7 loại ung thư liên quan đến lượng rượu bia nạp vào cơ thể

Tú Anh

(Dân trí) - Rượu bia là tác nhân nguy cơ gây mắc ít nhất 7 loại ung thư ở người gồm: ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.

Tại Việt Nam, năm bệnh ung thư thường gặp nhất ở nam giới là ung thư phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng và vòm họng, còn 5 bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới là ung thư vú, phổi, gan, cổ tử cung và dạ dày.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư rất phức tạp, sự phát triển bệnh ung thư là hậu quả của sự tương tác giữa các yếu tố bên trong của mỗi người (giới, gen, tuổi…) và các yếu tố nguy cơ bên ngoài.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, những yếu tố nguy cơ gây ung thư phổ biến nhất có thể phòng tránh được lần lượt là: Hút thuốc lá, uống rượu bia, thừa cân béo phì và thiếu hoạt động thể lực, nhiễm virus HPV lây truyền qua đường tình dục, các tác nhân ung thư nghề nghiệp. Ngoài ra còn các yếu tố quan trọng khác làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như nhiễm virus viêm gan B, C (gây ung thư gan), ô nhiễm môi trường, thực phẩm, chất phóng xạ….

Đối với việc sử dụng rượu bia và ung thư, PGS.TS Trần Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng, chống cứu ung thư cho biết, cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế căn cứ trên các bằng chứng khoa học đã đưa ra kết luận: Rượu bia là tác nhân nguy cơ gây mắc ít nhất 7 loại ung thư ở người gồm: ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.

Trong năm 2016, Cơ quan y tế của Vương quốc Anh cũng đã ban hành Khuyến nghị mới về sử dụng đồ uống có cồn trong đó cảnh báo rằng uống rượu bia với bất kỳ mức độ nào cũng làm tăng nguy cơ gây các bệnh ung thư.

Trong khi đó, uống rượu bia là thói quen của không ít người Việt, với mức tiêu thụ bia rượu ngày càng gia tăng, từ 2.400 triệu lít bia, 59 triệu lít rượu công nghiệp năm 2010 tăng lên 3.400 triệu lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu năm 2015.

Việc gia tăng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam là nguyên nhân quan trọng góp phần làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung.

Các chuyên gia khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe và xã hội, không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam và một đơn vị cồn/ngày với nữ (mỗi đơn vị cồn tương đương với 3/4 lon bia hoặc một ly/chén nhỏ rượu mạnh). Không nên uống liên tiếp quá 5 ngày/tuần. Người dân tuyệt đối không sử dụng rượu, bia trong khi điều khiển phương tiện xe cơ giới, vận hành máy móc, khi đang có thai hoặc điều trị thuốc có phản ứng với cồn, hay có tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho nặng lên. Đặc biệt, trẻ em và vị thành niên không nên uống rượu, bia.