Bác sỹ viện K chỉ ra sai lầm ăn uống, khiến nhiều người Việt mắc ung thư dạ dày
(Dân trí) - Tiến sỹ Vũ Hải - Bác sĩ Ngoại khoa, Bệnh viện K Trung ương cho biết, thói quen ăn uống mất vệ sinh, nguồn thực phẩm không đảm bảo như: ăn nhiều thịt hun khói, dưa muối, các thực phẩm nấm mốc như: lạc mốc, gạo mốc, người uống nhiều rượu bia… có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư dạ dày.
Mới đây bệnh viện Y dược TP. Hồ Chí Minh vừa phẫu thuật cắt u dạ dày cho 2 bệnh nhân nữ mới 18 và 23 tuổi. Trong đó trường hợp bệnh nhân 18 tuổi, bác sĩ không thể cắt được khối u do ung thư đã di căn đến ổ bụng.
Cần ngừng ngay việc ăn dưa muối, thực phẩm nấm mốc
Tiến sỹ Vũ Hải - Bác sĩ Ngoại khoa, Bệnh viện K Trung ương, cố vấn chuyên môn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt thừa nhận, khoảng 10 năm trở lại đây, ung thư nói chung trong đó có ung thư dạ dày có dấu hiệu trẻ hóa.
Nếu như trước đây, các bệnh ung thư này thường gặp ở người trên 40 tuổi thì nay tỷ lệ này đã rất khác biệt. Nhiều người bệnh tuổi đời còn rất trẻ từ 20-30 tuổi đã mắc bệnh. Điều đáng nói, bệnh nhân không phát hiện được những dấu hiệu ban đầu của bệnh nên khi đi khám đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong điều trị.
“Ung thư dạ dày để chẩn đoán sớm gặp khó khăn bởi giai đoạn sớm thường có các triệu chứng mơ hồ giống như bị viêm dạ dày. Đa số người bệnh đều có các triệu chứng như: nóng rát vùng thượng vị, đầy hơi, ợ chua, đau bụng… Ở giai đoạn muộn hơn thì thường xuyên xuất hiện các cơn đau thượng vị, xuất huyết tiêu hóa, gầy sut cân, thiếu máu, nôn ọe, chướng bụng. Nặng hơn nữa là cơ thể bị suy kiệt thiếu máu, hẹp môn vị, không lưu thông tiêu hóa, gây chảy máu dạ dày”, bác sỹ Hải nói.
Tùy theo bệnh nhân đến sớm hay muộn mà sẽ có những phác đồ điệu trị khác nhau. Bệnh phát hiện càng sớm tỷ lệ chữa khỏi càng cao. Tuy nhiên, biểu hiện ban đầu của ung thư dạ dày khá mơ hồ nên rất ít người để ý, thậm chí chủ quan, coi thường.
“Trong thực tế, nhiều người cứ đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, ợ chua… là họ nghĩ ngay đến bệnh đau dạ dày, tự mua thuốc về uống mà không đi thăm khám cẩn thận. Điều này rất đáng tiếc, vì đó có thể là những dấu hiệu ban đầu của ung thư dạ dày.
Chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng, các biểu hiện bệnh rõ ràng hơn thì người bệnh mới đến bệnh viện thăm khám. Tuy nhiên, lúc này việc can thiệp điều trị bệnh sẽ khó khăn hơn rất nhiều, tỷ lệ chữa khỏi bệnh cũng thấp hơn”, Tiến sỹ Vũ Hải nói.
Theo tiến sỹ Vũ Hải, tại Việt Nam ung thư dạ dày khá phổ biến với tỷ lệ tử vong cao, chỉ xếp sau ung thư gan và ung thư phổi. Về căn nguyên gây ra ung thư dạ dày cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khẳng định chính xác.
Tuy nhiên, bệnh này có thể do vi khuẩn HP Lori, do viêm mãn tính của dạ dày, các yếu tố di truyền. Đặc biệt, thói quen ăn uống mất vệ sinh, nguồn thực phẩm không đảm bảo như: ăn nhiều thịt hun khói, dưa muối, các thực phẩm nấm mốc như: lạc mốc, gạo mốc, người uống nhiều rượu bia… cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh.
Theo bác sỹ Vũ Hải, dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày thường mơ hồ giống với bệnh viêm dạ dày nên nhiều người chủ quan.
Bệnh ung thư dạ dày nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi với tỷ lệ 90%
Bệnh ung thư dạ dày nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể chữa khỏi với tỷ lệ lên tới 80-90%. Càng để muộn thì tỉ lệ chữa khỏi càng thấp.
Bản thân tiến sỹ Vũ Hải từng điều trị cho nhiều trường hợp phát hiện bệnh sớm, khi đến điều trị kịp thời thì đã khỏi bệnh. Cụ thể là trường hợp của bệnh nhân người Vĩnh Phúc. Bệnh nhân phát hiện ung thư dạ dày khi có những triệu chứng đầu tiên của bệnh và đã được bác sỹ tiến hành phẫu thuật kịp thời. “Bệnh nhân điều trị khi 50 tuổi, giờ đã bước sang tuổi 80 nhưng rất khỏe mạnh. Các triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày đã biến mất.”, tiến sỹ Vũ Hải nói.
Hiện nay, ung thư dạ dày nếu phát hiện sớm có thể dùng nội soi cắt hớt đi niêm mạc. Nặng hơn thì có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày. Với những trường hợp này, sau khoảng 1 tuần là bệnh nhân đã có thể ăn uống trở lại và sau 2 tuần là có thể ra viện. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, lúc này có thể khối u đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, việc điều trị, can thiệp phức tạp hơn nhiều bằng cách hóa chất trị liệu, tia xạ để kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Bệnh ung thư dạ dày nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi với tỷ lệ 90%
Chuyên gia này cho biết, nhiều bệnh nhân khi phát hiện ung thư dạ dày nhưng không đến các cơ sở y tế điều trị theo chỉ định của bác sỹ mà tự mình mua thuốc về uống hoặc chữa theo các bài thuốc dân gian, gia truyền đồn thổi. Đây là những quan điểm sai lầm, khiến bệnh tiến triển nặng, cơ hội sống sót của người bệnh sẽ thấp.
“Tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư giai đoạn đầu nhưng họ từ chối chữa trị, sau đó tự mình về cắt thuốc lá uống. Một thời gian sau, bệnh ở giai đoạn muộn, cơn đau nhiều hơn, cơ thể kiệt quệ, không chịu được họ mới nhập viện điều trị thì đã quá muộn. Đây là những trường hợp rất đáng tiếc”, bác sỹ Hải nói.
Để phát hiện sớm bệnh ung thư dạ dày, theo bác sỹ Vũ Hải, cần phải khám định kỳ bằng cách nội soi. Đặc biệt, với những người có bệnh lý đường tiêu hóa, từng bị chẩn đoán viêm loét dạ dày hay bị các rối loạn tiêu hóa, điều trị lâu không đỡ cũng cần phải đi nội soi lại kịp thời để phát hiện ra bệnh.
Tiến sỹ Vũ Hải khuyến cáo, mỗi người cần duy trì chế độ ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng, nhiều rau xanh, ít dầu mỡ. Tuyệt đối không ăn các thực phẩm nấm mốc, uống rượu bia, hút thuốc lá, ngoài ra cần tăng cường tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe.
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của cơ thể như: đầy hơi, ợ chua, chướng bụng… thì cần phải đi thăm khám ở các cơ sở y tế để kiểm tra, phát hiện điều trị bệnh kịp thời.
Hà Trang
Ảnh, video: Toàn Vũ