6 trường hợp ngộ độc nấm trong một ngày

(Dân trí) - Chỉ trong ngày 27/2, TT Chống độc BV Bạch Mai tiếp nhận 6 bệnh nhân ngộ độc nấm đến từ Phú Thọ và Hà Giang. Hiện tất cả các bệnh nhân này đều đã có biểu hiện tổn thương gan, suy gan rất nặng.

BS Nguyễn Trung Nguyên, TT Chống độc, cho biết: "Các ca ngộ độc nấm đều có nguy cơ tử vong rất cao".

Mầm họa từ nấm mọc hoang

Hai mẹ con chị Dương Thị Định, người dân tộc Dao nằm ngay cạnh giường nhau. Còn con trai cả của chị, năm nay mới 13 tuổi đang được cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực, tình trạng bệnh rất nguy kịch.

Chị kể, sáng 23/2, 2 vợ chồng đang phát nương thì thấy mấy cây nấm mọc thành từng cụm, rất mập mạp, trắng, ngon mắt nên chị hái 6 - 7 cây về nhà. Anh Dương Kim Trình, chồng chị đã khuyên: “Thương tôi thì đừng có ăn nấm” nhưng chủ quan, chị nghĩ những cây nấm ngon mắt vậy làm sao mà có độc. Vì thế, chị liền rửa nấm và nấu cùng với rau cải thành canh ăn.

Không cản được vợ, anh Trình bảo các con đổ đi, đừng ăn, nhưng đang lúc đói bụng, nồi canh nấm thơm phức, ngọt lịm quá hấp dẫn, 2 con trai của anh, cháu Dương Phú Tài, 9 tuổi và Dương Phú Tính đều ăn canh nấm cùng mẹ.

12h trưa ăn xong, đến chiều tối, chị Định vẫn thấy bình thường nên bữa tối, cháu Tính ăn tiếp bát canh nấm.

Đến khoảng 10h đêm, chị thấy buồn nôn, rồi nôn thốc nôn tháo và đi ngoài liên tục. Tiếp đó, hai con trai của chị cũng có biểu hiện tương tự. Nghĩ ngay đến ngộ độc nấm, anh Trình vội đưa chị lên bệnh viện Thanh Sơn, Phú Thọ. Nhưng do tình trạng nặng, phải chuyển lên TT Chống độc ngày 27/2.

BS Nguyên cho biết, hiện bệnh nhi Tính vẫn đang phải tiến hành hồi sức, cấp cứu do tình trạng bệnh nặng vì ăn quá nhiều nấm độc. Còn chị Định và cháu Tài, hiện nhìn vẻ ngoài bệnh nhân đỡ hơn rất nhiều, nhưng thực ra đây chỉ là giai đoạn tĩnh, vài ngày nữa, bệnh có thể sẽ diễn tiễn nặng hơn. Cả hai mẹ con đều đã có dấu hiệu suy gan, rối loạn đông máu.

Nằm ngay phòng bên cạnh là 3 thanh niên đến từ Đồng Yên, Bắc Quang, Hà Giang cũng do ngộ độc nấm.

Bệnh nhân Trăng Văn Thuỷ (20 tuổi) kể, sáng ngày 24/2, trên đường đi trồng lạc về, thấy nấm mọc nhiều ở bụi nứa thân rất trắng, đẹp, mập mạp nên hái lưng rổ (khoảng 1kg). Thuỷ đã cẩn thận hỏi bố xem loại nấm này có ăn được không rồi mới đi chế biến.

Chỉ có 3 bố con ở nhà, Thuỷ rủ thêm hai người bạn tới ăn là Hoàng Văn Khắp và Trăng Văn Giỏi.

Số nấm hái lúc sáng, một nửa Thuỷ cho vào cùng gạo nếp, gừng, gói trong lá dong rồi vùi vào than để nướng, một nửa còn lại thì nấu canh ăn. 6 người ăn bữa cơm đó thì 5 người bị ngộ độc. Tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện ngộ độc sau khoảng 12 tiếng ăn, đều nôn, đi ngoài rất nhiều.

Hiện bố của bệnh nhân Thuỷ và em trai đang nằm điều trị tại BV Hà Giang. Còn Thuỷ, Khắp, Giỏi tình trạng bệnh quá nặng, được chuyển lên TT Chống độc sáng sớm ngày 28/2.

BS điều trị cho biết, cả 3 bệnh nhân này đều đã bị huỷ hoại tế bào gan, gan suy nặng, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Vấn đề là việc điều trị vô cùng tốn kém. “Đã bắt đầu bị tổn thương, suy gan, những bệnh nhân này phải dùng nhiều thuốc, lọc máu, truyền nhiều các loại sản phẩm của máu. Chi phí rất lớn, mỗi lần lọc máu mất gần chục triệu, mà phải lọc nhiều lần”, BS Nguyên nói.

 

Được biết, mỗi lần tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc nấm, các nhân viên trong TT đều quyên góp ủng hộ nhưng số tiền đó chẳng thấm vào đâu so với chi phí điều trị. Ba mẹ con trong một gia đình, 3 thanh niên trong một thôn đang rất nguy kịch vì bệnh tình nặng, rất cần những tấm lòng nhân ái hỗ trợ giúp đỡ.

Nguy cơ tử vong cao

BS Nguyên cho biết, cứ vào thời điểm mùa xuân, trời mưa phùn nấm mọc nhiều cũng là lúc có bệnh nhân bị ngộ độc nấm. Năm nào cũng vậy, TT đều phải tiếp nhận các ca ngộ độc nấm, chủ yếu là ở khu vực miền núi phía Bắc.

Theo đánh giá của các bác sĩ, các bệnh nhân này có khả năng ăn phải loại nấm độc xanh đen. Đây là loại nấm độc nhất và nguy hiểm nhất trong các loại nấm độc. Vì loại nấm này bản chất là gây tổn thương nhiều cơ quan, đầu tiên là đường tiêu hoá, sau là gan, thận, hệ thần kinh, tim mạch… Ngộ độc loại nấm này, tỉ lệ tử vong rất cao.

Đáng nói là do biểu hiện ngộ độc xuất hiện muộn sau khi ăn, thường khoảng sau 12 tiếng nên mọi người rất dễ chủ quan. Hơn nữa, các dấu hiệu này thường biểu hiện ồ ạt nhưng chỉ khoảng 2 ngày hết nên tưởng khỏi, về nhà mà không điều trị tiếp.

Thực ra, đây là giai đoạn 2 của bệnh, tạm thời yên ắng, đỡ nôn, đỡ đi ngoài. Còn thực tế, các dấu hiệu viêm gan, suy thận, suy gan, hôn mê, chảy máu khắp nơi đang tiến triển và dẫn đến tử vong.

“Đây là loại nấm nhìn rất bắt mắt, mập mạp nên nhiều người hái về ăn. Không chỉ cực độc, mà còn nguy hiểm vì bệnh biểu hiện muộn, diễn biến cách quãng nên dễ bỏ sót, không được điều trị”, BS Nguyên cảnh báo.

Để không bị ngộ độc nấm, người dân không nên ăn các loại nấm mọc hoang. Vì nếu ngộ độc, việc loại bỏ chất độc là rất khó khăn bởi chất độc đã ngấm vào máu.

Hồng Hải