7 lý do khiến nước tiểu có mùi “lạ”
(Dân trí) - Nước tiểu có thể cho biết nhiều điều về sức khoẻ. Trong khi màu sắc nước tiểu là một chỉ số khá tốt về mức độ bù nước, thói quen ăn uống, và các tình trạng bệnh tiềm ẩn chưa được chẩn đoán, thì mùi của nó cũng có thể gợi ý về những gì đang diễn ra bên trong cơ thể.
Dưới đây là tất cả những thứ dễ khiến nước tiểu có mùi “lạ”, từ hoàn toàn lành tính đến có thể đáng lo ngại.
1. Mất nước
Nếu không uống đủ nước, nước tiểu sẽ có mùi a-mô-ni-ắc mạnh. Nếu không có đủ nước để pha loãng nước tiểu, nó sẽ có lượng chất cặn bã đậm đặc hơn và do đó, màu sẫm màu hơn và mùi mạnh hơn.
Hãy uống thêm nước và mùi sẽ trở lại bình thường.
2. Nhiễm trùng tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn bàng quang
Đôi khi nhiễm trùng tiết niệu sẽ làm cho nước tiểu có mùi khá hôi. Điều này có thể báo hiệu nhiều vấn đề về bàng quang, như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng bàng quang, hoặc viêm bàng quang.
Nếu bạn nhận thấy nước tiểu không chỉ có mùi mạnh, mà còn có mùi khó ngửi, thì nên gặp bác sĩ để kiểm tra.
3. Uống nhiều cà phê
Bạn đã bao giờ uống cà phê vào một ngày cực kỳ mệt mỏi, và nghĩ rằng mình bị điên vì sau đó thấy nước tiểu có mùi hơi giống cà phê? Vâng, đó không phải là tưởng tượng. Chưa ai tìm hiểu lý do chính xác, nhưng một sản phẩm phụ nào đó sau quá trình chuyển hóa cà phê đã giữ lại mùi này, vì vậy bạn có thể vẫn nhận ra mùi cà phê sau khi nó được bài tiết.
4. Ăn tỏi và hành
Hành tỏi không chỉ để lại mùi trong hơi thở, mà cũng có thể làm cho nước tiểu có mùi. Nguyên nhân cũng là do thứ gì đó mà cơ thể sản xuất ra khi tiêu hóa những thực phẩm này đã duy trì mùi ngay cả trong nước tiểu.
Căn cứ vào “mùi hương” kéo dài trong miệng, thì không có gì đáng ngạc nhiên là mùi này vẫn có thể tồn tại qua quá trình làm sạch nghiêm ngặt nhất của cơ thể.
5. Ăn măng tây
Đó là thủ phạm kinh điển khiến nước tiểu có mùi, mặc dù không phải ai cũng bị mùi hôi nước tiểu sau khi ăn măng tây.
Các chuyên gia lý giải rằng điều này xảy ra bởi vì có một enzym nào đó trong cơ thể đã giáng hóa măng tây theo một cách nhất định, khiến nó có mùi. Một số người không có enzym này, và do đó sẽ không bao giờ biết chúng ta đang phàn nàn về điều gì.
6. Tiểu đường
Hàng trăm năm trước, các bác sĩ có thể phát hiện người mắc bệnh tiểu đường bằng cách nếm nước tiểu có vị ngọt. Ngày nay, nhờ những tiến bộ y học, các bác sĩ không còn phải làm như vậy. Nhưng những người bị tiểu đường không được chẩn đoán hoặc kiểm soát kém có thể nhận thấy nước tiểu có mùi ngọt. (Nếu bạn không mắc bệnh tiểu đường và chỉ uống nước ngọt, nó sẽ không có tác dụng tương tự vì cơ thể sẽ tạo ra insulin và kiểm soát lượng đường trong máu).
7. Rò ruột - bàng quang.
Đường rò là sự kết nối bất thường giữa hai bộ phận cơ thể có thể phát triển như là hậu quả của thương tích, nhiễm trùng, phẫu thuật, hoặc viêm. Một đường rò có thể phát triển giữa bàng quang và ruột, và có thể pha trộn chất chứa trong ruột với chất chứa trong bàng quang, khiến nước tiểu có mùi hôi.
Bạn cũng có thể nhìn thấy các hạt (về cơ bản là phân) trong nước tiểu nếu bị tình trạng này. Điều này có thể xảy ra ở những người bị bệnh viêm ruột, như bệnh Crohn, hoặc viêm túi thừa. Nó cũng có thể xảy ra với một số bệnh ung thư, hoặc là kết quả của xạ trị trong khu vực đó.
Luôn đi khám bác sĩ ngay nếu thấy nước tiểu có mùi hôi, đặc biệt là nếu bạn từng có bất kỳ tình trạng bệnh nào trước đó.
Cẩm Tú
Theo MSN