5 dấu hiệu nhận biết ung thư dạ dày trên cơ thể
(Dân trí) - Ung thư dạ dày được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng đặc hiệu.
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp tại nước ta. Theo thống kê trong năm 2018, Việt Nam có hơn 17.500 ca mắc mới và hơn 15.000 người tử vong. Bệnh có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu.
Tại nước ta, thực tế đa số người được phát hiện bệnh ung thư dạ dày khi đã giai đoạn muộn, kết quả điều trị không cao, chi phí tốn kém.
Dưới đây bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội chỉ ra 5 dấu hiệu nhận biết ung thư dạ dày:
Khó chịu ở bụng trên
Người bệnh sẽ cảm thấy no hoặc nóng rát sau khi ăn. Mức độ đau sẽ ngày càng trở nên dữ dội, kéo dài hơn khi tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Mất cảm giác ngon miệng hoặc khó tiêu
Phân lẫn máu hoặc phân đen do nhiễm trùng đường tiết niệu và có một lượng máu nhỏ xuất hiện trong dạ dày người bệnh.
Táo bón và tiêu chảy xen kẽ
Đây chính là triệu chứng tiền ung thư dạ dày.
Sụt cân đột ngột
Triệu chứng dễ gặp ở bất kỳ bệnh nhân ung thư nào vì phải chia sẻ các chất dinh dưỡng trong cơ thể.
Khi phát hiện cơ thể đang gặp phải những dấu hiệu bất thường, người bệnh không nên chủ quan mà đi khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Ung thư dạ dày được coi là phát hiện sớm khi tổn thương ung thư còn ở lớp niêm mạc, chưa xâm lấn xuống lớp dưới niêm mạc dạ dày. Có nhiều cách để chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư dạ dày, trong đó nội soi là phương pháp hàng đầu.
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày như phẫu thuật (mổ mở, nội soi), truyền hóa chất, xạ trị, điều trị đích. Việc áp dụng một hay phối hợp nhiều phương pháp tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh phải mổ (mở hoặc nội soi), dựa trên kết quả sau mổ bác sĩ cân nhắc phương án điều trị nội khoa tiếp theo. Nội soi cắt dạ dày thường được chỉ định cho những trường hợp mắc ung thư dạ dày giai đoạn 1-3.
Người có nguy cơ cao mắc ung thư là tiền sử viêm loét dạ dày, đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn... Hãy khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời căn bệnh ung thư dạ dày ngay từ giai đoạn đầu.
Với ung thư dạ dày, nên định kỳ nội soi dạ dày mỗi năm 1-2 lần, nếu kết quả bình thường thì có thể cách 2 năm nội soi một lần.
Cách phòng tránh ung thư dạ dày:
- Duy trì cân nặng lý tưởng và chăm tập thể dục.
- Hạn chế sử dụng bia, rượu và các chất kích thích.
- Sử dụng những thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ ăn giàu chất xơ
- Điều trị các bệnh lý viêm dạ dày ngay khi phát hiện bệnh
- Khám tầm soát và xử lý triệt để các khối polyp, u lành trong dạ dày
- Tầm soát ung thư định kỳ nếu tiền sử gia đình có người mắc ung thư đường tiêu hoá…
Hà An