7 thực phẩm gây hại cho thận
(Dân trí) - Thận phải làm việc rất vất vả. Lọc và bài tiết chất thải trong máu chỉ là khởi đầu. Thận còn duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể cũng như giải phóng các hoóc-môn tạo hồng cầu, đảm bảo sức khỏe của xương và điều hòa huyết áp.
Chúng ta, vô tình hay hữu ý, vẫn đặt nhiều gánh nặng lên thận, thông qua chế độ ăn, thuốc men và độc tố môi trường. Hệ quả có thể là một cuộc chiến với ung thư thận, sỏi thận, bệnh thận đa nang hoặc thậm chí suy thận.
Một số căng thẳng đối với thận là không thể tránh được, và vì chúng được thiết kế để xử lý độc tố, nên chúng ta có thể tin tưởng rằng thận rất bền bỉ. Nhưng bất kỳ cơ quan nào cũng có thể trở nên quá tải và bị tổn thương.
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết có rất nhiều thực phẩm có thể gây hại cho thận, thậm chí cả những thực phẩm được coi là lành mạnh. Hãy chắc chắn rằng bạn không quá lạm dụng bất kỳ thứ nào trong 7 loại thực phẩm sau đây.
Hạt có vỏ cứng
Nếu bạn dễ bị sỏi thận, các loại hạt vỏ cứng không phải là một món ăn vặt tốt. Chúng chứa một loại khoáng chất gọi là oxalat, được tìm thấy trong loại sỏi thận phổ biến nhất. Nếu bạn đã từng bị sỏi thận, hãy bỏ qua tất cả các loại hạt có vỏ cứng.
Đối với những người khỏe mạnh, cần chú ý đến việc ăn các thực phẩm có chứa oxalate, chẳng hạn như rau bina, củ cải đường, khoai tây chiên, và bột cám.
Một số trong những mặt hàng này, bao gồm hạt vỏ cứng, có thể là những thực phẩm bổ sung rất lành mạnh cho chế độ ăn. Nhưng như với tất cả mọi thứ, sự cân bằng là chính chìa khóa. Hãy chọn nhiều loại rau xanh thay vì chỉ rau bina, và chỉ ăn các loại hạtvỏ cứng ở mức vừa phải.
Quả bơ
Chúng ta biết rằng chất béo trong quả bơ là loại chất béo tốt. Tuy nhiên, quả bơ cũng chứa nhiều kali, là chất kiểm soát chất lỏng, cân bằng điện giải và độ pH. Thận dựa vào sự cân bằng hợp lý giữa kali và natri để thực hiện công việc của mình đúng cách; quá nhiều một trong hai chất chất sẽ gây ra những rắc rối.
Tăng kali máu xảy ra ở những người mắc bệnh thận tiến triển. Nó thường gây buồn nôn, yếu, tê và nhịp tim chậm. Rất may là bạn không cần lo lắng quá nhiều về quả bơ hoặc kali nếu bạn không có bệnh thận từ trước. Hầu hết chúng ta không nhận được đủ kali trong chế độ ăn hàng ngày.
Caffein
Đây là một điều khó khăn nếu một tách cà phê hoặc trà buổi sáng là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của bạn. Soda và nước tăng lực cũng nguy hiểm tương tự nếu bạn đã có vấn đề với thận. Các nghiên cứu cho thấy tiêu thụ caffein lâu dài có thể làm nặng thêm bệnh thận mãn tính và có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận.
Caffein là một chất lợi tiểu nhẹ, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ nước của thận. Với số lượng hợp lý, cà phê sẽ không ngăn cản thận của bạn tiếp cận đủ nước để thực hiện công việc của mình, nhưng vượt quá có thể là một vấn đề.
Caffein cũng kích thích lưu lượng máu và do đó làm tăng huyết áp. Một lần nữa, không phải là vấn đề nếu bạn có huyết áp bình thường, nhưng đây sẽ là điều bạn cần để ý nếu bị huyết áp cao.
