1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

5 điều cần biết về tiêm phòng cúm trong mùa cúm 2016

(Dân trí) - Cúm là một bệnh đường hô hấp do vi rút cúm. Một số triệu chứng hay gặp là sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, đau cơ và mệt mỏi. Mùa cúm thường bắt đầu từ tháng Mười đến tháng Năm.

Vắc xin cúm được tiêm hằng năm để bảo vệ chống lại bệnh cúm mỗi năm, vì các chủng vi rút cúm không ngừng thay đổi
Vắc xin cúm được tiêm hằng năm để bảo vệ chống lại bệnh cúm mỗi năm, vì các chủng vi rút cúm không ngừng thay đổi

Vắc xin cúm được tiêm hằng năm để bảo vệ chống lại bệnh cúm. Theo Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), việc tiêm phòng cúm được khuyến nghị cho tất cả những người trên 6 tuổi. Vì các chủng vi rút cúm liên tục thay đổi, nên mỗi năm sẽ có một vắc xin mới được đưa ra dựa trên dự báo về việc các chủng cúm sẽ phát triển như thế nào.

Mùa cúm 2016-2017

Theo CDC, dự kiến sẽ có 157,000,000-168.000.000 liều vắc-xin cúm dạng tiêm cho mùa cúm 2016-2017.

Vắc xin được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy trên trứng - với một lượng nhỏ protein trứng - và trước đây CDC đã khuyến cáo những người bị dị ứng với trứng cần được theo dõi trong 30 phút sau khi tiêm. Khuyến nghị này hiện không còn áp dụng nữa.

CDC cũng cho biết vắc xin cúm dạng xịt mũi không được khuyến cáo cho bất cứ ai trong mùa dịch này, vì dữ liệu mới cho thấy vắc xin dạng xịt mũi không còn hiệu quả lắm trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2016.

Khi nào nên tiêm phòng cúm?

Các chuyên gia y tế khuyên người dân nên tiêm phòng cúm vào đầu mùa thu – cho đến hết tháng Mười, vì không thể dự báo chính xác thời gian của mùa cúm. Vắc xin của mỗi mùa sẽ hết hạn vào tháng Sáu hàng năm. Sau khi tiêm, sẽ mất khoảng hai tuần hình thành miễn dịch chống lại bệnh cúm.

Những đối tượng nào không nên tiêm phòng cúm?

Trẻ dưới 6 tháng tuổi không thể tiêm phòng cúm, thêm vào đó là những người trước đây đã từng bị phản ứng dị ứng nặng với vắc xin cúm. Ngay cả những người đang bị sốt cao cũng được khuyên nên đợi đến khi hết sốt hãy tiêm phòng.

Nghiên cứu cho thấy vắc-xin cúm an toàn cho phụ nữ ở bất kỳ giai đoạn của thai kỳ, theo CDC. Ngoài ra, tiêm phòng khi mang thai giúp bảo vệ em bé chống lại bệnh cúm trong khi chưa thể tiêm vắc xin.

Các tác dụng phụ của vắc xin cúm

Việc tiêm phòng cúm có thể gây ra những tác dụng phụ nhẹ - đau, đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm, sốt nhẹ và đau nhức. Những tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như phản ứng dị ứng hiếm gặp.

Các tác dụng phụ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn so với bệnh cúm thực sự.

Tiêm vắc xin cúm có khiến bạn bị cúm không?

Có nhiều người hiểu lầm rằng có thể mắc bệnh cúm do tiêm phòng cúm. Tuy nhiên, vi rút trong vắc xin cúm đã bị bất hoạt và do đó, không gây nhiễm trùng, hoặc hoàn toàn không chứa vi rút vắc-xin cúm, vì vậy mọi người không thể mắc bệnh cúm do chủng ngừa cúm. Vì phải mất gần hai tuần để hình thành miễn dịch sau khi tiêm, một số người có thể mắc bệnh cúm trong khoảng thời gian này, nếu tiếp xúc với vi rút.

Cẩm Tú

Theo Medical Daily