Quảng Trị:

50 năm ông "Trung rắn” chữa bệnh cứu người

(Dân trí) - Nhiều người bị rắn độc cắn, suýt mất mạng liền tìm đến nhờ ông chữa giúp, có người bị nặng phải ở lại điều trị hàng chục ngày đều được ông nuôi cơm. Tuy vậy, ông Trung luôn xem đó là việc nghĩa ở đời, sẵn sàng cứu giúp mà không cần trả ơn.

Hơn 50 năm qua, ông Trung đã chữa khỏi cho biết bao người thoát chết vì rắn độc cắn. Chỉ riêng xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, nơi ông sinh sống cũng đến hơn trăm người thoát chết nhờ ông.

“Khắc tinh” của nọc rắn

Về thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy hỏi nhà ông Nguyễn Quang Trung, nhiều người dân sống xung quanh trải lòng: “Ông Trung là ân nhân cứu mạng của người dân vùng này đó chú à!”. Cũng chính nghĩa cử của ông mà bà con trong vùng đặt cho ông cái tên rất dễ nhớ: "Trung rắn”.

Hàng trăm trường hợp bị rắn đọc cắn suýt mất mạng được vợ chồng ông ghi lại
Hàng trăm trường hợp bị rắn đọc cắn suýt mất mạng được vợ chồng ông ghi lại

Nói về tài chữa nọc rắn của ông Trung thì có lẽ không ai bằng. Nhiều trường hợp bị rắn cắn và cận kề với cái chết, nhưng nhờ ông Trung mà họ giữ được mạng sống cho đến hôm nay. Nhiều người xem ông là vị “thần y”, là thầy thuốc của làng…cũng không có gì sai.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trung cười hiền: “Có gì đâu hả chú, thấy người dân bị rắn cắn nguy kịch, mình biết chút ít cách giải độc nên giúp họ thôi”. Có thể ông nghĩ rằng, cứu người là việc đáng làm nên nói như vậy. Tuy nhiên, trong câu chuyện chữa rắn của ông cũng chứa đựng nhiều nét khác biệt, xuất phát từ tình thương giữa con người với nhau. Trong đó, có việc ông “bén duyên” với nghiệp chữa rắn cắn.

Ông sinh ra ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ông nội của ông và người bác ruột rất am hiểu về rắn và biết cách chữa rắn cắn. Tuy vậy, không ai muốn truyền cho con cháu vì sợ “đeo” lấy nghiệp này nếu không cẩn thận thì sẽ rước họa vào thân, “làm ơn mắc oán”. Và, việc ông biết chữa rắn như hôm nay cũng xuất phát từ việc học trộm ở bác mình.

Vùng đất nơi ông sinh ra có rất nhiều loại rắn độc, vì thế việc người dân bị rắn cắn là chuyện xảy ra như cơm bữa. Trong quá trình sống ở đây, ông đã vận dụng được tài năng vốn có để hành thiện cứu người. Ông Trung nhớ lại: “Hôm đó, có người bị rắn độc cắn sùi bọp mép, thân hình tím tái được người nhà đưa đến nhờ bác tui cứu chữa. Sợ tui học trộm rồi hại người nên ông bày cách đổ lúa vào cối xay, bắt tui vừa xay lúa vừa trông gà rồi tự lên rừng kiếm thuốc. Đợi bác vừa ra khỏi nhà, tui cũng đi theo học lỏm nghề. Nhờ đó mà tui biết được một số bài thuốc cần thiết để chữa rắn cắn. Cho đến một hôm, bác đi vắng nhiều ngày lại có người bị rắn độc cắn đến nhờ. Với vốn liếng học lỏm được trước đó, tui liều mình chữa giúp nhưng không ngờ thật hiệu nghiệm. Khi bác về nhà thì bệnh nhân cũng vừa khỏi bệnh. Từ đó, bác mới chịu truyền bí quyết trị rắn độc cho tui”.

Một trong số các loại thuốc chữa rắn cắn được ông trồng trong vườn
Một trong số các loại thuốc chữa rắn cắn được ông trồng trong vườn

Theo ông Trung, bí quyết chữa rắn độc cắn cũng khá đơn giản, chỉ cần vài loại lá cây trên rừng và chút “thủ thuật” nữa là có thể giải được độc rắn ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, trước khi giải độc người chữa cũng cần phải nắm bắt được vết cắn đó do loại rắn nào gây nên, mức độ độc nặng hay nhẹ để sử dụng thuốc cho phù hợp. Khi bị rắn độc cắn, nọc độc tấn công và lan nhanh trên cơ thể nên dễ sinh ra một số bệnh khác thì người chữa cũng phải tự nhận biết để xử lý kịp thời. Trong quá trình đó cũng cần căn dặn người bệnh nên kiêng cái gì để khỏi làm cho độc có cơ hội phát tán mạnh thêm. Bởi chỉ cần sơ sẩy chút thôi là sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Năm 1962, ông Trung ra miền Bắc hoạt động Cách mạng và mang theo bí quyết gia truyền về bài thuốc chữa rắn độc ấy để cứu hàng trăm cán bộ, chiến sĩ. Chưa có trường hợp nào bị rắn độc cắn mà ông ông Trung phải bó tay.

cứu hàng trăm người thoát chết do rắn độc cắn

Sau khi đất nước giải phóng, ông Trung không trở về quê hương Quảng Ngãi – nơi ông sinh ra, mà ở lại mảnh đất Vĩnh Thuỷ, huyện Vĩnh Linh lập gia đình, rồi đem kinh nghiệm chữa bệnh cho bà con. Tại xã Vĩnh Thuỷ, do ở gần rừng nên có rất nhiều rắn độc. Vùng này nhiều nhất vẫn là rắn lục và hổ mang chúa. Rất nhiều người vô ý bị rắn cắn không chữa trị kịp nên mất mạng.

