4 nguyên nhân gây mất răng liên tục và điều cần biết khi sử dụng răng giả

Biên Thùy

(Dân trí) - Theo bác sĩ, khi sử dụng răng giả hàm tháo lắp không chất lượng, người dân có thể bị nhiễm trùng miệng, nướu và xương hàm, thậm chí dẫn đến thay đổi cấu trúc khuôn mặt.

Ông V. (91 tuổi) vừa có một hành trình nhiều năm, di chuyển hơn nửa vòng trái đất để tìm lại nụ cười.

Ông kể, từ những năm 2000, ông đã bắt đầu xuất hiện tình trạng đau răng, mất răng liên tục kéo dài, ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng nhai. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn làm ông luôn cảm thấy không tự tin khi giao tiếp với mọi người.

Hơn 20 năm tìm cách thoát khỏi ám ảnh mất răng

Dù đã trải qua nhiều lần can thiệp nha khoa tại Mỹ và một số nơi khác, nhưng cụ ông vẫn không thể điều trị dứt điểm. Những cơn đau, sự khó chịu và bất tiện với răng hàm tháo lắp, mỗi năm một mất thêm răng là nỗi ám ảnh đi theo ông suốt hơn 20 năm qua.

4 nguyên nhân gây mất răng liên tục và điều cần biết khi sử dụng răng giả - 1

Ảnh chụp phim tình trạng mất răng của ông V. (Ảnh: BS).

Cận Tết Nguyên đán 2024, ông V. về Việt Nam và tiếp tục tìm kiếm nơi điều trị bệnh về răng miệng. Qua sự giới thiệu của người thân, cụ ông đến một trung tâm nha khoa ở TPHCM. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định, cụ ông có nhiều răng nhiễm trùng cùng một số vấn đề về thẩm mỹ, cần lên kế hoạch điều trị kỹ lưỡng, tối ưu.

Bác sĩ nha khoa tổng quát Nguyễn Quỳnh Trang cho biết, việc điều trị của cụ ông được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là nhổ răng nhiễm trùng, cấy ghép implant toàn hàm, đeo răng tạm trong quá trình chờ phục hồi. Đến giai đoạn 2, bệnh nhân sẽ được phục hình thẩm mỹ toàn hàm, với tổng cộng 11 răng implant.

"Việc cấy ghép implant với người lớn tuổi cần được hoàn thành ngay trong thời gian ngắn, vì sức khỏe bệnh nhân không cho phép phẫu thuật kéo dài. Thời gian chờ phục hồi sau cấy ghép của bệnh nhân sẽ mất 6 tuần đến 6 tháng, tùy thuộc vào thích ứng cơ thể", bác sĩ điều trị nói.

4 nguyên nhân gây mất răng liên tục và điều cần biết khi sử dụng răng giả - 2

Cụ ông tìm lại nụ cười tươi sau khi về Việt Nam điều trị (Ảnh: BS).

Sau khi cấy ghép implant, ông V. quay trở về Mỹ. Trong khoảng thời gian này, các bác sĩ đã gắn cho ông một hàm răng tạm để hỗ trợ việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, giúp ông quen dần với hàm răng mới, để khi phục hình hoàn thiện sẽ cảm thấy thoải mái.

Điều cần biết khi gắn răng giả

Theo bác sĩ Trang, có 4 nguyên nhân gây mất răng liên tục ở người lớn tuổi.

Thứ nhất là bệnh nha chu (viêm nướu và viêm nha chu). Đây là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn, làm tổn thương mô nướu và xương quanh răng. Nếu không được điều trị, viêm nha chu có thể dẫn đến mất răng.

Thứ hai, sâu răng và hư răng. Tình trạng này là vấn đề phổ biến ở mọi lứa tuổi. Nhưng ở người lớn tuổi, nó có thể nghiêm trọng hơn do men răng bị mòn theo thời gian, khiến răng dễ bị sâu và hỏng.

Thứ ba, bệnh nền. Một số bệnh lý như tiểu đường, loãng xương và các bệnh về tim mạch có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, gây mất răng do các biến chứng liên quan. Thứ tư, thuốc men. Một số loại thuốc có thể gây khô miệng, giảm tiết nước bọt, làm tăng nguy cơ sâu răng và viêm nha chu.

Khi bị mất răng liên tục, giải pháp mà nhiều người dân thường tìm đến là gắn răng giả hàm tháo lắp. Tuy nhiên, nếu loại răng giả được sử dụng không chất lượng sẽ gây ra nhiều hậu quả. Đầu tiên, răng không vừa vặn sẽ gây đau, khó chịu và làm tổn thương nướu và mô mềm xung quanh. Khi ăn uống hoặc nói chuyện, răng dễ bị rơi.

Kế đến, chất liệu răng giả kém chất lượng có thể gây nhiễm trùng miệng, nướu và xương hàm, thậm chí dẫn đến tiêu xương và thay đổi cấu trúc khuôn mặt theo thời gian.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể giảm khả năng ăn nhai, dẫn đến suy dinh dưỡng và khó khăn khi nói chuyện, từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, sức khỏe của người lớn tuổi.

Bác sĩ khuyến cáo, khi muốn làm implant (trồng răng giả), người lớn tuổi cần được đánh giá tình trạng sức khỏe toàn diện, đánh giá chất lượng và số lượng xương hàm để chọn loại implant và kỹ thuật phù hợp.

Sau khi cấy ghép, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ chăm sóc răng miệng nghiêm ngặt, bao gồm vệ sinh răng miệng đúng cách, kiểm tra định kỳ và tuân thủ các chỉ dẫn của nha sĩ để đảm bảo implant ổn định và lâu bền. Ngoài ra, nha sĩ và gia đình cần tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân, để giúp họ tự tin và thoải mái hơn trong quá trình điều trị.