám sát miễn dịch những chất đi qua ruột. Chúng nhận ra, xác định và trung hòa bất kỳ chất gây hại trên đường vào cơ thể", PGS Dương phân tích. 

Theo ông, tế bào miễn dịch trong ruột tương tác với hệ vi khuẩn ruột và trực tiếp tác động bởi chế độ ăn và lối sống của cá thể. Chế độ dinh dưỡng tốt rất quan trọng đối với hệ vi khuẩn đường ruột và tăng chức năng miễn dịch.

Chế độ ăn cân đối, lối sống lành mạnh có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch trong khi chế độ ăn nghèo nàn có thể làm giảm hệ thống miễn dịch làm dễ mắc nhiễm trùng. Chế độ ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cần cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Các nhà dinh dưỡng học khuyến cáo cung cấp các chất dinh dưỡng từ thực phẩm cung cấp chất đạm, chất béo tốt, chất chống oxy hóa và các vitamin và chất khoáng cần thiết cho hệ miễn dịch hoạt động tốt. Trong các thực phẩm lành mạnh hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa, có thể kể đến sữa chua.

70% hệ miễn dịch của cơ thể tại vị trí này - 2

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: T.M).

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết thêm, hệ tiêu hóa đóng góp đến 70% hệ miễn dịch, giúp sản sinh kháng thể tốt cho cơ thể, hệ tế bào lympho đường ruột cũng tham gia vào quá trình chống nhiễm trùng. 

"Vào mùa hè, thời tiết thay đổi thất thường khi nắng khi mưa, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa. Vì thế, ngoài việc hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, trẻ cũng hay gặp các vấn đề rối loạn tiêu hóa", PGS Lâm nói. 

Theo PGS Lâm, tình trạng rối loạn tiêu hóa có thể cấp, sau đó có thể trở thành mãn tính nếu không chăm sóc dinh dưỡng tốt. Đặc biệt, tại nước ta nhiều cha mẹ khi thấy con bị viêm mũi họng tự ý mua thuốc kháng sinh về cho con uống, dẫn đến nhờn thuốc, từ đó dẫn đến rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Bên cạnh đó, trẻ không ăn đủ rau, không uống đủ nước cũng hay bị táo bón… 

Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới năm 2023 với chủ đề Khỏe tiêu hóa, khỏe đề kháng do báo Sức khỏe và Đời sống cùng Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp tổ chức. Mục đích nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức đề kháng, sức khỏe tổng thể và cách chăm sóc sức khỏe tiêu hóa, nâng cao sức khỏe cộng đồng.