Sau lần ông Trung ra tay cứu mạng cho người hàng xóm bị rắn hổ mang cắn, tiếng lành về ông cứ thế lan khắp vùng. Nhiều người dân trong thôn hễ bị rắn cắn là tìm đến ông cầu cứu. Rồi những người ở các địa phương khác như: Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong… Nghĩ đến chuyện làm phúc cho con cháu sau này, ông luôn đặt tính mạng con người lên trên hết để tận tình cứu chữa và không bao giờ tính chuyện nhận lại hàm ơn, hay chút tiền nào từ người khác. Đôi khi có trường hợp quá nặng, ông cũng phải nuôi cơm cho họ hàng tháng trời.

Hai trường hợp bị rắn độc cắn nặng nhất là anh Bang và anh Bách khiến ông Trung chưa thể quên
Hai trường hợp bị rắn độc cắn nặng nhất là anh Bang và anh Bách khiến ông Trung chưa thể quên

Ông Trung còn nhớ rất rõ trường hợp của anh Nguyễn Bang, ở xã Vĩnh Lâm. Trong khi ra ao cá, anh Bang bị con rắn hổ mang chúa cắn vào tay. Ông Trung tiếp nhận người bệnh trong tình trạng mê man, sùi bọt ở miệng. Nọc độc của rắn nhanh chóng lan tỏa toàn thân. Nhưng sau hai giờ cho uống thuốc, nạn nhân có dấu hiệu phục hồi, đến chiều cùng ngày thì tỉnh lại. Phải mất gần một tháng được chữa trị, anh Bang mới lành bệnh, sức khoẻ trở lại bình thường.

Trường hợp nữa là anh Nguyễn Văn Bách, ở huyện Gio Linh bị rắn mai gầm cắn suýt mất mạng. Theo ông Trung, đây là một loại rắn lạ và rất độc, không hề có ở Quảng Trị, chủ yếu sống ở dưới nước và các tỉnh phía Nam. Khi người nhà đưa đến gặp ông và nhờ chữa trị, anh Bách bị hôn mê sâu, người tím tái. Cũng may mắn là người nhà đập chết được con rắn đó và mang theo nên ông mới xác định được chủng loại và mức độ độc để cứu chữa. Chừng 5 ngày sau, anh Bách hồi phục sức khỏe trở lại. Kể từ đó, gia đình anh Bách mang ơn và thường xuyên qua lại, thăm nom sức khỏe vị “thần y” tốt bụng.

Đưa cho chúng tôi xem cuốn nhật ký chữa bệnh, ông Trung nói đây chỉ là những trường hợp đặc biệt được ông ghi lại và lưu giữ suốt ngần ấy năm. Trong cuốn sổ này, tên bệnh nhân, ngày chữa, quê quán, bị loại rắn nào cắn…cũng được ông liệt kê đầy đủ. Bên cạnh đó, có không biết bao nhiêu lời cảm ơn của các gia đình nạn nhân với những lời lẽ thể hiện lòng biết ơn với ông Trung.

Những lời cảm ơn chân thành của người nhà bệnh nhân từng được ông Trung cứu mạng
Những lời cảm ơn chân thành của người nhà bệnh nhân từng được ông Trung cứu mạng
Những lời cảm ơn chân thành của người nhà bệnh nhân từng được ông Trung cứu mạng

Nhiều khi gia đình ông Trung đón cùng lúc mấy nạn nhân đến chữa bệnh bị rắn độc cắn. Cả vợ con ông phải nấu cơm phục vụ, nuôi bệnh nhân hàng tháng trời không công. Bà Nguyễn Thị Uyển (vợ ông Trung) bày tỏ: “Bà con gặp nạn thì mới cậy nhờ đến mình. Những lúc ấy, cứu người mới quan trọng chứ tính đến chuyện nhận ơn từ họ thì ông ấy đã không làm. Hơn nữa, thuốc thang thì đã có trên rừng, mình biết và bỏ công ra một chút để làm phúc cho người thì cũng đáng quý lắm chứ”.

Tuy việc cứu người đối với ông Trung chỉ xuất phát từ cái tâm, niềm vui cũng có nhiều nhưng nỗi buồn cũng không ít. Ông Trung vẫn chưa thể quên được trường hợp một người dân trong làng bị rắn hổ cắn, ông đã ra tay giải độc và bệnh nhân cũng đã có dấu hiệu hồi tỉnh. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà độc tái phát rồi quay trở lại nhờ ông cứu. Đoán biết được lý do, dù không nói ra nhưng ông đã từ chối thẳng thừng. Vì thế, gia đình phải đưa người này đi bệnh viện. Ông cho biết, mình đã khuyên bảo họ rồi, khi chưa bình phục hẳn thì tuyệt đối kiêng ăn những thứ mang tính xúc tác với chất độc. Tuy nhiên, họ không nghe để dẫn đến hậu quả, cũng may là ông này không bị sao, chứ nếu chết thì cũng khó nói.

“Chuyện làm ơn mắc oán trong nghề này dễ xảy ra lắm, chỉ cần họ áp dụng máy móc, thiếu suy nghĩ một chút là chuyện chạy chữa của mình cũng bằng không. Lúc đó, đến phép tiên cũng khó lòng chữa khỏi và họ quay ra oán trách mình. Nhiều lần vấp phải trường hợp như vậy nên tui cũng nản lòng và dè dặt hơn. Vẫn biết cứu người là nên làm nhưng gặp những người như vậy cũng có ngày mang vạ vào thân” – ông Trung tâm sự.

Đăng Đức