TPHCM:
33 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng
(Dân trí) - Năm 2015, trên địa bàn thành phố có 33 trẻ bị phản ứng sau tiêm chủng, trong đó có 1 trường hợp bị phản ứng nặng, không có ca tử vong. Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn đạt 94%.
Thông tin trên được BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống dịch năm 2015 (ngày 22/1). Theo đó, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ từ 1 tuổi trở xuống trên toàn địa bàn đạt 94%, thực hiện đủ mục tiêu của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Tuy nhiên, các mũi tiêm cho trẻ 18 tháng tuổi, thành phố vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, cụ thể: vắc xin sởi chỉ đạt 74%; vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván chỉ đạt 54%. Bên cạnh đó, tỷ lệ chích ngừa vắc xin uốn ván cho thai phụ và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn ở mức thấp.
Từ tháng 4/2015, thành phố thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế đưa vắc xin tiêm chủng mở rộng vào các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Đã có 62.590 liều vắc xin Quinvaxem được tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, điều này cho thấy nhận thực của phụ huynh về tính hiệu quả của việc tiêm Quinvaxem đã được cải thiện.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát các loại bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã được thực hiện thường xuyên. Có 9 ca mắc bệnh ho gà lâm sàng; 402 ca sốt phát ban; bệnh sởi đã giảm rõ rệt khi chỉ có 272 ca được ghi nhận.
Vân Sơn