4 người Trung Quốc tử vong do virus lạ, Bộ Y tế lo chặn dịch từ sân bay
(Dân trí) - Số ca mắc bệnh viêm phổi do virus lạ tại Trung Quốc gia tăng, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Sáng 21/1, Bộ Y tế đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Sáng ngày 21/1, đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã kiểm tra tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Tại đây chưa ghi nhận hành khách có thân nhiệt cao nhập cảnh.
Trung bình mỗi ngày, sân bay Nội Bài có khoảng 115-120 chuyến bay quốc tế nhập cảnh. Riêng các chuyến bay từ Trung Quốc khoảng 11-13 chuyến, có những ngày cao điểm lên đến 15-16 chuyến, không có đường bay trực tiếp từ Vũ Hán.
BS Nguyễn Hải Nam, Trường Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm kiểm soát phòng chống dịch bệnh Hà Nội cho biết, kiểm dịch tại của khẩu là công tác đầu tiên trong quy trình phòng chống dịch bệnh. Hiện công tác kiểm dịch được tăng cường đối với các chuyến bay đến từ Trung Quốc và những nước đã ghi nhận có ca mắc. Trực kiểm dịch y tế quốc tế 24/24h, thông Tết.
Trung tâm có kế hoạch và phân công công tác, nhân lực phòng chống dịch, trực kiểm dịch y tế quốc tế 24/24h. Ngoài 4 máy đo thân nhiệt tại khu vực nhập cảnh và xuất cảnh quốc tế thì hiện có 2 máy đo thân nhiệt dự phòng.
“Máy đo thân nhiệt bắt điểm nhiệt của hành khách, khi phát hiện hành khách sốt thì sẽ lưu lại hình ảnh của hành khách và phát ra âm thanh để báo. Sau đó mời hành khách vào phòng cách ly ngay gần đó. Nếu phải chuyển viện sẽ liên hệ và chuyển viện theo đường riêng”- BS Hải Nam cho biết
Trước tình hình dịch đang diễn biến tăng nhanh, thời gian sát Tết lượng người nhập cảnh tăng, TS Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng đề nghị rà soát lại quy trình kiểm dịch y tế quốc tế, các cơ số thuốc, trang thiết bị, thiết bởi đo nhiệt kế, khẩu trang...
“Hiện chúng ta mới trong tình huống chưa có dịch bệnh, nhưng cũng cần sẵn sàng tất cả nhân lực và trang thiết bị để chủ động phòng chống dịch bệnh trong tình huống có ca bệnh xâm nhập tại cửa khẩu và trong tình huống dịch bệnh lây lan ra cộng đồng”, TS Tấn nhắn mạnh.
Ngoài ra, TS Tấn cũng đề nghị tăng cường giám dịch tại cộng đồng, tránh để dịch bệnh lây lan. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội cần gửi danh sách cán bộ trực về Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để liên hệ, trao đổi công việc khi cần. Các cơ sở khám chữa bệnh cần thành lập đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới.
Để chủ động phát hiện sớm, cách ly, điều trị và ngăn chặn bệnh dịch lan rộng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các Bệnh viện phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh. Người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…) phải được phân luồng và khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt, khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày.
Nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho Y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rà soát lại các phương tiện máy thở, monitor theo dõi người bệnh, vật tư thiết bị y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh. Đồng thời thực hiện đúng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV).
Hiện đã có bằng chứng lâu lan hạn chế từ người sang người. Số ca mắc virus corona mới tại Trung Quốc đã là hơn 200, 4 người người tử vong. Một số nước như Nhật Bản, Thái Lan... cũng đã ghi nhận có bệnh nhân ngay từ khâu giám sát tại sân bay.
Bộ Y tế ban hành Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona. Mục tiêu phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong.
Theo đó phân theo 3 tình huống cụ thể:
- Tình huống thứ 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam
Phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona về Việt Nam từ vùng có dịch.
- Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam
Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
- Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng
Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.
Nam Phương