Sản phẩm sữa
Các sản phẩm sữa, bao gồm sữa, phô mai và sữa chua, chứa nhiều canxi và làm tăng mức canxi trong nước tiểu. Điều này đã được liên hệ với nguy cơ sỏi thận cao hơn.Đối với những người đã bị bệnh thận, việc giảm tiêu thụ sữa được thấy là giúp cho việc lọc của thận được thực hiện dễ dàng hơn. Điều này có thể trì hoãn sự cần thiết phải lọc máu.
Bơ là một sản phẩm sữa có nhiều chất béo bão hòa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Thật không may, bệnh tim là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh thận và bệnh thận có những nguy cơ tương tự đối với tim. Hãy chuyển sang dầu ô liu và rắc kèm gia vị từ thảo mộc lên bánh mì và rau thay thế để giảm sự phụ thuộc vào bơ.
Muối
Natri hoạt động kết hợp với kali để duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể, điều này rất quan trọng để thận thực hiện tốt chức năng. Nhưng hầu hết chúng ta có quá nhiều natri trong chế độ ăn, cho dù có không rắc thêm muối tại bàn. Các sản phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối hơn bạn tưởng.
Quá nhiều natri sẽ làm cho thận phải giữ nước để pha loãng muối trong máu, gây gánh nặng không đáng có cho thận.Thói quen ăn mặn lâu dài làm tăng huyết áp và thực sự có thể gây hại cho cầu thận, cấu trúc hiển vi có chức năng lọc chất thải. Hãy ăn thực phẩm tươi càng nhiều càng tốt để kiểm soát lượng muối.
Thịt
Thịt chứa một lượng protein đáng kể. Protein rất quan trọng đối với quá trình tăng trưởng và sức khỏe của cơ bắp, nhưng chuyển hóa nó là một trong những công việc khó khăn nhất mà thận phải làm.Một chế độ ăn giàu protein từ động vật cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận. Vì những lý do đó, chế độ ăn giàu protein không được khuyến nghị cho những người mắc bệnh thận.
Thịt, đặc biệt là thịt nội tạng như gan, cũng có nồng độ purin cao. Purin kích thích sản xuất axit uric, một chất thải thường được thận xử lý. Quá nhiều sẽ là quá sức và có thể gây ra sỏi.
Đường nhân tạo
Nếu bạn đang dựa vào đường nhân tạo trong nỗ lực giảm lượng đường tiêu thụ, thì thực ra bạn không làm được gì cho cơ thể. Tuy các ý kiến còn chưa thống nhất về độ an toàn chung của những chất thay thế đường này, song chúng ta biết rằng chỉ cần hai lon soda ăn kiêng mỗi ngày sẽ gây suy giảm chức năng thận.
Một số nghiên cứu đã kết luận rằng những người sử dụng đường nhân tạo trong đồ uống không thực sự hấp thu ít đường hơn, nhưng nếu bạn vẫn muốn sử dụng chất thay thế đường, thì stevia là lựa chọn tốt nhất của bạn.
Stevia là một chất chiết xuất từ cỏ ngọt, loại thảo dược tự nhiên đã được sử dụng ở Nam Mỹ trong hàng trăm năm mà không có tác dụng phụ được báo cáo.
Mỗi loại thực phẩm và phụ gia thực phẩm trong danh sách trên tốt nhất ăn ở mức độ vừa phải vì gánh nặng mà chúng đặt lên thận. Hầu hết chúng không nhất thiết sẽ gây nguy hiểm nếu bạn có chức năng thận khỏe mạnh, nhưng chắc chắn chúng không được khuyên dùng cho những người đã có chẩn đoán mắc bệnh thận.Và bởi vì thận đóng vai trò quan trọng trong việc giải độc cơ thể, nên việc chăm sóc thận trong khi bạn có thể luôn là điều tốt.
Cẩm Tú (Theo Hhd)