6 thực phẩm chị em nhất định phải tránh để ngừa ung thư vú

Hà An

(Dân trí) - Trong khi một số loại thực phẩm có thể bảo vệ bạn khỏi ung thư vú, thì một số loại thực phẩm khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Do đó, tốt nhất là bạn nên giảm lượng thức ăn và đồ uống sau - hoặc tránh chúng hoàn toàn:

Rượu

Uống rượu, đặc biệt là uống với số lượng lớn có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú. 

Thức ăn nhanh

Ăn thức ăn nhanh thường xuyên có liên quan đến nhiều mặt trái, bao gồm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, béo phì và ung thư vú. 

6 thực phẩm chị em nhất định phải tránh để ngừa ung thư vú - 1

Để giảm nguy cơ ung thư vú, bạn hãy tránh xa tinh bột tinh chế, đường bổ sung, rượu, đồ chiên rán, thịt chế biến sẵn và đồ ăn nhanh.

Đồ chiên rán

Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều thực phẩm chiên rán có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư vú. Trong một nghiên cứu ở 620 phụ nữ Iran, ăn đồ chiên rán là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với sự phát triển ung thư vú.

Các loại thịt đã qua chế biến

Các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói và xúc xích có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Một phân tích của 15 nghiên cứu đã liên kết việc ăn nhiều thịt đã qua chế biến với nguy cơ ung thư vú cao hơn 9%.

Đường bổ sung

Một chế độ ăn nhiều đường bổ sung có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú vì làm tăng tình trạng viêm và sự biểu hiện của một số enzym liên quan đến sự phát triển và lây lan của ung thư.

Carbs tinh chế

Chế độ ăn giàu carbs tinh chế, bao gồm cả chế độ ăn uống điển hình của phương Tây, có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Hãy thử thay thế các loại tinh bột tinh chế như bánh mì trắng và bánh nướng có đường bằng các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt và rau giàu chất dinh dưỡng. 

6 thực phẩm chị em nhất định phải tránh để ngừa ung thư vú - 2

Một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý giúp bạn phòng ngừa nhiều bệnh tật trong đó có ung thư. 

Chắc chắn rằng chế độ ăn uống của bạn có thể giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính, bao gồm cả ung thư vú. Tuy nhiên, việc lựa chọn lối sống khác cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư của bạn.

Ví dụ, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi đầy đủ và không hút thuốc giúp bảo vệ đáng kể chống lại bệnh ung thư vú. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Hơn nữa, một số nghiên cứu cho thấy rằng một số sản phẩm chăm sóc da nhất định có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Ví dụ, việc sử dụng chất chống mồ hôi có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú, mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm.

Ngoài ra, việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu, cũng như các hợp chất được gọi là chất gây rối loạn nội tiết được tìm thấy trong các vật liệu như nhựa, có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Do đó, lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da, làm vườn… có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú của bạn.

Dấu hiệu nhận biết ung thư vú

Bệnh được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao. Ung thư vú có thể chữa khỏi 100% nếu được phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm giảm dần khi bệnh được phát hiện và điều trị muộn hơn. 

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư vú gồm:

- Khối u không đau ở ngực

- Thường xuyên bị ngứa và rát quanh núm vú

- Núm vú bị rỉ máu, tiết dịch khác thường hoặc thụt vào, co lại

- Làn da trên vú bị sần da cam, dày lên hoặc bị lún xuống, có nếp gấp. 

- Có hạch ở hố nách. 

Tự khám là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư vú. Phụ nữ nên tự khám vú đều đặn mỗi tháng một lần, tốt nhất tự kiểm tra sau kỳ kinh nguyệt là lúc vú mềm nhất. Trong gia đình có người thân mắc bệnh thì nguy cơ di truyền càng cao. Nếu bạn phát hiện có khối u hay sự thay đổi của vú, nên đến viện khám càng sớm càng tốt.

Các chị em nên tự khám vú sau kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày, là lúc tuyến vú mềm và dễ cảm nhận nhất; cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vú khi qua tuổi 40. Với những chị em có nguy cơ cao (trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1/BRCA2; có kinh sớm; không sinh con...), nên đi khám, tầm soát ở lứa tuổi sớm hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm